Tình cảnh trái ngược của các hãng xe sau chiến lược điện hóa

Trong khi một số hãng ghi nhận doanh số kỷ lục nhờ xe điện và hybrid, thì các tên tuổi lớn như Volkswagen hay Porsche lại lao đao vì lợi nhuận sụt giảm.

Volkswagen bán nhiều xe điện hơn, nhưng lợi nhuận lại lao dốc

Trong quý I/2025, Tập đoàn Volkswagen (VW Group) ghi nhận doanh số tăng nhẹ 1,4% so với cùng kỳ năm trước, đạt 2,13 triệu xe.

Đơn hàng mới tăng gần 30%, chủ yếu đến từ các dòng xe sang và xe được nâng cấp, thuộc Porsche, Audi và Skoda.

Lượng xe bán ra cao hơn cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận của Volkswagen lại giảm tới gần một nửa.

Lượng xe bán ra cao hơn cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận của Volkswagen lại giảm tới gần một nửa.

Tuy nhiên, đằng sau con số tích cực về doanh số lại là một sự thật đáng lo, khi lợi nhuận sau thuế của VW giảm tới 40,6%.

Theo Autoblog, nguyên nhân chính được VW chỉ ra, là do tăng trưởng nhanh chóng của mảng xe điện. Trong quý đầu năm, tỷ lệ xe điện trong tổng số xe giao đến khách hàng tăng từ 9% lên 19%. Riêng đơn đặt hàng xe thuần điện tăng vọt 64%.

Tuy nhiên, xe điện lại có biên lợi nhuận thấp hơn đáng kể so với xe xăng truyền thống. Giám đốc tài chính của VW thừa nhận “thành công của xe điện đang gây áp lực lên kết quả tài chính”. Biên lợi nhuận hoạt động toàn tập đoàn giảm mạnh, từ 6% xuống còn 3,7%.

Để ứng phó, Volkswagen tuyên bố sẽ “hoàn thiện danh mục sản phẩm dựa trên cơ sở chi phí cạnh tranh”.

Điều này được hiểu là hãng có thể sẽ cắt giảm chi phí sản xuất, điều chỉnh chuỗi cung ứng hoặc cân nhắc tăng giá, đặc biệt trong bối cảnh các yếu tố kinh tế vĩ mô đang bất ổn và chính sách thuế nhập khẩu thay đổi.

Porsche loay hoay với xe điện tại Trung Quốc

Porsche, thương hiệu xe sang thuộc VW Group, cũng đang gặp khó tại thị trường quan trọng nhất là Trung Quốc, theo Motor1.

Porsche liên tục ghi nhận kết quả kinh doanh đi xuống tại Trung Quốc.

Porsche liên tục ghi nhận kết quả kinh doanh đi xuống tại Trung Quốc.

Trong năm 2024, doanh số Porsche tại Trung Quốc giảm 28%, xuống còn 79.283 xe. Bước sang quý I/2025, lượng bán tiếp tục lao dốc tới 42%, chỉ còn 9.471 xe.

Nguyên nhân chính đến từ mảng xe điện.

Trong khi dòng xe Taycan hay Macan EV chưa đạt kỳ vọng, các hãng xe nội địa Trung Quốc như Xiaomi tung ra loạt xe EV có hiệu năng cao và giá rẻ hơn rất nhiều, như mẫu SU7 Ultra công suất 1.548 mã lực có giá chỉ 530.000 NDT (khoảng 73.000 USD), trong khi Porsche Taycan tiêu chuẩn giá tới 918.000 NDT (126.000 USD).

Phát biểu tại Triển lãm Ô tô Thượng Hải 2025, CEO Oliver Blume không loại trừ khả năng Porsche sẽ rút khỏi mảng xe điện tại Trung Quốc trong từ 2 - 3 năm tới.

Porsche cũng tuyên bố không chạy đua doanh số, và sẽ không giảm giá để cạnh tranh. Điều này đồng nghĩa, các mẫu xe điện sắp ra mắt như Cayenne EV hay 718 EV sẽ vẫn giữ mức giá cao, và sẽ khó cạnh tranh với xe Trung Quốc.

Ngoài ra, khác với Audi hay Mercedes, Porsche chưa đầu tư phát triển dòng xe chuyên biệt cho thị trường Trung Quốc - yếu tố khiến hãng ngày càng tụt lại phía sau.

Hyundai hưởng lợi từ xe hybrid tại Mỹ

Trái ngược với Volkswagen và Porsche, Hyundai lại có một quý kinh doanh khởi sắc tại Mỹ, nhờ một dòng xe điện hóa khác là hybrid.

Trong tháng 4/2025, Hyundai ghi nhận doanh số tốt nhất lịch sử tại thị trường Mỹ, với 81.503 xe bán ra, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là tháng tăng trưởng thứ 7 liên tiếp.

Mẫu Hyundai Tucson Hybrid bán tại Mỹ.

Mẫu Hyundai Tucson Hybrid bán tại Mỹ.

Trong đó, mẫu SUV Hyundai Tucson đạt doanh số 22.054 xe (tăng 41%), Elantra đạt 13.125 xe (tăng 30%), và Santa Fe bán được 12.417 xe (tăng 28%).

Đáng chú ý, nhóm xe hybrid của Hyundai tăng trưởng đến 46%, cho thấy người tiêu dùng Mỹ đang ưu ái giải pháp trung hòa giữa tiết kiệm nhiên liệu và sự tiện lợi. Xe thuần điện cũng tăng trưởng 25%, dù một số mẫu như Ioniq 5 và Ioniq 6 ghi nhận doanh số sụt nhẹ.

Sắp tới, Hyundai sẽ bổ sung mẫu SUV điện 3 hàng ghế Ioniq 9 và ra mắt bản nâng cấp của Ioniq 6. Dù còn những sản phẩm chưa thành công như Santa Cruz hay Nexo, Hyundai nhìn chung vẫn duy trì được đà tăng trưởng nhờ chiến lược xe lai hợp lý và sản phẩm đa dạng.

Chuyển đổi sang xe điện: Lợi thế hay gánh nặng?

Giới chuyên môn nhận định, tình cảnh trái ngược giữa Volkswagen, Porsche và Hyundai cho thấy một thực tế rõ ràng, là chuyển đổi sang xe điện hóa không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với tăng trưởng và lợi nhuận.

Với các hãng đã xây dựng chuỗi cung ứng tối ưu, sở hữu dải sản phẩm hợp lý như Hyundai, thì đây là cơ hội. Nhưng với những thương hiệu chưa giải bài toán chi phí và định vị, như VW hay Porsche, thì xe điện lại đang trở thành gánh nặng tài chính.

Trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào biến động, căng thẳng thương mại gia tăng và áp lực cạnh tranh từ Trung Quốc, các hãng xe toàn cầu sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng giữa tham vọng điện hóa và thực tế kinh doanh khắc nghiệt phía trước.

Chí Vũ

Nguồn Xe Giao Thông: https://xe.baoxaydung.vn/tinh-canh-trai-nguoc-cua-cac-hang-xe-sau-chien-luoc-dien-hoa-192250507141605232.htm