Tinh hoa từ đôi bàn tay
Chuyện xưa kể lại, nghề dệt ở Yên Hoa có từ lâu lắm rồi, không ai còn nhớ nữa. Tương truyền, có một bà tiên trên trời hạ giới, thấy người dân ở đây hiền lành nhưng đói rách, bà rủ lòng thương, dạy cho vùng đất Yên Hoa cũng như cả vùng Na Hang nghề trồng bông dệt vải.
Người Tày ở Yên Hoa có truyền thống chuẩn bị chăn gối thổ cẩm cho con gái đi lấy chồng làm của hồi môn, vừa để khoe với bên nhà chồng sự khéo léo, đảm đang của cô dâu. Mỗi cô dâu khi về nhà chồng thường được chuẩn bị ít nhất chục bộ chăn, màn do tự tay mình dệt. Tất cả chăn, màn, gối đệm do cô dâu tự dệt được bày ở gian giữa nhà trước bàn thờ tổ tiên nhà chồng như một cách để người cao tuổi đánh giá mức độ khéo léo và tính kiên trì, nhẫn nại của cô dâu.
Bà Hà Thị Hiền, thôn Bản Thác theo nghề dệt từ khi còn nhỏ. Bà Hiền cho biết, con gái Tày ở Na Hang được mẹ truyền dạy cho nghề dệt vải từ năm 13, 14 tuổi. Mỗi cô dâu khi về nhà chồng thường được chuẩn bị ít nhất chục bộ chăn, màn do tự tay mình dệt để thể hiện sự khéo léo của cô dâu và cũng là cách báo hiếu với cha mẹ, anh chị bên nhà chồng. Người ta có thể nhìn từ những chiếc khung cửi là có thể thấy được sự hay lam hay làm của người phụ nữ rồi. Vì vậy, ngay từ khi còn nhỏ, những cô gái Tày đã được các bà, các mẹ truyền dạy các công đoạn của trồng bông, dệt vải. Tấm thổ cẩm xấu hay đẹp phụ thuộc vào sự sáng tạo của mỗi người. Nhìn hoa văn là biết sự tinh tế của người con gái, biết tâm tư tình cảm của người dệt vải.
Nghề trồng bông, dệt vải đã nằm trong tâm thức của mỗi con người. Ban ngày, chị em bận rộn lao động bên ruộng, nương, đêm đến lại miệt mài bên khung cửi. Từ quần áo, chăn gối, đệm, túi xách và các vật dụng cá nhân đều do chị em tự thêu dệt. Chị Hà Thị Lợi năm nay gần 50 tuổi ở thôn Bản Va trầm ngâm bên khung cửi, nhớ lại thời “vàng son” của nghề dệt. Chị kể, ngày đấy con gái mới lớn trong, làng ngoài thi đua chuyện chăn nuôi, trồng cấy, còn thi đua nhau dệt vải, xem ai dệt nhanh hơn, khéo hơn, pha màu sợi bắt mắt hơn... Cũng chỉ tranh thủ dệt buổi trưa hoặc buổi tối thôi nên cả tháng mới xong một tấm chăn, nhà nào cũng lách cách tiếng khung cửi. Ngày nay, nghề trồng bông, kéo sợi không còn nhiều, sợi bông được thay thế bằng sợi công nghiệp vì dễ dệt hơn, giá không cao, không tốn nhiều thời gian, công đoạn, người phụ nữ đỡ vất vả hơn. Trước đây, sợi màu được tạo ra từ các cây vỏ cứng nhưng hiện nay một phần được thay thế bằng thuốc nhuộm công nghiệp hoặc sợi len màu bán sẵn ngoài thị trường.
Theo thống kê của UBND xã Yên Hoa, hiện nay trên địa bàn xã còn 10 hộ gia đình còn giữ nghề dệt truyền thống. Chị Dương Thị Chương, thôn Bản Cuôn tâm sự, nhà chỉ có mình chị là con gái nên chuyện thêu thùa, dệt vải được mẹ rèn kỹ lắm. Khi về nhà chồng thì nghề dệt đã không còn ở thời kỳ “hoàng kim” nhưng tiếc nghề, tiếc cả sự tỉ mẩn, chị Chương vẫn tranh thủ thời gian rảnh rỗi ngồi bên khung cửi. May sao, với người Tày ở Yên Hoa, truyền thống chuẩn bị chăn cho con gái về nhà chồng vẫn được lưu giữ qua thời gian, nên nghề dệt không phụ chị. Chị Chương chia sẻ, chỉ làm tranh thủ nên mỗi tháng chị dệt được 1 mặt chăn bán cho những gia đình có nhu cầu, mỗi mặt chăn tùy theo họa tiết, hoa văn có giá từ 2-4 triệu đồng. Tuy nhiên, điều khiến những người yêu nghề như chị Chương trăn trở là gần như nguyên liệu để dệt nên sản phẩm giờ thay thế bằng sợi hoặc len mua từ chợ huyện. Bởi lẽ, những cánh đồng trồng bông ở Yên Hoa giờ đã gần như vắng bóng. Sợi mua từ chợ về dệt rất khó bắt màu nhuộm, rất khác sợi se từ bông do gia đình tự trồng trước đây.
Đồng chí Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Yên Hoa cho biết, nghề dệt thổ cẩm ở địa phương mang giá trị văn hóa của dân tộc Tày. UBND xã đã có kế hoạch bảo tồn, phát huy nghề truyền thống dệt vải, tạo ra những sản phẩm độc đáo của địa phương phục vụ phát triển du lịch. Tuy nhiên, để bảo tồn, phát huy giá trị nghề dệt vải rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, huyện hỗ trợ, giúp đỡ xã xây dựng cánh đồng bông, bao tiêu sản phẩm cho bà con.