Tình cha

Cách gọi của quê tôi là bố. Bố tôi đầy yêu thương, đầy trách nhiệm và tài năng, lại còn đẹp trai nữa. Nhưng đấy là hình ảnh tôi nhìn nhận về bố tôi hôm nay thôi, trước đây thì… không hẳn là như thế.

Tranh: Đào Hải Phong.

Tranh: Đào Hải Phong.

Trong ký ức của tôi thì bố tôi rất dễ nóng giận. Hình ảnh bố trừng mắt, quát tháo là quá quen thuộc đối với tôi bởi nó hầu như xảy ra mỗi tuần khi bố từ cơ quan về nhà nghỉ vào thứ bảy chủ nhật. Bố hay nóng giận nhất là khi chúng tôi làm phật ý bà nội hay các chị em, cháu chắt của bố. Chỉ cần bà nội tôi hay các anh chị em của bố, cháu của bố phàn nàn gì đó về chúng tôi thì bố dường như không còn suy nghĩ được gì cả, sẽ bắt đầu nổi giận.

Rồi tôi lớn lên, đi học đi làm, đã sống cuộc đời nhiều vất vả, đổ vỡ, căng thẳng. Tôi vẫn mang theo nỗi sợ đối với bố. Tôi không hề dám kết bạn với bố tôi trên facebook, bởi cứ nhìn thấy hình ảnh của bố thì tôi căng thẳng, ngay cả khi tôi đã gần 50 tuổi.

Rồi tôi tự đi tìm câu trả lời cho mình. Mỗi ngày tôi mở thêm được một chút góc nhìn của mình đối với mọi thứ xung quanh. Tôi dần hiểu được bố tôi, và tôi thương bố. Ông nội tôi mất sớm, một mình bà nội tôi nuôi 4 người con. Sự vất vả, nhường nhịn, sẻ chia của bà nội và các chị em của bố trong suốt tuổi thơ quá nhiều nghèo khó, vất vả đã in dấu thật sâu đậm trong lòng bố tôi. Bố yêu thương họ, ghi khắc ơn nghĩa của họ trong tâm thức của mình, đặt họ lên vị trí cao nhất trong trái tim mình. Có lẽ vì thế mà điều bố sợ hãi nhất là bà nội tôi và các anh chị em của mình buồn.

Điều hay làm bố giận dữ nữa là khi ai đó động chạm đến lòng tự tôn của bố. Bố không thể chịu được việc bị chê. Bố mặc định với chúng tôi rằng người lớn nói là phải nghe, người lớn nói là không được cãi. Một lần khi tôi là sinh viên có qua nhà bạn chơi, bố của bạn đang sửa cái quạt mà mãi không được. Bạn tôi cười bố và bảo: Bố chả biết làm gì cả. Tôi sợ run người. Trong suy nghĩ của tôi là con cái mà nói câu đó sẽ bị bố đánh nhừ đòn. Nhưng người bố của bạn tôi cười hiền và bảo: Ừ, thôi để lát bố mang đi nhờ chú cùng cơ quan. À, thì ra không phải người bố nào cũng nổi giận khi bị con chê. Tôi ấn tượng mạnh lắm. Tôi bắt đầu nhận ra là có cái gì đó thật không đúng giữa bố và tôi. Sự tủi thân len lỏi trong lòng tôi và cứ ở lại mãi. Sau này tôi mới hiểu những chuyện như thế. Nếu một người khi còn nhỏ được đặt quá nhiều kỳ vọng hoặc bản thân họ tự kỳ vọng chính mình thì họ rất dễ tạo ra cái vỏ bọc là người tài giỏi hơn người. Trong gia đình có 4 anh chị em thì mình bố được học đại học. Vì vậy mà bố tự lãnh trách nhiệm phải giỏi giang để có thể lo lắng, bao bọc những người đã nhường cơm sẻ áo cho mình. Nên bố đã cố gắng rất nhiều. Khi mới 30 tuổi bố đã xây được căn nhà khang trang cho gia đình. Nhưng dường như những kết quả đó chưa làm bố hài lòng. Nên áp lực đó đè lên vai khiến bố lúc nào cũng thấy bức bối. Giá như tôi hiểu được điều này từ khi còn là đứa trẻ. Nếu không được sách vở, thầy cô, bạn bè khai mở cho thì đến già tôi cũng không hiểu nổi chứ nói gì là lúc tôi còn trẻ.

Nói như vậy thì quãng đời không hạnh phúc của tôi là do bố tôi hay sao? Tôi nghĩ không ai có lỗi ở đây, chỉ là tôi và bố tôi đều đã không đủ bình an, thông thái để nhìn nhận được vấn đề và vận hành cuộc đời mình theo cách tốt hơn mà thôi. Chỉ cần một trong hai có được sự bình an nhìn nhận được vấn đề sẽ hỗ trợ được cho bên kia rất nhiều.

Nói như thế là bố tôi không được yêu thương bà nội tôi và các anh chị em, cháu chắt của bố như vậy hay sao? Có chứ, nhưng tình yêu đó lại gắn với cảm xúc tiêu cực: Sợ hãi, lo lắng, hy sinh, giận dữ, ngạo mạn…. Chứ không phải thứ tình yêu gắn với những cảm xúc tốt lành: Vui vẻ, tin tưởng, hy vọng, trí tuệ, trân trọng biết ơn và sự bao dung.

Giờ đây khi đã biết nhìn nhận mọi thứ theo hướng tích cực tôi thương bố nhiều hơn, biết ơn bố tôi đã nỗ lực vì gia đình thật nhiều. Nhờ bố mà tôi tìm được tới con đường học hành, khai mở tâm trí, chuyển hóa được nhận thức của mình để thấy cuộc đời tốt lành, đẹp đẽ.

VÂN PHẠM

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-cha-5720876.html