Tình hình tiêm vaccine COVID-19 tại Malaysia, Hong Kong, Anh, Nga
Trong tình hình dịch COVID-19 vẫn đang bùng phát, đặc biệt ở châu Á, các quốc gia đã triển khai nhiều hình thức khác nhau để tăng số lượng người được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.
Trong tình hình dịch COVID-19 vẫn đang bùng phát, đặc biệt ở châu Á, các quốc gia đã triển khai nhiều hình thức khác nhau để tăng số lượng người được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.
Malaysia tiếp tục tăng mục tiêu tiêm phòng
Chính phủ Malaysia đặt mục tiêu tăng số lượng người tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 mỗi ngày lên 400.000 người vào tháng 8 để có thể đạt 80% mục tiêu tạo miễn dịch cộng đồng vào tháng 9 tới.
Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, hai tuần sau khi đặt mục tiêu tiêm phòng COVID-19 cho 300.000 người/ngày vào tháng 8/2021, Bộ trưởng Khoa học, công nghệ và sáng tạo Malaysia kiêm Bộ trưởng Điều phối Chương trình tiêm chủng quốc gia phòng COVID-19 Khairy Jamaluddin đã nâng mục tiêu này lên mức 400.000 người/ngày.
Theo ông Khairy, ban đầu Malaysia đặt mục tiêu tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 cho 200.000 người/ngày vào tháng 7, nhưng đến ngày 15/6 đã đạt chỉ tiêu và tiêm thành công cho hơn 200.000 người/ngày trong 3 ngày liên tục.
Do đó, Malaysia quyết định nâng mục tiêu tiêm phòng COVID-19 cho tháng 7 lên 300.000 người/ngày và tháng 8 là 400.000 người/ngày.
Bộ trưởng Khairy cho biết hiện cứ 100 người tiêm vaccine phòng COVID-19 thì có 30 người đã tiêm mũi thứ 2. Dự kiến vào trung tuần tháng 7 tới, số người hoàn thành cả 2 mũi tiêm sẽ chiếm khoảng 10% dân số. Để đạt mục tiêu này, cần phải có 3,2 triệu người hoàn thành tiêm 2 mũi.
Theo Bộ Y tế Malaysia, tính đến hết ngày 20/6, Malaysia có 5.815.575 người tiêm phòng COVID-19, trong đó có 4.202.601 người tiêm một mũi, chiếm 12,9% dân số, và có 1.612.974 người đã hoàn thành tiêm 2 mũi. Ngày 17/6 vừa qua, Malaysia ghi nhận kỷ lục về số người tiêm vaccine phòng COVID-19 với 221.706 người được tiêm, trong đó có 43.830 người tiêm mũi 2.
Kuala Lumpur là địa phương thứ hai tại Malaysia, sau Putrajaya, đạt tỷ lệ 100% dân số đăng ký tiêm vaccine ngừa COVID-19. Hai thành phố này dự kiến đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng trước tháng 8/2021.
Trong thông báo trên trang web chính thức ngày 21/6, Ủy ban Đặc biệt đảm bảo tiếp cận nguồn cung vaccine ngừa COVID-19 (JKJAV) cho biết, tính đến tối 20/6, đã có tổng cộng 1.385.741 người dân ở Kuala Lumpur đăng ký tiêm vaccine ngừa COVID-19 và ở Putrajaya là 76.536 người.
Ngoài ra, Kuala Lumpur và Putrajaya cũng là các địa phương đứng đầu cả nước về số lượng người được tiêm chủng.
Tính đến tối 20/6, Kuala Lumpur có 724.684 người (53,74% dân số) trên 18 tuổi đã tiêm 1 liều và 141.094 người hoàn thành tiêm 2 liều vaccine ngừa COVID-19; Putrajaya có 33.272 người (49,15% dân số) tiêm 1 liều và 20.073 người hoàn thành tiêm 2 liều vaccine ngừa COVID-19.
Ngày 21/6, Bộ trưởng Y tế Malaysia Adham Baba cho biết vaccine mRNA ngừa COVID-19 do Viện Nghiên cứu y dược (IMR) của nước này nghiên cứu phát triển đã bước vào giai đoạn thử nghiệm trên động vật.
Nếu hoàn thành thử nghiệm trên động vật và thử nghiệm lâm sàng trên người, Bộ Y tế mới đánh giá và sau đó cho phép đăng ký vaccine này.
Ngày 13/6 vừa qua, Bộ trưởng Baba cho biết IMR là đơn vị thuộc Bộ Y tế Malaysia, đang nghiên cứu hailoại vaccine ngừa COVID-19, gồm vaccine mNRA và vaccine bất hoạt.
Dự án nghiên cứu của IMR sẽ giúp nâng cao năng lực nghiên cứu phát triển vaccine của Malaysia, đồng thời nhằm chuẩn bị cho việc ứng phó với dịch bệnh trong tương lai.
Hong Kong (Trung Quốc) giảm thời gian cách ly đối với đối với người đã tiêm phòng
Trong bối cảnh dịch COVID-19 tại Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) có xu hướng cải thiện, liên tiếp 15 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, chiều 21/6, chính quyền Hong Kong đã có cuộc họp báo thông báo các biện pháp giãn cách xã hội mới sau khi quy định phòng chống dịch cũ sẽ hết hiệu lực vào ngày 23/6 tới.
Theo phóng viên TTXVN tại Hong Kong, đối với người dân đã tiêm 2 đủ mũi vaccine sau 14 ngày, có giấy xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trở về Hong Kong từ những nước và khu vực có rủi ro thấp, thời gian cách ly bắt buộc sẽ giảm xuống còn 7 ngày.
Các nước và khu vực có rủi ro thấp bao gồm Canada, Nhật Bản, Vương quốc Anh, Singapore và Mỹ.
Trong khi đó, Cục trưởng Y tế và thực phẩm Trần Triệu Thủy (Sofia Chan) cho biết các nhà hàng vẫn duy trì hoạt động theo mô hình loại A, B, C và D, và các biện pháp phòng chống dịch A và B (nhà hàng được phép phục vụ 4 khách mỗi bàn đến 22h) sẽ không thay đổi. Đối với các nhà hàng loại C, giới hạn số lượng khách đã được nâng từ 50% lên 75%.
Nếu tất cả nhân viên của nhà hàng loại D đã hoàn thành hai liều vaccine đủ 14 ngày, thì số lượng nhân viên tối đa sẽ được tăng từ 75% hiện tại lên 100%, số người tối đa mỗi bàn sẽ được nới lỏng lên 12 người, số người dự đám cưới được tối đa là 180 người nhưng ít nhất 2/3 số khách dự tiệc đã tiêm vaccine phòng COVID-19.
Các quán bar và câu lạc bộ đêm được nới lỏng 4 người một bàn, các phòng tiệc và quán karaoke được nới lỏng lên 8 người, số lượng người ở các quán mạt chược và những cơ sở giải trí khác khác cũng được tăng lên.
Tại các trung tâm tập luyện thể dục thể thao, nếu tất cả những người ở đó đã được tiêm chủng và duy trì đủ khoảng cách quy định, có thể tập thể dục mà không cần đeo khẩu trang. Tuy nhiên, lệnh hạn chế tụ tập vẫn duy trì quy định 4 người.
Hiện 3,22 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 đã được tiêm tại Hong Kong, trong đó 28,5% trên tổng số 7,5 triệu dân của đặc khu đã tiêm mũi đầu vaccine ngừa COVID-19. Người dân Hong Kong trên 12 tuổi đều có thể tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Anh thử nghiệm dỡ bỏ tự cách ly cho những người tiêm đủ vaccine
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancok cho biết nước này đang thử nghiệm kế hoạch dỡ bỏ quy định tự cách ly cho những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 nếu họ có tiếp xúc với những người mắc bệnh.
Phát biểu với Đài BBC News, Bộ trưởng Hancock nêu rõ: "Chúng tôi đang thử nghiệm phương pháp là nếu bạn đã tiêm 2 mũi vaccine, thay vì tự cách ly sau khi tiếp xúc với người mắc bệnh, thì bạn sẽ tiến hành xét nghiệm".
Theo ông, nếu kế hoạch thử nghiệm này "có vấn đề" thì Anh sẽ không áp dụng phương pháp này.
Nga chuẩn bị nghiên cứu vaccine dành cho thanh thiếu niên
Trong khi đó, tại Nga, Phó Thị trưởng Moskva Anastasia Rakova thông báo Trung tâm Gamaleya sẽ bắt đầu nghiên cứu vaccine Sputnik V dành cho thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi, bắt đầu từ tháng 7 năm nay.
Theo bà Anastasia Rakova, thử nghiệm này sẽ tiến hành theo 3 giai đoạn, tại hai bệnh viện nhi hàng đầu và các bệnh xá nhi khoa ở Moskva. Tổng cộng có 350 người tham gia vào quá trình nghiên cứu, trong đó giai đoạn 1 và 2 là 100 người và giai đoạn 3 là 250 người.
Các thanh thiếu niên sẽ được tiêm vaccine Sputnik V, loại được sử dụng cho người trên 18 tuổi nhưng với liều lượng thấp hơn
Nghiên cứu sẽ kéo dài trong vòng một năm, các thanh thiếu niên sẽ được các bác sỹ trong bệnh viện theo dõi, giám sát liên tục trong thời gian thử nghiệm.
Theo bà Rakova, những thanh thiếu niên trước đây chưa nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, không được chẩn đoán chống chỉ định với thuốc hoặc chống chỉ định y tế khác có thể tham gia nghiên cứu./.