'Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ' (trích 'Chinh phụ ngâm'): Sự trỗi dậy của ý thức cá nhân về quyền sống hạnh phúc
Hẳn là khi viết 'Chinh phụ ngâm' tác giả (Đặng Trần Côn) và dịch giả (Đoàn Thị Điểm) ngoài sự gợi hứng xuất phát từ hoàn cảnh thực tế của xã hội lúc đương thời với bao cảnh biệt ly cùng những cuộc nội chiến liên miên của triều đình phong kiến Lê - Trịnh...
1. Người chinh phụ (người phụ nữ có chồng ra trận) là đề tài thường thấy trong thơ cổ Trung Quốc, nhất là thơ Đường. Vương Xương Linh một nhà thơ nổi tiếng thời Thịnh Đường từng có một bài thơ rất hay viết về đề tài này và thường được mọi người nhắc đến. Bài thơ ấy kể lại nỗi niềm ân hận của một thiếu phụ nơi khuê phòng ở chốn lầu son gác tía chỉ vì mộng mơ cái “ấn phong hầu” mà đang phải chịu cảnh lẻ loi đơn chiếc, ngày đêm vò võ ngóng đợi người chồng đang phải xông pha trên những miền chiến địa mịt mù xa thẳm với biết bao nỗi gian lao, nguy hiểm rập rình. Bài thơ ấy như sau:
“Trẻ trung nàng biết đâu sầu,
Ngày xuân trang điểm, lên lầu ngắm gương.
Nhác trông vẻ liễu bên đường,
Phong hầu nghĩ dại xui chàng kiếm chi”.
(“Khuê oán”, Tản Đà dịch)
Hoặc Trương Cửu Linh một nhà thơ thời thịnh Đường khác cũng đã thể hiện rất sâu sắc nỗi xót xa đau khổ của người chinh phụ kể từ khi người chồng ra trận. Nhà thơ đã miêu tả chân thực tình cảm của người phụ nữ với nỗi nhớ sâu sắc người chồng cùng sự trống trải, vắng vẻ khiến nàng phải xót xa, buồn bã đến mức không buồn làm việc. Không những vậy, nỗi nhớ buồn đau ấy nhiều tới mức còn làm cho nhan sắc của nàng trở nên kém thắm và thân xác nàng cũng thành gầy guộc:
“Từ ngày chàng bước chân đi,
Cái khung cửi hỏng chưa hề nhúng tay.
Nhớ chàng như ánh trăng đầy,
Đêm đêm vầng sáng hao gầy đêm đêm
(“Tự quân chi xuất hi”, Ngô Tất Tố dịch)
Trong cái đêm đen của thời kỳ loạn lạc An – Sử, Thi tiên Lý Bạch cũng đã thể hiện sâu sắc nỗi đớn đau của người chinh phụ khi mùa xuân về trong bài “Xuân tứ”. Mùa xuân của đất trời, của đời người thường gợi lên khát vọng về hạnh phúc, tình yêu, gia đình. Nhưng mùa xuân đương thời trong loạn An – Sử đó trái ngược với quy luật bình thường. Xuân ấy người chinh phu ở nơi chiến trường đang khắc khoải với những mong ước được đoàn tụ, sum vầy thì cũng chính là lúc người vợ nơi quê nhà hiện lên với nỗi nhớ chồng quay quắt, héo hon:
“Cỏ non xanh biếc vùng Yên
Cành dâu xanh ngả ở bên đất Tần
Lòng em đau đớn muôn phần
Phải chăng là lúc phu quân nhớ nhà
Gió xuân quen biết chi mà
Cớ chi lọt bức màn là tới ai”.
(“Xuân tứ”, Tản Đà dịch)
Hay trước đó, thời Sơ Đường, nhà thơ Thẩm Thuyên Kỳ cũng từng kể về người vợ lính, có chồng đi xa mười năm, không thư từ, tin tức. Đến khi mùa thu, tháng chín, gặp tiết trời lạnh, nằm nghe lá rụng và tiếng chày đập vải vọng về, nàng đã không khỏi ngậm ngùi nỗi tủi sầu vì cảnh biệt ly để cho ánh trăng vàng chiếu vào nơi phòng không quạnh quẽ:
“Nhà Lư vợ trẻ ngát hoa hương
Xà khảm đồi mồi - cặp yến thương
Tháng chín chày khua tàn lá lạnh
Mười năm chinh thú nhớ Liêu Dương
Bạch Lang dòng bắc tin thư bặt
Đan Phụng thành nam thu lậu trường
Riêng nỗi vì ai sầu chẳng gặp
Lại xui trăng tỏ sáng tơ vàng”
(Cổ ý trình bổ khuyết Kiều Tri Chi, Bùi Hạnh Cẩn dịch)
Hẳn là khi viết “Chinh phụ ngâm” tác giả (Đặng Trần Côn) và dịch giả (Đoàn Thị Điểm) ngoài sự gợi hứng xuất phát từ hoàn cảnh thực tế của xã hội lúc đương thời với bao cảnh biệt ly cùng những cuộc nội chiến liên miên của triều đình phong kiến Lê - Trịnh thì ít nhiều cũng đã bị ảnh hưởng bởi cái đề tài phản chiến có từ thủa Đường thi, vốn được coi là những khuôn vàng thước ngọc cho bách gia thi sĩ các đời ở Việt Nam và Trung Quốc. Nói một cách chính xác là các tác giả đã kế thừa và phát triển đề tài đó một cách xuất sắc trong bối cảnh của đất nước Việt Nam khi đó, thế kỷ XVIII. Minh chứng là trích đoạn “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ”. Đoạn trích này đã và đang được chọn lọc để học trong chương trình ngữ văn THPT và THCS trước kia và hiện nay. Dưới đây là nội dung đoạn trích:
“Lòng này gửi gió đông có tiện,
Nghìn vàng xin gửi đến non Yên.
Non Yên dù chẳng tới miền,
Nhớ chàng đằng đẵng đường lên bằng trời
Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu,
Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong.
Cảnh buồn người thiết tha lòng,
Cành cây sương đượm, tiếng trùng mưa phun.
Sương như búa, bổ mòn gốc liễu.
Tuyết dường cưa, xẻ héo cành ngô.
Giọt sương phủ bụi chim gù,
Sâu tường kêu vẳng, chuông chùa nện khơi.
Vài tiếng dế, nguyệt soi trước ốc,
Một hàng tiêu, gió thốc ngoài hiên,
Lá màn lay, ngọn gió xuyên,
Bóng hoa theo bóng nguyệt lên trước rèm.
Hoa giãi nguyệt, nguyệt in một tấm,
Nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng bông,
Nguyệt hoa, hoa nguyệt trùng trùng
Trước hoa, dưới nguyệt trong lòng xiết đau!”
(Theo bản dịch “Chinh phụ ngâm”, trong bản in
“Giảng văn Chinh phụ ngâm” của Đặng Thai Mai,
Nhà xuất bản Đại học Sư Phạm Hà Nội I, năm 1992).
2. Chúng tôi dẫn lại đề tài người chinh phụ trong thơ ca Trung Hoa như trên để thấy được rằng đề tài ấy không có gì là mới trong khu vực nhưng với Việt Nam thì khá hiếm. Không tính trong văn học dân gian, ở phạm vi văn học viết, có thể nói “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn và bản dịch của Đoàn thị Điểm là một tiếng nói mới mẻ và mang tinh thần nhân đạo rất sâu sắc. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam, các nhà nho phong kiến đã để cho người phụ nữ; từng được xã hội bao đời dạy dỗ theo lối sống kín đáo, nhẫn nhục, chịu đựng trong khuôn khổ của nho gia với đạo “tam tòng tứ đức” nay không phải im hơi lặng tiếng nữa mà thoải mái bộc bạch, giãi bày, chia sẻ mọi tâm tình sâu kín của mình với những đau khổ, nhớ nhung, mong ước, khát khao đầy chất nữ tính như những gì vốn có của bản năng con người. Họ đã dám nói thẳng lòng mình, chẳng cần phải e thẹn, giữ gìn, che đậy mĩ miều gì hết. Đây chính là điểm mới và cũng là một đóng góp to lớn của các nhà thơ vào tiến trình phát triển của văn học viết Việt Nam.
3. Đoạn trích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” hiện được đưa vào học trong sách Ngữ văn 9, bộ sách Cánh Diều tập một, bắt đầu từ câu 209 đến câu 228 của tác phẩm gồm 408 câu. Phần trước của đoạn trích này kể về người chinh phụ sau buổi đưa tiễn ra trận đã trở về sống trong cảnh đợi chờ và hy vọng. Nàng đã tưởng tượng ra cảnh chiến trường với biết bao hiểm nguy, chết chóc để rồi xót xa, lo lắng cho số phận mong manh của chồng ở nơi xa trường. Nàng mong ngóng và hy vọng sớm được gặp lại chồng vì chàng đã hứa trong buổi đưa tiễn sẽ sớm trở về sum vầy bên vợ. Những mốc thời gian chàng từng hẹn ước cuối cùng đều đã trôi qua mà chàng vẫn vắng bóng. Nàng rời nhà đi đến các điểm hẹn để tìm gặp chồng nhưng đều chẳng thấy bóng hình nào ngoài ký ức. Nàng quay trở về chốn khuê phòng và ái ngại cho cảnh thân gái phải “nuôi già dạy trẻ”. Đến lúc này lòng nàng rộn lên với biết bao câu hỏi. Vì đâu mà đôi lứa phải cách xa? Vì sao bao lời hò hẹn mà không thể gặp gỡ? … Bao nhiêu câu hỏi là bấy nhiêu sự lặng im không lời đáp. Từ đây nàng bắt đầu phải sống trong tháng ngày mòn mỏi của những khắc khoải chờ mong. Đọc đoạn trích chúng ta thấy mạch tự tình của nhân vật trữ tình được nhà thơ triển khai bắt đầu từ nỗi nhớ chồng cho đến đau xót cho hoàn cảnh thực tại của bản thân và khép lại bằng những ước mơ, khát vọng về hạnh phúc của đôi lứa. Một mong ước giản dị rất người nhưng nào có dễ trong cái xã hội “Thủa trời đất nổi cơn gió bụi” khiến cho “khách má hồng lắm nỗi truân chuyên”. Mạch cảm xúc ấy được thể hiện qua những phân đoạn cụ thể như sau: mười câu đầu là nỗi nhớ thương chồng ở nơi ngoài biên ải, tám câu tiếp theo là sự ý thức về nỗi cô đơn, lẻ bóng của chính bản thân người chinh phụ, bốn câu cuối là nỗi niềm khát vọng về sự sum vầy hạnh phúc lứa đôi.
4. Đọc tác phẩm, nhìn chung toàn văn bài thơ chỉ có một chút rộn ràng, háo hức ở phần mở đầu, khi các tác giả miêu tả cảnh chàng trai ôm ấp mộng “phong hầu” theo cái lý tưởng của chủ nghĩa anh hùng thời phong kiến: “Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt/ Xếp bút nghiên theo việc đao cung/ Thành liền mong tiến bệ rồng/ Thước gươm đã quyết chẳng dong giặc trời/ Chí làm trai dặm nghìn da ngựa/ Gieo Thái sơn nhẹ tựa Hồng mao/ Giã nhà đeo bức chiến bào/ Thét roi cầu Vị ào ào gió thu” còn cơ bản là những nỗi niềm tự tình của người chinh phụ đang ngập tràn trong những thương với nhớ, buồn với lo cho đối tượng là người chồng đang phải xông pha trên những chiến địa đầy hiểm nguy. Khối tâm tình với biết bao lo lắng, buồn thương, nhung nhớ ấy được các tác giả thể hiện trên mọi góc độ với những biểu hiện rất phong phú và tinh tế, phù hợp với sự chuyển đổi của các cung bậc cảm xúc của nhân vật trữ tình.
Thoạt đầu là tâm trạng nhớ thương người chồng thân yêu đang phải chính chiến ở miền xa mãi ngoài biên ải:
“Lòng này gửi gió đông có tiện,
Nghìn vàng xin gửi đến non Yên.
Non Yên dù chẳng tới miền,
Nhớ chàng đằng đẵng đường lên bằng trời
Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu,
Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong.
Cảnh buồn người thiết tha lòng,
Cành cây sương đượm, tiếng trùng mưa phun”.
Phía trước đoạn trích này các tác giả xoáy sâu vào miêu tả nỗi khắc khoải chờ mong của người chinh phụ trong một không gian tương đối hạn hẹp. Đó là phạm vi của một căn phòng. Trong không gian chật hẹp và tù túng ấy, ngày cũng như đêm, người chinh phụ lúc nào cũng phải sống trong cảnh ngộ một mình lẻ bóng. Nàng hết “Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước” (đi qua đi lại ngoài hiên) thì lại “Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen” (nhiều lần buông rèm xuống cuốn rèm lên). Người ta có cảm giác người chinh phụ đang cố vẫy vùng để thoát ra khỏi cái trạng thái cô đơn nhưng cuối cùng vẫn bị bế tắc. Nàng vẫn bị chìm đắm trong những nỗi sầu tủi mênh mông. Trở lại với phần trích ở đoạn thơ này chúng ta thấy tứ thơ có vẻ như đã thoát ra được ngoài căn phòng chật hẹp và hòa vào với không gian bát ngát của thế giới tự nhiên. Người chinh phụ nhờ ngọn gió xuân (gió từ phương đông thổi tới) để gửi tấm lòng quý giá “nghìn vàng” đến nơi biên ải xa xôi (non Yên) cho người chinh phu. Cái “nghìn vàng” muốn gửi ấy chính là tấm lòng thủy chung son sắt. Có thể nói với cách miêu tả nội tâm qua ngoại cảnh các tác giả đã thể hiện thành công những nỗi nhớ nhung da diết của người chinh phụ. Người ta có cảm giác nỗi nhớ ấy đã tràn ra ngoài không gian “Nhớ chàng đằng đẵng đường lên bằng trời” rồi lại quay lại lặn sâu vào trong lòng người “Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong” để cuối cùng lắng lại ở một nỗi nhớ thương đau đớn đến không cùng “Cảnh buồn người thiết tha lòng/ Cành cây sương đượm, tiếng trùng mưa phun”. Không chỉ là sử dụng ngoại cảnh để diễn tả nội tâm, đoạn trích còn có sự tương tác tuyệt vời của ngôn ngữ chuyển dịch trong lời thơ của Đoàn Thị Điểm. Nếu như các điển tích chỉ gợi lên phần xác thì nghệ thuật điệp từ cùng các từ láy trong đoạn thơ đã biểu đạt một cách thần tình cái không gian và thời gian mênh mang gợi sầu gợi nhớ chẳng thể nào đo đếm được trong sâu thẳm cõi lòng của người chinh phụ. Từ “đằng đẵng”, “thăm thẳm” vừa diễn tả được độ dài vừa thể hiện được chiều sâu (độ cao) của con đường; từ “đau đáu”, “thiết tha” thể hiện được nỗi lo lắng, không yên và đau đớn đến tột cùng. Dường như nỗi nhớ, nỗi sầu của người chinh phụ trong cách thể hiện không gian vô tận, thời gian vô cùng như thế đã làm cho người đọc nhận ra cái cảm giác nỗi cô đơn và sự nhớ nhung, buồn thảm trong lòng người chinh phụ như thể được tăng lên gấp bội.
Sau cái tâm trạng nhớ nhung người chồng đang ở nơi biên ải xa xôi người chinh phụ bắt đầu thương mình và ý thức được nỗi cô đơn giữa tuổi xuân thì trong chốn khuê phòng lạnh lẽo giữa không gian mênh mông với những hình ảnh và âm thanh đầy u ám “cành cây sương đượm, tiếng trùng mưa phun” để rồi ý thơ chuyển dần từ “tình” sang “cảnh” với một bức tranh cảnh vật hiện ra vô cùng khốc liệt:
“Sương như búa, bổ mòn gốc liễu.
Tuyết dường cưa, xẻ héo cành ngô.
Giọt sương phủ bụi chim gù,
Sâu tường kêu vẳng, chuông chùa nện khơi.
Vài tiếng dế, nguyệt soi trước ốc,
Một hàng tiêu, gió thốc ngoài hiên
Lá màn lay, ngọn gió xuyên,
Bóng hoa theo bóng nguyệt lên trước rèm”
Bậc thầy miêu tả tâm trạng Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm đã tái hiện tuyệt vời cảnh cô đơn của người chinh phụ. Hình ảnh so sánh "sương như búa", "tuyết dường cưa" với sức mạnh “bổ mòn gốc liễu”, “xẻ héo cành ngô” quả là táo bạo. Nó đã cực tả được tâm trạng cô đơn, lẻ bóng qua cách nhìn thế giới bên ngoài của người phụ nữ vắng chồng trong đêm khuya giá lạnh. Thật khó xác định đâu là ngoại cảnh và đâu là tâm cảnh nhưng nỗi héo hon, mòn mỏi bởi thương nhớ thì ai cũng nhận ra. “Gốc liễu”, “cành ngô” đâu phải chi là những cây lá yếu mềm bên ngoài cửa phòng đang bị sương tuyết tàn phá mà còn là hiện thân của chính người chinh phụ với nỗi nhớ nhung sầu muộn đang bị thời gian hủy hoại cả về thể xác lẫn tinh thần. Người đọc dường như đã nhận ra những nét khác thường trong cái điều bình thường của cảnh vật. Cụ Nguyễn Du chẳng đã từng nói “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Cho nên trong hoàn cảnh lẻ bóng đơn chiếc giữa đêm trường lạnh lẽo như thế mà người chinh phụ đã dễ truyền vào cái thế giới ngoại cảnh những băng giá u sầu của lòng người. Những hy vọng “Thành liền mong tiến bệ rồng” mới đó ngày nào khi đưa tiễn chồng nay đã chuyển thành nỗi thất vọng ê chề xen lẫn sự ân hận muộn màng “Thà khuyên chàng đừng chịu tước phong” giữa đêm khuya thanh vắng. Với tâm cảnh ấy, tiếng chim gọi bạn dù có tình tứ đến đâu thì bên tai người chinh phụ cũng chỉ là những giá lạnh tê buốt như thể thấu xương. Nàng nghe âm thanh tiếng chuông chùa, tiếng dế kêu trước cửa nhà, tiếng gió thốc hàng chuối ngoài hiên mà trong lòng chỉ thấy hiện lên những vẻ đơn điệu, trống vắng. Ở đây các tác giả đã sử dụng thành công nghệ thuật lấy động để tả tĩnh. Những thanh âm ấy càng hiện rõ trong đêm khuya thì càng chính tỏ không gian tĩnh lặng đến tuyệt đối trong nỗi thao thức trằn trọc của người phụ nữ có chồng ra trận. “Thức khuya mới biết đêm dài” cho nên trong đêm vắng khó ngủ ấy nỗi buồn của người chinh phụ tưởng như tan ra theo những thanh âm nhưng rốt cuộc vẫn không mất đi mà còn như lặn sâu hơn vào trong cõi lòng của người vợ nhớ chồng. Hóa ra cái yên tĩnh của đêm sâu đang ẩn chứa những cơn bão lòng không thể nguôi khuây với những cảnh lẻ bóng, buồn tẻ, lạnh lẽo và có phần phũ phàng của tạo hóa: “nguyệt soi trước ốc”, “gió thốc ngoài hiên”, đặc biệt là “ngọn gió xuyên”. Thế mới hay sức mạnh hủy hoại của thời gian. Hình như đến lúc này người chinh phụ ngấm sâu và thấm thía cái sức mạnh tàn phá ghê gớm ấy. Cái thời gian đằng đẵng trong chờ đợi, mong mỏi càng làm cho người thiếu phụ rạo rực xuân tình trở nên “Võ vàng đổi khác dung nhan/ Khuê li mới biết tân toan dường này”. Xem những câu thơ trong phần trích này bất chợt lại gợi cho ta nhớ đến hình ảnh ngọn gió trong thơ của Lý Bạch: “Gió xuân quen biết chi mà/ Cớ chi lọt bức màn là tới ai” (Xuân tứ). Cái ngọn gió tinh nghịch thực là không đúng lúc. Nó chẳng xoa dịu nỗi thương lòng mà càng làm cho nỗi nhớ trở nên da diết, càng khắc sâu nỗi khắc khoải đợi chờ. Những câu thơ chất chứa nỗi niềm như thế làm cho người ta thấy sự xa cách, nỗi trống vắng càng bào mòn con người bao nhiêu thì sự khát khao đang trỗi dậy trong thế giới tinh thần của người chinh phụ lại mạnh mẽ lên bấy nhiêu. Bởi thế khi người phụ nữ nhìn thấy “Bóng hoa theo bóng nguyệt lên trước rèm” mà không khỏi ước mơ những quấn quýt sum vầy của hạnh phúc đôi lứa:
“Hoa giãi nguyệt, nguyệt in một tấm,
Nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng bông,
Nguyệt hoa, hoa nguyệt trùng trùng
Trước hoa, dưới nguyệt trong lòng xiết đau!”
Nếu đã nói “Chinh phụ ngâm” là một trong những đỉnh cao của nghệ thuật tả cảnh ngụ tình thời trung đại thì khổ thơ song thất lục bát dẫn trên là một điển hình tiêu biểu cho đỉnh cao ấy. Các nhà thơ đã dựng lên một bức tranh trăng hoa tuyệt đẹp. Những cảnh hoa nguyệt lồng quyện, xoắn xuýt vào nhau; tô điểm cho nhau tươi thắm, rực rỡ, lộng lẫy bao nhiêu thì càng làm cho cảnh ngộ lẻ bóng của cô gái có chồng chinh chiến ở nơi xa hiện lên đau xót bấy nhiêu. Tạo hóa lúc này thật trớ trêu. Cảnh vật có đôi, ríu rít và nâng đỡ cho nhau tình tứ chứ đâu có như cảnh ngộ của người chinh phụ đang lẻ bóng ôm sầu thương nhớ trong đêm khuya thăm thẳm. Hẳn là nhìn cảnh ngộ hoa nguyệt giao hòa như thế lòng người sẽ không khỏi phát sinh những rạo rực và khát thèm hạnh phúc. Các từ ngữ của nghệ thuật nhân hóa: “giãi”, “lồng” trong câu thơ đã gợi lên cảnh âu yếm nồng nàn của tạo vật một cách rất trang nhã và kín đáo. Nhưng chính nó cũng lại là mũi dao sắc lẹm cứa vào nỗi lòng sâu thẳm của người chinh phụ. Nhìn cái cảnh hoa nguyệt như trêu ngươi trước mắt kia nàng chinh phụ không khỏi nhớ về những đêm xuân tình ngày trước với “Cái đêm hôm ấy đêm gì/ Bóng trăng lồng bóng đồ mi trập trùng” (“Cung oán ngâm”, Nguyễn Gia Thiều) để mà thương mình, tủi phận trong nỗi đau xót nhớ mong thâu đêm suốt sáng: “Nguyệt hoa, hoa nguyệt trùng trùng/ Trước hoa, dưới nguyệt trong lòng xiết đau”. Phải chăng hai câu thơ lục bát ấy chính là một so sánh ngầm. Nàng chinh phụ đang so sánh hạnh phúc của mình với hạnh phúc tạo hóa ban cho cảnh vật. Nếu như thế thì đây hẳn phải là một sự phát triển mạnh mẽ về ý thức của người phụ nữ trong văn học viết đương thời. Ý thức cá nhân của người chinh phụ đang tiến dần đến ý thức về quyền sống, quyền được hưởng hạnh phúc lứa đôi của con người trên mặt đất. Bởi thế sự ý thức này vô hình đã trở thành một tiếng nói phản chiến mạnh mẽ. Không ai khác, chính chiến tranh phi nghĩa đã phá hoại tình cảm lứa đôi; đẩy người chinh phụ vào những đêm trường lẻ bóng với bao nỗi sầu thương nhớ, trong những nỗi khát khao hạnh phúc gia đinh.
5. Có thể nói, đoạn trích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” không chỉ là một trong những đỉnh cao của nghệ thuật tả cảnh ngụ tình mà còn là đỉnh cao của thể thơ song thất lục bát, một thể thơ truyền thống của dân tộc. Những ý thơ đăng đối; những hình ảnh trang nhã, gợi cảm kết hợp với nhịp thơ lục bát giàu âm điệu đã làm cho đoạn trích nói riêng và tác phẩm nói chung những bức tranh vừa là ngoại cảnh vừa là tân cảnh rất tinh tế và hấp dẫn; đem đến cho người đọc những cảm xúc trào dâng như những ngọn sóng để cuối cùng tất cả đều vỡ òa trong nỗi cô đơn, sầu muộn, trong nỗi niềm khát khao hạnh phúc của người chinh phụ. Trạng thái tình cảm này xét trên phương diện nhân đạo như đã nêu thì đó là tiếng nói tố cáo chiến tranh phi nghĩa khiến biết bao chàng trai đã phải lên đường ra mặt trận đối mặt với thương vong tang tóc và để lại nơi hậu phương những héo hon mòn mỏi của biết bao nàng chinh phụ. Mặt khác xét trên phương diện ý thức, như đã phân tích ở trên, thì đây là một mốc đánh dấu sự trưởng thành vược bậc của văn học viết thời trung đại mà các tác giả Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm đã đóng góp cho kho tàng văn học của dân tộc. Bởi những giá trị ấy mà “Chinh phụ ngâm” dễ nhận được sự đồng cảm của bạn đọc để thấm sâu vào lòng người và mãi mãi là một “viên ngọc” lung linh trong lòng người mến mộ văn chương.