Tinh gọn hệ thống quỹ ngoài ngân sách

Nhiều đề xuất sắp xếp lại các quỹ tài chính ngoài ngân sách theo hướng tinh gọn, hiệu quả và tạo ra cơ chế phù hợp cho từng loại quỹ để tránh trùng lặp nhiệm vụ chi với ngân sách nhà nước, có thể tính đến giải thể các quỹ kém hiệu quả.

Còn chồng chéo và kém hiệu quả

Theo kết quả kiểm toán các năm gần đây và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, hệ thống quỹ ngoài ngân sách tại Việt Nam hiện nay đang tồn tại nhiều vấn đề đáng lo ngại. Theo đó, hiệu quả sử dụng vốn ở nhiều quỹ không tương xứng với quy mô tài chính, đồng thời cơ chế giám sát thiếu đồng bộ, dẫn đến tình trạng phân tán nguồn lực, thậm chí bị sử dụng sai mục đích hoặc không sử dụng.

Đơn cử, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG - do Bộ Tài chính quản lý và giao cho doanh nghiệp đầu mối thực hiện), đến cuối năm 2024 còn tồn dư hơn 6.067,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc điều hành quỹ này liên tục gây tranh cãi, đặc biệt trong giai đoạn giá dầu thế giới biến động mạnh.

Ghi nhận của bộ Tài chính cho thấy, trong năm 2024, Bộ này đã ban hành 21 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định về Quỹ BOG xăng dầu. Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng quỹ không được sử dụng kịp thời để bình ổn giá, khiến mục tiêu chính sách bị vô hiệu hóa. Nguồn thu của quỹ chủ yếu đến từ tiền lãi gửi ngân hàng nhưng gần như không phát huy vai trò điều tiết giá cả thị trường.

Một trường hợp khác là Quỹ Phòng, chống thiên tai. Theo thống kê của các địa phương, đến tháng 9/2024 quỹ này có tổng thu trên 5.800 tỷ đồng, còn tồn dư trên 2.263 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn dư của quỹ phần lớn tồn ở các tỉnh, thành tập trung đông dân cư, doanh nghiệp như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương… Các tỉnh vùng núi, vùng sâu, vùng xa thường xuyên chịu ảnh hưởng thiên tai thì thu được rất ít hoặc còn tồn quỹ không đáng kể, trong khi chưa có cơ chế để phân bổ, chia sẻ giữa các địa phương.

Đặc biệt, hiện nay tình trạng trùng lặp chức năng giữa các quỹ ngoài ngân sách vẫn rất phổ biến. Ví dụ, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Nafosted) và Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (Natif) đều tài trợ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ nhưng không có cơ chế phối hợp liên thông. Cả hai quỹ đều triển khai cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất bảo lãnh vay vốn đổi mới công nghệ. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc sử dụng nguồn vốn này do quy trình phức tạp và thiếu linh hoạt.

Hay các quỹ như Quỹ Quốc gia về Việc làm, Quỹ Đền ơn Đáp nghĩa hiện nay đang thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ cho vay ưu đãi tạo việc làm và chi hỗ trợ người có công với cách mạng. Tuy nhiên các quỹ này đều có nhiệm vụ chi trùng lặp với các chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH và các chương trình hỗ trợ người có công do ngân sách nhà nước thực hiện, dẫn đến sự chồng chéo và thiếu hiệu quả trong việc sử dụng nguồn lực.

Ngoài ra, cũng theo Kiểm toán Nhà nước, công tác kế toán, kiểm soát dòng tiền ở nhiều quỹ ngoài ngân sách hiện nay còn thiếu thống nhất. Một số quỹ không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước từ số dư chưa sử dụng hoặc nguồn thu phát sinh ngoài kế hoạch. Chẳng hạn, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa có số dư hơn 1.400 tỷ đồng nhưng tỷ lệ giải ngân thường niên chỉ đạt dưới 25%, trong khi chi phí quản lý mỗi năm hơn 15 tỷ đồng (theo Báo cáo tổng hợp ngân sách 2023 của Bộ Tài chính).

Nhiều quỹ tài chính ngoài ngân sách hiện tồn dư hàng nghìn tỷ đồng nhưng hoạt động kém hiệu quả cần tái cấu trúc

Nhiều quỹ tài chính ngoài ngân sách hiện tồn dư hàng nghìn tỷ đồng nhưng hoạt động kém hiệu quả cần tái cấu trúc

Có thể sáp nhập, giải thể các quỹ trùng lặp

Để khắc phục các bất cập trên, Kiểm toán Nhà nước từ năm 2022 đến nay đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ và Quốc hội sắp xếp lại hệ thống quỹ tài chính ngoài ngân sách. Theo đó, cơ quan này cho rằng cần rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của các quỹ ngoài ngân sách; sáp nhập các quỹ có chức năng tương đồng; giải thể các quỹ hoạt động kém hiệu quả; và chuyển một số quỹ về cơ chế cấp phát trực tiếp từ ngân sách nhà nước.

Về cơ chế phân loại, quản lý các quỹ nhóm này, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị nghiên cứu cơ chế quản lý đối với các quỹ do Trung ương quản lý tổ chức theo hướng phân biệt giữa các quỹ công hoạt động theo điều lệ quỹ và các luật chuyên ngành (gồm: Quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp và Quỹ Tích lũy trả nợ) với các quỹ còn lại có cơ chế quản lý phù hợp.

Về mô hình tổ chức, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành cần tinh gọn bộ máy tổ chức các quỹ. Theo đó, một số quỹ có thể không cần thiết phải tổ chức bộ máy riêng mà chỉ cần xác định tiêu chuẩn, tiêu chí được hưởng ưu đãi từ quỹ và ủy thác các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách cho doanh nghiệp vay và hưởng ưu đãi theo sứ mệnh của quỹ.

TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (VESS) cho rằng, việc một số quỹ hoạt động như “ngân hàng thu nhỏ”, có thu - chi - lãi gửi ngân hàng, là không đúng bản chất tài chính công. Cần đưa toàn bộ quỹ ngoài ngân sách vào phạm vi kiểm toán bắt buộc và công khai số liệu định kỳ. Ngoài ra, nên giao trách nhiệm định kỳ hằng năm cho Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo tài chính toàn bộ các quỹ ngoài ngân sách gửi Quốc hội thẩm tra, thay vì chỉ kiểm toán mẫu hoặc theo vụ việc như hiện nay.

“Cần đưa toàn bộ hệ thống quỹ tài chính ngoài ngân sách vào phạm vi kiểm toán bắt buộc và giám sát công khai. Việc giám sát chưa chặt chẽ hiện nay đã tạo kẽ hở cho việc sử dụng vốn thiếu hiệu quả và không công khai minh bạch”, ông Thành nhấn mạnh.

Số dư 22 quỹ ngoài ngân sách trên 1,47 triệu tỷ đồng

Đến cuối năm 2024, tổng số quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý là 22 quỹ. Số dư đến cuối năm 2024 của các quỹ này đạt khoảng 1,47 triệu tỷ đồng, tăng 3,97% so với năm 2023.

Trong đó, số dư 3 quỹ do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý chiếm 91,4% tổng số dư các quỹ; có 4 quỹ có số dư dưới 100 tỷ đồng; 8 quỹ có số dư từ 100 tỷ đồng đến 1.000 tỷ đồng; 8 quỹ có số dư trên 1.000 tỷ đồng.

Các quỹ hiện nay được tổ chức theo 4 phương thức chính, là: mô hình chuyên biệt, mô hình đơn vị sự nghiệp công lập, mô hình công ty TNHH một thành viên và các mô hình chưa được quy định cụ thể.

Thạch Bình

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/tinh-gon-he-thong-quy-ngoai-ngan-sach-164674.html