Tình hình kinh doanh của Công ty Cảng Sài Gòn ra sao trong quý II?

Trong quý II/2024, lợi nhuận gộp của Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn tăng 29,2 tỷ đồng so với năm 2023 do doanh thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ khai thác cảng tăng 75,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán chỉ tăng 46,2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.

Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn là doanh nghiệp được cổ phần hóa từ Công ty TNHH MTV Cảng Sài Gòn, do Tổng công ty Hàng hải Việt Nam nắm giữ 100% vốn điều lệ. Công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 01/10/2015. Ngày 25/04/2016, cổ phiếu SGP chính thức được giao dịch trên thị trường UPCoM.

Các cảng của Cảng Sài Gòn (mã CK: SGP) nằm ở vị trí thuận lợi, gần nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, nhiều tuyến giao thông quan trọng. Hoạt động kinh doanh chính của Công ty là cung cấp dịch vụ bốc dỡ hàng hóa tại cảng biển, kinh doanh kho bãi cảng, cho thuê cơ sở hạ tầng cảng biển... Địa bàn kinh doanh chính nằm ở khu vực TPHCM (quận 4, quận 7) và Bà Rịa-Vũng Tàu (Cái Mép-Thị Vải).

Năm 2023, SGP đạt doanh thu hơn 1 ngàn tỷ đồng, giảm 12% so với năm 2022, chủ yếu do sản lượng giảm tác động đến các dịch vụ liên quan như lưu kho bãi, buộc mở dây. Đồng thời, do thay đổi cơ cấu mặt hàng nên dù hàng container có tăng nhưng doanh thu container nội địa thấp, chưa đủ bù đắp cho doanh thu hàng sắt thép sụt giảm.

Tuy nhiên, lãi ròng SGP lại tăng 48% lên mức 296 tỷ đồng, nhờ tái cơ cấu thành công khoản vay của Công ty liên doanh SSIT, thu hồi khoản nợ về tiền đất. Tuy nhiên, so với kế hoạch, Công ty lại hụt 28%, do bị tác động chung của tình hình thị trường, kết quả kinh doanh của các công ty liên doanh, liên kết sụt giảm, tiền thu đất phải nộp tăng so với kế hoạch.

 Kết quả kinh doanh các năm trước và kế hoạch năm 2024 của SGP.

Kết quả kinh doanh các năm trước và kế hoạch năm 2024 của SGP.

Theo báo tài chính hợp nhất quý II/2024, các khoản nợ quá hạn 1 năm trở lên của SGP tăng mạnh so với hồi đầu năm. Cụ thể, các khoản quá hạn trên 3 năm không còn khả năng thu hồi là 39,6 tỷ đồng, tăng 1,6 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Đây là các khoản nợ tại Công ty TNHH VTB Nam Triệu (12 tỷ đồng); Công ty TNHH Cảng Quốc tế Cái Mép (20,7 tỷ đồng); Công ty Nhiệt Điện Duyên Hải (3 tỷ đồng); Công ty TNHH Dương Giang (gần 930 triệu đồng),…

Trong khi đó, các khoản nợ quá hạn 2 - 3 năm của SGP là 4,2 tỷ đồng, nhưng khả năng thu hồi được chỉ hơn 900 triệu đồng. Đáng chú ý là khoản nợ tại Công ty TNHH Cảng Quốc tế Cái Mép 6,6 tỷ đồng, khả năng thu hồi 2,1 tỷ đồng, ...

Tính đến ngày 30/6/2024, các khoản nợ xấu (khoản nợ quá hạn 1 - 3 năm) của SGP ở mức 64,4 tỷ đồng, tăng 10,7 tỷ đồng (tương đương tăng 20%) so với hồi đầu năm. Tuy nhiên, khả năng thu hồi các khoản nợ này chỉ là 8,5 tỷ đồng, do đó doanh nghiệp phải trích lập gần 51 tỷ đồng. Đáng chú ý, Công ty TNHH Cảng Quốc tế Cái Mép đang có khoản nợ quá hạn tại SGP lên tới 33,5 tỷ đồng, chiếm 52%. Theo thuyết minh báo cáo tài chính, SGP đang có 157,5 tỷ đồng phải thu dài hạn tại Công ty TNHH Cảng Quốc tế Cái Mép.

Về tình hình kinh doanh, trong quý II/2024, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp tăng 29,2 tỷ đồng so với năm 2023 do doanh thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ khai thác cảng tăng 75,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán chỉ tăng 46,2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.

Đồng thời, doanh thu tài chính hợp nhất giảm 1,6 tỷ đồng do giảm lãi tiền gửi ngân hàng, tiền cho vay (3,4 tỷ đồng), tăng lãi chênh lệch tỷ giá (1,3 tỷ đồng) và chi phí tài chính giảm 4,5 tỷ đồng do giảm chi phí lãi vay (4,5 tỷ đồng), giảm lỗ chênh lệch tỷ giá (149 triệu đồng) so với cùng kỳ năm 2023.

Lãi trong công ty liên doanh liên kết giảm 11 tỷ đồng so với cùng kỳ, do trong quý II/2024 lợi nhuận sau thuế của Công ty LD Dịch vụ Container Quốc Công ty tế Cảng Sài Gòn – SSA (SSIT) giảm gần 19 tỷ đồng, Công ty CP Cảng Tổng hợp Thị Vải tăng 2,9 tỷ đồng, Công ty TNHH Cảng Quốc tế SP – PSA tăng 4,6 tỷ đồng so với cùng kỳ 2023.

Chi phí quản lý doanh nghiệp quý II/2024 tăng 58 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023 do chi phí dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi tăng 51,5 tỷ đồng và các khoản chi phí quản lý khác tăng 8,1 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có khoản lãi lợi nhuận khác giảm 7,5 tỷ đồng do tăng phát sinh tiền chậm nộp và phạt thuế (7,4 tỷ đồng).

Do đó, SGP báo lãi sau thuế 71,4 tỷ đồng trong quý II/2024, giảm 34,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của SGP đạt mức 5.489,2 tỷ đồng, tăng 2,7% so với hồi đầu năm. Trong đó, 23% là tài sản ngắn hạn (1.265,6 tỷ đồng) và 77% là tài sản dài hạn (4.223,6 tỷ đồng). Còn ở bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của SGP tăng 7% lên mức 2.700,5 tỷ đồng, chủ yếu là nợ dài hạn 2.086,5 tỷ đồng (chiếm 77,2%), còn lại là nợ ngắn hạn 614 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu ở mức 2.788,8 tỷ đồng, giảm gần 2% so với số đầu năm.

Minh Anh

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/tinh-hinh-kinh-doanh-cua-cong-ty-cang-sai-gon-ra-sao-trong-quy-ii-92380.html