Tình hình sản xuất, xuất khẩu đầu năm khả quan
Bước sang năm 2025, hoạt động xuất khẩu được đánh giá tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng của Việt Nam. Trong những tuần đầu năm mới, tình hình đơn hàng và sản xuất hàng xuất khẩu đang cho thấy có nhiều thuận lợi, khối lượng sản xuất quý I/2025 so với quý IV/2024 dự báo tích cực hơn.
Đơn hàng mới tăng khả quan hơn
Theo kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Tổng cục Thống kê, dự báo số lượng đơn đặt hàng mới quý I/2025 so với quý IV/2024 tăng với 79,8% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên (32,6% tăng, 47,2% giữ nguyên), 20,2% doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng mới giảm.
Về đơn đặt hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý I/2025 khả quan hơn với 80,0% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên so với quý IV/2024 (29,0% tăng, 51,0% giữ nguyên); 20,0% doanh nghiệp dự báo giảm.
Khối lượng sản xuất quý I/2025 so với quý IV/2024 cũng khả quan hơn với 79,7% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên (33,7% tăng, 46,0% giữ nguyên), 20,3% doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất giảm.
Theo thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hiện nay nhiều doanh nghiệp trong ngành đã có đơn hàng đến hết quý II năm nay. Nhằm kịp tiến độ giao hàng và đảm bảo thời gian nghỉ tết Nguyên Đán, các doanh nghiệp phải sắp xếp công nhân tăng gia sản xuất. Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, nhiều đơn vị hiện đã có đơn hàng hết quý II, thậm chí đến quý III của năm và tiếp tục đàm phán đơn hàng cho cả năm.
Tổng cục Thống kê dự báo, quý I/2025 so với quý IV/2024 có chỉ số cân bằng đơn đặt hàng mới (số phần trăm doanh nghiệp nhận định tăng trừ đi số phần trăm doanh nghiệp nhận định giảm) là 12,4%. Cụ thể có 32,6% doanh nghiệp dự báo tăng và 20,2% doanh nghiệp dự báo giảm. Trong đó, khu vực doanh nghiệp FDI có chỉ số cân bằng đạt cao nhất với 14,6%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước 11,5% và khu vực doanh nghiệp nhà nước 11,0%. Các con số này cho thấy các đơn hàng mới ở khu vực doanh nghiệp FDI khả quan hơn.
Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn còn đối mặt không ít khó khăn. Theo khảo sát của cơ quan thống kê, trong quý IV/2024, ba khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là việc tìm kiếm và mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm. Cụ thể: có 53,0% doanh nghiệp gặp khó khăn do nhu cầu thị trường trong nước vẫn ở mức thấp; 51,2% doanh nghiệp gặp khó khăn do sự cạnh tranh của các hàng hóa trong nước ngày càng cao và 30,3% doanh nghiệp gặp khó khăn do nhu cầu hàng hóa tại các thị trường quốc tế vẫn chưa hoàn toàn phục hồi trở lại.
Vốn vẫn là điểm nghẽn lớn nhất của doanh nghiệp
Đánh giá về năng lực nội tại của doanh nghiệp, có 15,8% doanh nghiệp gặp khó khăn do thiết bị, công nghệ sản xuất của doanh nghiệp đã lạc hậu nhưng chưa có vốn để đầu tư dây chuyền sản xuất tiên tiến hơn; 22,2% doanh nghiệp gặp khó khăn do sản phẩm doanh nghiệp sản xuất phải cạnh tranh với các hàng hóa nhập khẩu cùng loại.
Về các yếu tố đầu vào cho sản xuất kinh doanh, vốn vẫn là điểm nghẽn lớn nhất của doanh nghiệp với 25,8% doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính; 20,5% doanh nghiệp gặp khó khăn do lãi suất vay vốn cao và vẫn còn 3,0% doanh nghiệp gặp khó khăn do không có khả năng tiếp cận được các nguồn vốn vay.
Về lao động, có 20,8% doanh nghiệp gặp khó khăn do không tuyển dụng được lao động đáp ứng các yêu cầu về đơn hàng sản xuất của doanh nghiệp. Về nguyên, nhiên, vật liệu, vẫn còn 17,7% doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào.
Để hỗ trợ tốt hơn nữa cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I/2025 và các quý tiếp theo, một số doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất cho vay để giảm áp lực chi phí đầu vào của doanh nghiệp và tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nguồn vốn sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp kiến nghị, Nhà nước cần có các biện pháp nhằm bình ổn giá nguyên vật liệu và năng lượng để doanh nghiệp yên tâm sản xuất. Đồng thời, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính bao gồm việc rút ngắn thời gian và cắt giảm quy trình xử lý thủ tục hành chính cũng như có chính sách cụ thể đối với việc thuê đất dùng cho sản xuất của doanh nghiệp, hạn chế việc gia tăng gánh nặng cho doanh nghiệp do giá thuê đất trong năm 2024 tăng cao.
Theo bà Phí Hương Nga - Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê), năm 2025 với kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, thu hút FDI liên tục gia tăng gia tăng, đầu tư công tiếp tục được chú trọng, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia, có tác động lan tỏa tới nền kinh tế, sẽ là những yếu tố thuận lợi cho kinh tế trong nước cũng như sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển.
Bên cạnh đó, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng của quốc tế trong thời gian gần đây tạo cơ hội rất lớn cho Việt Nam. Nếu Việt Nam tận dụng tốt lợi thế này, đồng thời có sự chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhanh hơn nữa đáp ứng sự dịch chuyển chuỗi cung ứng cũng như đảm bảo các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế thì có thể sẽ tạo đột phá trong tăng trưởng công nghiệp năm 2025 và các năm tiếp theo./.
Dự báo về tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2025, có 34,4% doanh nghiệp đánh giá tốt hơn, 44,4% doanh nghiệp đánh giá giữ ổn định và 21,2% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn.