Tinh giản biên chế ngành giáo dục: Thiếu giáo viên vẫn phải tinh giảm

Trong khi đa phần giáo viên bị thất nghiệp sau khi bị cắt hợp đồng thì các trường ở nhiều nơi đang 'toát mồ hôi' giải bài toán thiếu giáo viên.

Thực hiện Nghị quyết số 39 năm 2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trong 7 năm, từ năm 2015 đến năm 2021, các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị- xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập phải

Trong khoảng thời gian này, chỉ được tuyển dụng mới số cán bộ, công chức, viên chức không quá 50% số biên chế đã thực hiện tinh giản và không quá 50% số biên chế đã giải quyết chế độ nghỉ hưu hoặc thôi việc theo quy định.

Việc tinh giản tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015 và tiến tới chấm dứt số hợp đồng lao đồng không đúng quy định cũng là một trong những mục tiêu tiếp tục được nêu trong Nghị quyết số 19 của Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương khóa 12, năm 2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Sau hơn 4 năm thực hiện, nhiều cơ quan, đơn vị đã đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức, viên chức không đủ điều kiện về chuyên môn nghiệp vụ, sức khỏe, đạo đức và tuyển chọn những người có trình độ, năng lực chuyên môn cao hơn, đáp ứng yêu cầu công việc. Tuy nhiên, quá trình triển khai Nghị quyết 39 và Nghị quyết 19 cũng bộc lộ những bất cập khiến nhiều ngành, nhiều địa phương lúng túng.

Trong loạt bài viết này, nhóm phóng viên VOV sẽ đề cập câu chuyện thực tế của ngành Giáo dục và Đào tạo.

Trong khi đa phần giáo viên bị thất nghiệp sau khi bị cắt hợp đồng thì các trường ở nhiều nơi đang “toát mồ hôi” giải bài toán thiếu giáo viên. Anhr minh họa.

Trong khi đa phần giáo viên bị thất nghiệp sau khi bị cắt hợp đồng thì các trường ở nhiều nơi đang “toát mồ hôi” giải bài toán thiếu giáo viên. Anhr minh họa.

Có 8 năm công tác tại Trường THCS Sơn Đà, huyện Ba Vì, cô giáo Hoàng Thị Loan chưa bao giờ nghĩ đến một ngày vào năm 2018, cô nhận được thông báo ngừng hợp đồng lao động từ chủ trương của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội kể từ năm học 2019-2020. Mỗi tháng trước đây, cô được hưởng mức lương khoảng hơn 1 triệu đồng từ hợp đồng lao động ký theo từng năm.

Mặc dù không được tăng lương, không được hưởng bất kỳ khoản phụ cấp hay chế độ ưu đãi gì, nhưng bởi yêu nghề, mong muốn được làm nghề từng lựa chọn và được đào tạo trong trường đại học nên cô luôn nỗ lực và đã đạt nhiều thành tích trong dạy và học, được nhà trường và đồng nghiệp ghi nhận, đánh giá. Nay đột ngột bị ngừng hợp đồng lao động, cô Loan không khỏi cảm giác chơi vơi. Buồn và lo lắng.

Giáo viên bị ngừng hợp đồng lao động, trong khi trường không đủ người đứng lớp.

Giáo viên bị ngừng hợp đồng lao động, trong khi trường không đủ người đứng lớp.

“Khi nhận tờ thông báo đó thực sự chúng tôi rất buồn, vì trước chúng tôi hợp đồng theo huyện được đóng bảo hiểm. Hết tháng 8 huyện không cho phép các trường ký hợp đồng nữa. Chúng tôi rất buồn!”.

, trong khi trường không đủ người đứng lớp. Ban giám hiệu phải nhờ thỉnh giảng theo tiết để “lấp đầy” giáo viên giảng dạy trên thực tế. Vì đam mê nghề, vì lòng mến trẻ và cả vì nguồn thu nhập của bản thân, cô Hoàng Thị Loan đành chấp nhận làm… “thỉnh giảng”.

Nhưng không chỉ có cô Loan, toàn huyện Ba Vì hiện có 341 giáo viên bị chấm dứt hợp đồng kể từ ngày 31/8/2019. Đây cũng là thực tế đang diễn ra ở hầu hết các quận, huyện của thành phố Hà Nội.

Theo thống kê, toàn thành phố có hơn 11.000 giáo viên hợp đồng, trong đó hơn 2.700 giáo viên hợp đồng từ năm 2015 trở về trước. Thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, nhiều giáo viên đã bị cắt hợp đồng, trong đó có những người thâm niên giảng dạy trên 10 năm, thậm chí hơn 20 năm.

Ngành Giáo dục và đào tạo đang đối mặt với một nghịch lý là: trong khi đa phần giáo viên rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp sau khi bị cắt hợp đồng thì các trường và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã lại phải “toát mồ hôi” khi đi tìm cách giải bài toán thiếu giáo viên. Dồn sức ép quá tải lên vai những thầy cô trong biên chế, buộc họ phải dạy tăng tiết so với quy định. Đó là cách được nhiều trường lựa chọn.

Còn nhiều nghịch lý, tồn tại trong ngành giáo dục cần được giải quyết.

Còn nhiều nghịch lý, tồn tại trong ngành giáo dục cần được giải quyết.

“Thiếu giáo viên nên tôi đảm nhiệm thêm một lớp toán nữa, tức là tăng thêm 4 tiết và vượt so với quy định là 4 tiết. Rất mệt mỏi, thứ nhất là về thời gian thì chúng tôi phải đầu tư hơn. Thứ hai là về đi làm nhiều, cũng mệt hơn so với bình thường. Mấy tháng nay, việc nhà tôi cũng không được chu toàn lắm, bởi vì hầu hết là sáng, chiều đều phải có mặt ở trường”, cô Trần Thị Thu, Trường THCS Cẩm Lĩnh, Ba Vì, chia sẻ.

Câu chuyện này cũng không phải chỉ xảy ra với riêng Hà Nội. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tại thời điểm tháng 10/2019, cả nước thiếu hơn 86.000 giáo viên, trong đó thiếu nhiều nhất là bậc mầm non hơn 45.000 giáo viên, tiểu học hơn 18.000 giáo viên. Nhiều tỉnh, thành phố thiếu hàng nghìn giáo viên như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bắc Ninh, Nghệ An, Gia Lai, Hải Dương...

Ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang cho biết: Hiện nay Hà Giang tổng số giáo viên thiếu là khoảng trên 1.500 giáo viên các cấp, tập trung vào mầm non, tiểu học. Khó khăn nhất là khi chúng ta thiếu giáo viên, rõ ràng chất lượng giáo dục là ảnh hưởng.

Còn cô giáo Ngô Thị Bích Liên, Hiệu trưởng Trường THCS Vân Cơ, thành phố Việt Trì, Phú Thọ băn khoăn: “Hiện nay cơ cấu giáo viên của nhà trường đang là 32 cán bộ, giáo viên công nhân viên, 28 giáo viên trên tỷ lệ 16 lớp hiện nay chúng tôi đang tính là 1,7 giáo viên trên lớp thiếu 4 giáo viên. Về cơ cấu giáo viên biên chế thì chúng tôi thiếu môn tiếng Anh, Lịch sử và môn Sinh...”.

Do thiếu giáo viên nên đến nay, sau hơn 4 năm thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương, nhiều cơ sở giáo dục vẫn không thể thực hiện được.

“Câu chuyện là chúng tôi phải thực hiện 10% thế thì thực sự là bất khả thi. Trong khi đó thì nói chính xác ra là từ năm 2015 đến nay chúng tôi tinh giản được khoảng 14 thầy cô nhưng thuộc đối tượng một là sức khỏe yếu, mắc bệnh, thứ hai nữa là năng lực chuyên môn thực sự yếu không hoàn thành nhiệm vụ thì mới là tinh giản. Còn lại các số khác giảm là do nghỉ hưu theo chế độ thôi”, ông Phạm Đức Chiển, Phó Trưởng phòng Giáo dục- Đào tạo thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ cho biết.

Theo thầy Chu Quyết Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội cho biết, trước việc tinh giảm biên chế cũng có thực hiện rồi nhưng hiện nay do một vài năm gần đây thiếu giáo viên cho nên nhà trường cũng chưa thực hiện việc tinh giản biên chế.

Nghịch lý giáo viên thất nghiệp sau khi bị cắt hợp đồng, còn nhà trường lại thiếu giáo viên do không được phép tuyển mới. Có thể coi là căn bệnh trầm kha của ngành Giáo dục và Đào tạo. Chính phủ đã nhiều lần quán triệt chủ trương tinh giản biên chế nhưng phải bảo đảm nguyên tắc “có học sinh thì có giáo viên”. Thời điểm này chuẩn bị kết thúc học kỳ 1 năm học 2019-2020, nhưng nhiều trường vẫn chưa tuyển đủ giáo viên. Thiếu giáo viên vẫn phải thực hiện tinh giản biên chế. Đó là nghịch lý mà nếu chỉ riêng ngành Giáo dục và Đào tạo chắc chắn không thể tháo gỡ được.

Thực trạng thiếu giáo viên xảy ra ở hầu khắp các địa phương trên cả nước, kéo dài nhiều năm mà không thể giải quyết được; cộng thêm việc thực hiện tinh giản biên chế mỗi nơi làm một kiểu đã góp phần làm cho vấn đề ngày càng trầm trọng thêm. Vậy thiếu giáo viên là do đâu và vì sao khó khăn đến mức có nơi không thể giải quyết được câu chuyện tinh giản biên chế trong ngành giáo dục? Chúng tôi sẽ đề cập đến vấn đề này trong bài viết tiếp theo./.

Minh Hường- Thu Hiền/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tinh-gian-bien-che-nganh-giao-duc-thieu-giao-vien-van-phai-tinh-giam-994993.vov