Tinh gọn tổ chức - Hướng về cơ sở - Bài 1: Rõ chủ trương - Đúng chỉ đạo
Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII đã đưa ra những quyết sách mang tính lịch sử, trong đó có chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và hơn 30 hội quần chúng được Nhà nước giao nhiệm vụ, bảo đảm bộ máy gọn nhẹ, hiệu lực - hiệu quả. Đây là một bước cải cách mang tính chiến lược, gắn với tư duy phát triển mới, đặt cơ sở làm trọng tâm, lấy người dân, hội viên làm trung tâm phục vụ.

Hội LHPN xã, phường tại Bến Tre, vẫn duy trì tốt hoạt động Hội trong bối cảnh thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và tinh gọn bộ máy
Tuyến bài "Tinh gọn tổ chức - Hướng về cơ sở" do Báo Phụ nữ Việt Nam thực hiện nhằm làm rõ hơn tinh thần chỉ đạo của Trung ương; đồng thời ghi nhận tiếng nói từ cơ sở, khẳng định vai trò của Mặt trận và các đoàn thể trong dẫn dắt phong trào, sao cho tổ chức tinh gọn hơn nhưng phong trào phải sâu hơn, thiết thực hơn, hiệu quả hơn.
Không phải sắp xếp là "thu gọn, bớt người, nhẹ việc"
Tại Hội nghị Trung ương 11, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết nghị thống nhất chủ trương sắp xếp 5 tổ chức chính trị - xã hội, 30 tổ chức hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ và các hội khác về trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận chủ trì hiệp thương, phối hợp, thống nhất hành động.
Điều quan trọng mà nghị quyết của Trung ương hướng tới không phải là "cắt giảm đầu mối cho nhẹ việc", mà là tái cấu trúc lực lượng xã hội, nhằm giảm chồng chéo, trùng lắp, tăng tính kết nối, tập trung nguồn lực và phát huy hiệu quả thực chất trong công tác vận động, tập hợp và chăm lo đoàn viên, hội viên.

Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII đã thông qua quyết sách quan trọng về sắp xếp, tinh gọn cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ
Chủ trương này là một phần trong chỉnh thể cải cách toàn diện, cùng với tổ chức lại chính quyền theo mô hình 2 cấp, tinh gọn hệ thống tư pháp, sửa đổi Hiến pháp - cho thấy đây là một cuộc cải cách tổ chức mang tính chiến lược, không đơn thuần là hành chính - kỹ thuật.
Phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 11, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: "Việc sắp xếp lại mô hình, tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ phải thực sự tinh gọn, bảo đảm không trùng lắp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; không hành chính hóa hoạt động, hướng mạnh về địa bàn dân cư, gần dân, sát dân, phục vụ Nhân dân theo tinh thần "chú trọng và thực hành dân làm gốc"; phải thực sự là "cánh tay nối dài" của Đảng đến từng hộ gia đình, từng người dân; phải chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các đoàn viên, hội viên và của Nhân dân".
Chỉ đạo của Tổng Bí thư không chỉ đưa ra định hướng lớn mà còn là lời nhắc rất cụ thể đối với quá trình triển khai tinh gọn bộ máy ở cơ sở: nếu không thoát khỏi tư duy hành chính hóa, nếu không thực sự "gần dân, sát dân" thì việc sắp xếp sẽ chỉ là hình thức.
Do đó, cần tránh hiểu sai rằng "thu gọn về Mặt trận" là gom các hội thành một "siêu tổ chức đoàn thể" theo kiểu hành chính. Theo Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 11, việc sắp xếp phải hướng về cơ sở, bám sát địa bàn, chăm lo quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân và hội viên. Mặt trận vì thế không phải là cấp trên hành chính của các hội, mà giữ vai trò hiệp thương, phối hợp, thống nhất hành động - nhằm giúp các tổ chức đoàn thể phát huy thế mạnh riêng, linh hoạt hơn, chuyên sâu hơn, đặc biệt ở cấp cơ sở - nơi nhu cầu của hội viên ngày càng thiết thực và gắn với đời sống cụ thể.

Cán bộ, hội viên phụ nữ tỉnh Tuyên Quang tiếp tế nhu yếu phẩm cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 (Yagi) tháng 9/2024 - Ảnh: PV
Tinh thần mới: Gọn tổ chức - mạnh phong trào
Với người dân, hội viên, điều họ quan tâm không phải là tổ chức hội trực thuộc cơ quan nào, có bao nhiêu tầng nấc, mà là những điều gần gũi, thiết thực. Việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức không thể thành công nếu chỉ dừng lại ở việc rút gọn đầu mối. Điều cốt lõi là làm sao để sau tinh gọn, mối quan hệ giữa hội và hội viên không còn tính hành chính mà phải gắn bó, sâu sát. Nếu sau cải cách mà hội viên thấy khó gần với tổ chức hội, không biết tìm đến ai khi cần hỗ trợ, thì việc sắp xếp, tinh gọn không đạt hiệu quả. Bởi vậy, sắp xếp tổ chức không chỉ là bài toán tổ chức lại bộ máy, mà là cơ hội để tổ chức lại phương thức hoạt động - phương thức tiếp cận nhân dân. Để mỗi tổ chức hội thực sự "đến được với dân", cần làm sâu sắc hơn ba điều cốt lõi:
Gần dân, không chỉ là gần về địa bàn, mà điều quan trọng hơn là gần trong suy nghĩ, trong ưu tiên hành động.
Hiểu dân, để biết người dân băn khoăn điều gì, cần hỗ trợ ra sao, mong đợi gì từ tổ chức mình.
Và cuối cùng, hành động vì dân - bằng những việc cụ thể, thiết thực, không hình thức, không phô trương.

Cán bộ Hội LHPN tỉnh Kon Tum nhận đỡ đầu trẻ mồ côi người Ba Na, hưởng ứng phong trào Mẹ đỡ đầu do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động - Ảnh: Phong Lan
Tinh thần mới đặt ra yêu cầu rõ ràng: tổ chức có thể gọn hơn, nhưng phong trào phải mạnh hơn. Bộ máy có thể ít đi, nhưng tâm huyết và trách nhiệm với hội viên thì phải sâu hơn, gần hơn - đó mới là tiêu chuẩn cuối cùng để đánh giá một cuộc cải cách thành công.
Chủ trương của Trung ương đã rõ, tinh thần chỉ đạo cũng rất cụ thể. Vấn đề còn lại là cách hiểu và cách làm ở mỗi địa phương, mỗi cấp tổ chức. Nếu hiểu đúng, làm đúng, sắp xếp sẽ trở thành động lực để tổ chức hội đổi mới, đến gần hơn với hội viên, bám sát hơn với thực tiễn. Nhưng nếu vận dụng máy móc, đơn giản hóa, thì không chỉ tổ chức bị rút gọn, mà phong trào cũng có nguy cơ bị "rút ruột".
Thực tiễn phong phú nên đòi hỏi sự sáng tạo. Không phải "giữ nguyên bộ máy" mới là giữ vai trò tổ chức hội mà là làm sao để sau khi tinh gọn, các tổ chức hội vẫn là cầu nối giữa Đảng với dân, phong trào vẫn chạm tới từng địa bàn, từng nhóm hội viên, đoàn viên của từng tổ chức.
Chọn cách làm nào - giữ hình thức hay đổi mới thực chất - đó không chỉ là bài toán kỹ thuật tổ chức, mà là bản lĩnh chính trị và trách nhiệm xã hội của từng cấp hội, từng cán bộ đoàn thể.
Trong bài viết tiếp theo, chúng tôi sẽ đi sâu vào những biểu hiện từng được cảnh báo: hành chính hóa, hình thức hóa, xa hội viên - để thấy rõ rằng, tinh gọn tổ chức không phải là giảm trách nhiệm, mà là cơ hội để tổ chức lại cách làm - để sâu sát hơn, vì dân hơn.
* Bài sau: Bỏ hành chính hóa để không xa hội viên