Tình hình nữ sinh Bắc Giang mắc bệnh bạch hầu
Cô gái ở Bắc Giang mắc bệnh bạch hầu đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, Hà Nội.
Chiều 9/7, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Hà Nội, cho biết nữ bệnh nhân B. (18 tuổi, trú Hiệp Hòa, Bắc Giang) dương tính với bệnh bạch hầu nhưng triệu chứng lâm sàng hầu như không có.
Sau khi tiếp nhận, bệnh nhân B. được sử dụng kháng sinh để diệt vi khuẩn bạch hầu, ngăn ngừa chúng phát triển tăng nặng.
"Do chưa có tình trạng biến chứng, bệnh nhân nhanh chóng được điều trị ổn định. Bệnh nhân này sẽ được chuyển về địa phương tiếp tục cách ly, theo dõi sau khi dùng đủ liều kháng sinh", bác sĩ Cấp thông tin.
Theo bác sĩ Cấp, những năm gần đây, bệnh viện vẫn tiếp nhận ca mắc bệnh bạch hầu từ tuyến dưới. Năm 2023, đơn vị này cũng tiếp nhận một số bệnh nhân tại tỉnh Hà Giang, Điện Biên. Khi Chương trình Tiêm chủng mở rộng chưa được bao phủ đầy đủ, hàng năm, bệnh viện vẫn tiếp nhận khá nhiều ca mắc bạch hầu.
Vì vậy, chuyên gia cho hay tất cả người chưa tiêm chủng hoặc chưa đầy đủ, vaccine không còn hiệu lực bảo vệ.... đều có thể mắc căn bệnh này.
"Tỷ lệ không qua khỏi của bệnh bạch hầu cao hơn nhiều so với Covid-19, tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm thấp hơn rất nhiều. Bệnh có thể xuất hiện ở rải rác các vùng, nhưng không thể gây ra một đại dịch như Covid-19. Vì vậy, người dân cũng không nên quá lo lắng", bác sĩ Cấp nói.
Bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, có tính chất gây dịch, chủ yếu lây truyền theo đường hô hấp, do trực khuẩn bạch hầu (Corynebacterium diphtheriae) gây nên.
Bệnh bạch hầu có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, gọi là bạch hầu ác tính. Các biến chứng thường gặp nhất là biến chứng tim (thường là viêm cơ tim và rối loạn dẫn truyền trong tim) và thần kinh (gây liệt). Ngoài ra có thể gặp biến chứng trên thận, gan, tuyến thượng thận…
Do đó, người dân cần tiêm chủng vaccine đầy đủ, đến bệnh viện điều trị ngay khi có những triệu chứng bệnh, để tránh những hệ lụy đáng tiếc về sau.