Tinh hoa làng khảm trai Chuôn Ngọ

Làng Chuôn Ngọ (Huyện Chương Mỹ, Hà Nội) nổi tiếng với nghệ thuật khảm trai được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Một người thợ cưa mảnh vỏ trai theo chi tiết đã vẽ. Ảnh Kiều Trinh/TTXVN

Một người thợ cưa mảnh vỏ trai theo chi tiết đã vẽ. Ảnh Kiều Trinh/TTXVN

Qua hàng nghìn năm lịch sử, dưới bàn tay tài năng của người dân làng Chuôi Ngọ, những mảnh vỏ trai và ốc tưởng như vô dụng, đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật tinh tế, đậm tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt.

Mặc dù có những thăng trầm trong lịch sử và ít tư liệu ghi chép về sự hình thành và phát triển của làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ, nhưng qua từng thế hệ, những kỹ thuật, bí quyết của nghề vẫn được truyền từ đời này qua đời khác.

Từ những mảnh vỏ trai và ốc, qua quá trình chế tác tinh tế và khéo léo, nghệ nhân làng Chuôn Ngọ đã tạo ra những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo, độc đáo, có thần thái và chiều sâu khác hẳn các sản phẩm ở nơi khác.

Là người con đất Chuôn Ngọ, Nghệ nhân Nguyễn Văn Lăng luôn tự hào về nghề truyền thống mà cha ông đã để lại: “Tôi sinh ra trên mảnh đất có nghề truyền thống lâu đời, đã lên tới nghìn năm tuổi. Tôi được thừa hưởng nghề từ cha ông, tới tôi là đời thứ tư làm nghề. Tính đến nay tôi cũng làm nghề được 30 năm rồi. Làm cái nghề này, để đạt trình độ cao thì phải học từ lúc còn nhỏ.”

Để tạo ra một sản phẩm khảm trai, nghệ nhân phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ và tinh tế. Từ ý tưởng ban đầu, họ vẽ trực tiếp lên những mảnh vỏ trai. Những mảnh trai sau đó được bàn tay của người thợ khéo léo mài, cưa, đục theo các chi tiết đã được vẽ lên. Sự tinh tế trong việc chọn màu mảnh trai và ốc mang lại vẻ đẹp cho sản phẩm.

Những sắc trai óng ánh bảy sắc cầu vồng thay đổi uyển chuyển theo góc nhìn và ánh sáng, khiến những bức chạm trở nên sống động và rực rỡ. Anh Lăng cho biết: “Chất liệu vỏ trai, ốc chúng tôi sử dụng hoàn toàn tự nhiên, không pha tạp, không nhuộm màu. Sắc màu của vỏ trai ốc xanh đỏ tím vàng đều đủ cả. Nghệ nhân cần có con mắt nghệ thuật để lựa chọn màu sắc tinh tế, đưa vào bức tranh tạo nên sự hài hòa độc đáo.”

Sau khi có các mảnh chi tiết bằng vỏ trai, nghệ nhân gắn tạm thời chúng như tranh hoàn chỉnh trên gỗ. Tiếp theo, họ sử dụng bút chì để vẽ đường viền cho từng chi tiết, sau đó nhấc các chi tiết vỏ trai ra để khắc gỗ theo các chi tiết đã vẽ. Các chi tiết vỏ trai sau đó lại được gắn vào phần gỗ đã khắc lõm xuống, sau đó bức khảm trai được hoàn thiện sản phẩm với công đoạn mài mặt khảm và đánh bóng.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Lăng và các tác phẩm khảm trai của mình Ảnh: Khánh An/TTXVN

Nghệ nhân Nguyễn Văn Lăng và các tác phẩm khảm trai của mình Ảnh: Khánh An/TTXVN

Chủ đề trong các tác phẩm khảm trai trước đây thường lấy cảm hứng từ tích cổ hoặc theo các mẫu ước lệ như tùng, trúc, cúc, mai hay ngư, tiều, canh, độc. Ngày nay, đề tài được mở rộng với các danh lam thắng cảnh của đất nước, như chùa Một Cột, Khuê Văn Các, Văn Miếu, cũng như chân dung của các lãnh tụ.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Lăng nổi tiếng với những bức chân dung sống động. Nghệ nhân được nhiều cơ quan chính phủ đặt làm tranh khảm để làm quà tặng cho các phái đoàn đến tham quan Việt Nam. Anh cho biết, các tác phẩm thể hiện chân dung người là khó nhất, vì phải thể hiện được cái thần thái của từng cá nhân, đòi hỏi nghệ nhân phải có bàn tay và đôi mắt cực kỳ tinh tế.

Sản phẩm khảm trai của làng Chuôn Ngọ rất tinh xảo, cao cấp nên cũng khá “kén khách”. Anh Lăng cho biết: “Sản phẩm của tôi rất là kén khách và không dễ để đến tay người tiêu dùng. Do làm hoàn toàn thủ công nên chúng tôi cũng không có nhiều để xuất khẩu. Không làm bằng máy móc thì cũng không thể sản xuất lớn, làm thương mại được”.

Đến nay, làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ vẫn duy trì hoạt động tốt và ngày được biết đến nhiều hơn, đặc biệt là nhờ sự giao lưu tại các sự kiện, hội chợ do Thành phố Hà Nội và các tỉnh tổ chức.

Khách tham quan “Lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống huyện Phú Xuyên lần thứ IV - 2023” hay “Không gian sáng tạo làng nghề Hà Nội” tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, quận Ba Đình (Hà Nội) do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội tổ chức đều ấn tượng trước gian hàng của làng Chuông, đặc biệt là các tác phẩm chân dung do nghệ nhân Nguyễn Văn Lăng thể hiện.

Việc giữ nghề, truyền nghề để người làng không chỉ phát triển kinh tế mà còn bồi đắp, phát huy những giá trị văn hóa đặc trưng của làng nghề truyền thống luôn là nỗi niềm đau đáu của các nghệ nhân làng nghề khảm trai. Tuy nhiên, để đạt đến tay nghề bậc thầy, đòi hỏi năng lực đặc biệt và cả một quá trình phấn đấu.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Lăng tâm sự: “Bản thân các bước trong nghề thì ai cũng biết rồi, nhưng để làm được thì trước tiên cần phải yêu nghề, học hỏi, cần thời gian, năm tháng, cần có hoạch định, tâm huyết thì mới ra được sản phẩm tốt. Bản thân tôi cũng rất muốn truyền nghề lại nhưng thế hệ trẻ hiện giờ hiện chưa có đủ sự cần cù để theo nghề. Tôi thấy điều này thật là đáng tiếc.”

BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tinh-hoa-lang-kham-trai-chuon-ngo/319220.html