Tình hình Syria: Pháp có động thái lớn ở Damascus, các nước châu Âu thi nhau tỏ 'lòng thành', EU bật mí một lý do
Các nước châu Âu như Italy, Đức, Pháp và Anh đều đã có những động thái thể hiện thiện chí với chính quyền mới của phe đối lập ở Syria, 10 ngày sau khi Tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ và tị nạn ở Nga.
* Hãng thông tấn AFP dẫn một nguồn tin cho hay, ngày 17/12, một phái đoàn ngoại giao và an ninh Pháp đã tới thủ đô Damascus của Syria, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc cải thiện quan hệ song phương.
Theo nguồn tin, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2012, quốc kỳ Pháp được kéo lên tại Đại sứ quán nước này ở vùng Muhajirin của Damascus. Phái đoàn Pháp đã gặp các quan chức của chính phủ chuyển tiếp ở Syria.
Về phần mình, phát biểu với báo giới, Đặc phái viên của Pháp về Syria Jean-Francois Guillaume tuyên bố, Paris sẵn sàng và đang chuẩn bị để đồng hành lâu dài với quốc gia Trung Đông này, bao gồm cả giai đoạn chuyển tiếp hiện nay, "mà chúng tôi hy vọng sẽ diễn ra trong hòa bình".
Đặc phái viên cho biết, chuyến thăm Syria của ông, với tư cách là Trưởng phái đoàn ngoại giao Pháp, cũng nhằm "thiết lập liên lạc với chính quyền trên thực tế tại Damascus".
Chuyến thăm diễn ra ngay sau khi phái đoàn Anh tới thủ đô của Syria đêm hôm trước. Theo lời Ngoại trưởng Anh David Lammy, London đã thiết lập kênh tiếp xúc ngoại giao với nhóm đối lập Hayat Tahrir al-Sham (HTS), lực lượng dẫn đầu cuộc tấn công vào Damascus và lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad.
* Tương tự, một phái đoàn đại diện chính phủ Đức đã tới thủ đô Damascus để thảo luận với lực lượng HTS đang nắm quyền tại Syria về quá trình chuyển tiếp toàn diện ở quốc gia Trung Đông và việc bảo vệ các nhóm thiểu số.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức cũng cho biết, chính phủ nước này đang xem xét khả năng hiện diện ngoại giao ở Damascus và hiện "đang theo dõi chặt chẽ hoạt động của HTS cùng chính phủ lâm thời".
* Cùng ngày 17/12, tại Quốc hội, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni tuyên bố, nước này sẵn sàng hợp tác với ban lãnh đạo mới của Syria cùng với sự phối hợp của các đồng minh châu Âu và quốc tế khác.
Ông lưu ý, dù "những dấu hiệu đầu tiên có vẻ đáng khích lệ, nhưng cần phải thận trọng tối đa".
* Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh Kaja Kallas cũng cho biết, liên minh sẽ mở lại phái đoàn của mình tại Syria và sớm chính thức đi vào hoạt động.
Bà Kallas đã yêu cầu người đứng đầu phái đoàn EU đến Damascus để thiết lập liên lạc với nhóm HTS, ban lãnh đạo mới ở Syria và nhiều nhóm khác.
Lý giải cho việc châu Âu thúc đẩy tiếp xúc ngoại giao với Syria, cùng ngày 17/12, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula Von der Leyen cho rằng, nguy cơ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trỗi dậy tại Syria là có thực và cộng đồng quốc tế không thể để điều này xảy ra.
Theo bà, EU sẽ tăng cường "đối thoại trực tiếp" với chính quyền mới, lực lượng HTS và các phe phái khác tại Syria.