Tinh hoa văn hóa các dân tộc

(Báo Quảng Ngãi)- Người dân Quảng Ngãi và các tỉnh, thành phố mãn nhãn khi xem các tiết mục tái hiện những lễ hội đặc sắc của các dân tộc ở khắp các vùng miền tại Hội thi Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc, do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức từ ngày 1 - 4/8. Hội thi thể hiện bức tranh đa sắc màu của văn hóa các dân tộc, đây là tài sản quý, và điều quan trọng hơn cả là khơi dậy tình yêu, niềm đam mê và trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong cuộc sống đương đại.

Tại Hội thi Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc, nhiều nghệ nhân dù đã lớn tuổi nhưng bằng tài năng và tâm huyết với văn hóa dân tộc đã phô diễn những gì tinh túy nhất của các nghi lễ truyền thống được xếp hạng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Người xem bị cuốn hút, ấn tượng trước tài nghệ diễn xuất của Nghệ nhân nhân dân Phạm Thị Tắng cùng các nghệ nhân của đoàn Thanh Hóa khi tái hiện Lễ hội Pôồn Pôông (Lễ hội chơi hoa) của dân tộc Mường. Mặc dù đã 80 tuổi nhưng bà Tắng vẫn rất nhanh nhẹn trong từng điệu múa và lời ca ngọt ngào. Với sự đóng góp đặc biệt của bà Tắng, trích đoạn Lễ hội Pôồn Pôông đã được trao huy chương vàng tại hội thi.

Nghệ nhân nhân dân Phạm Thị Tắng và đoàn Thanh Hóa biểu diễn tái hiện Lễ hội Pôồn Pôông của dân tộc Mường.

Nghệ nhân nhân dân Phạm Thị Tắng và đoàn Thanh Hóa biểu diễn tái hiện Lễ hội Pôồn Pôông của dân tộc Mường.

Nhiều năm qua, bà Tắng đã dành thời gian, tâm huyết để bảo tồn và phát huy Lễ hội Pôồn Pôông. Đây là lễ hội đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bà Tắng nhớ đầy đủ, chi tiết của loại hình nghệ thuật Pôồn Pôông với 48 trò chơi, trò diễn đặc sắc, trong đó bà vào vai bà Máy là nhân vật chính. “Tôi sẽ còn múa, nhảy và hát cho đến hơi thở cuối cùng. Giờ tôi chỉ mong có sức khỏe để truyền dạy hết các nghi thức cho lớp trẻ, để Lễ hội Pôồn Pôông sống mãi cùng các thế hệ người Mường", bà Tắng bộc bạch.

Các chàng trai, thiếu nữ người Cor ở huyện Trà Bồng giới thiệu trang phục truyền thống tại Hội thi Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc.

Các chàng trai, thiếu nữ người Cor ở huyện Trà Bồng giới thiệu trang phục truyền thống tại Hội thi Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc.

Đoàn Quảng Nam giới thiệu nghi lễ kết nghĩa Prơngooch của đồng bào Cơ Tu.

Đoàn Quảng Nam giới thiệu nghi lễ kết nghĩa Prơngooch của đồng bào Cơ Tu.

Tiết mục Hò bá trạo của đoàn Phú Yên

Tiết mục Hò bá trạo của đoàn Phú Yên

Khán giả cũng rất ấn tượng khi xem nghi lễ kết nghĩa Prơngooch của đồng bào Cơ Tu được đoàn Quảng Nam tái hiện, cũng như màn thể hiện tài năng hát lý, nói lý của nghệ nhân Clâu Nhím (78 tuổi), ở thôn Gừng, thị trấn P rao, huyện Đông Giang (Quảng Nam). Lễ kết nghĩa người Cơ Tu gọi là Prơngooch, có nghĩa là làm mối quan hệ tốt đẹp hơn và mời uống rượu với nhau để giữ mối quan hệ gắn chặt, đậm tình. Chính vì ý nghĩa đó mà lễ kết nghĩa tạo ra tính nhân văn trong mối quan hệ giữa làng với làng, xã với xã, thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng. Nghệ nhân Clâu Nhím xem là một trong những nghệ nhân đa tài của đồng bào Cơ Tu. Không chỉ là nghệ nhân điêu khắc có tiếng, ông còn biết thổi khèn, chơi đàn h'jưl, đánh trống, cồng chiêng... hết sức điêu luyện. “Ngoài biểu diễn thường xuyên tại các hội diễn, hội thi, tôi còn dành thời gian đi nhiều nơi, đến các trường học để truyền dạy cho lớp trẻ về nghệ thuật hát lý, nói lý, về văn hóa của đồng bào Cơ Tu”, nghệ nhân Clâu Nhím cho biết.

Phần tái hiện lễ hội mừng lúa mới của đoàn Lâm Đồng đã phô diễn vẻ đẹp văn hóa tinh thần của đồng bào K’Ho, được ban giám khảo hội thi đánh giá cao. Nghệ nhân K’Thế vào vai già làng tái hiện lễ hội mừng lúa mới (Nhô R’hê) của người K’Ho Srê - Lâm Hà. Bên cây nêu, già làng K’Thế thổi 3 hồi tù và báo hiệu cho dân làng cùng những lời khấn khiến: “Ơi Yàng! Hỡi dân làng! Hôm nay chúng ta tụ hội về đây để tạ ơn Yàng và các thần linh đã cho buôn làng một năm mưa thuận, gió hòa, cho cái nương, cái rẫy tốt tươi. Lúa trên nương trĩu hạt, đàn heo nhiều như con kiến đen, đàn trâu nhiều như con ốc dưới suối... Ơi Yàng!”.

Đoàn Lâm Đồng biểu diễn lễ hội mừng lúa mới.

Đoàn Lâm Đồng biểu diễn lễ hội mừng lúa mới.

"Lễ hội mừng lúa mới Nhô R’hê của người K’Ho Srê có từ lâu đời, được tổ chức vào cuối năm dương lịch. Đây là dịp để dân làng cúng tạ ơn Yàng cho mùa màng bội thu. Chúng tôi luôn gìn giữ lễ hội này và giới thiệu cùng các dân tộc anh em nét đặc sắc văn hóa của người K’Ho”, ông K’Thế cho hay.

Đoàn Hải Dương biểu diễn múa dân gian "Hoa của đất" tại hội thi.

Đoàn Hải Dương biểu diễn múa dân gian "Hoa của đất" tại hội thi.

Điều ấn tượng ở hội thi không chỉ có sự tham gia của những nghệ nhân lớn tuổi, mà nhiều đoàn còn có các diễn viên nhỏ tuổi giới thiệu tài năng, tình yêu đối với văn hóa truyền thống của dân tộc. Em Alăng Kiên Quốc (10 tuổi), đoàn Quảng Nam tham gia thi diễn nghi lễ kết nghĩa của đồng bào Cơ Tu và biểu diễn trang phục truyền thống của dân tộc. Quốc cho biết, từ nhỏ em đã được ông bà, cha mẹ truyền dạy hát lý, nói lý. Em rất tự hào khi được biểu diễn văn hóa truyền thống của dân tộc mình tại hội thi lớn này.

Đoàn Quảng Ngãi trình bày mâm cơm ẩm thực đồng bào Cor tại hội thi.

Đoàn Quảng Ngãi trình bày mâm cơm ẩm thực đồng bào Cor tại hội thi.

Còn anh Alăng Quốc Quyết (33 tuổi), giáo viên Trường THPT Quang Trung, ở thị trấn Prao, huyện Đông Giang, đại diện đoàn Quảng Nam cho biết, năm 2015, nghệ thuật nói lý, hát lý của đồng bào Cơ Tu ở các huyện miền núi Quảng Nam được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản phi vật thể quốc gia. Để góp phần bảo tồn nói lý, hát lý của đồng bào Cơ Tu, ngoài thường xuyên đi biểu diễn nhiều nơi, năm 2020, tôi đã cùng Ban giám hiệu Trường THPT Quang Trung thành lập Câu lạc bộ nói lý, hát lý và thường xuyên duy trì các buổi sinh hoạt, trao truyền nói lý, hát lý cho học sinh để bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc.

Trình diễn những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc và đa dạng của các dân tộc, địa phương.

Trình diễn những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc và đa dạng của các dân tộc, địa phương.

Phần thi trình diễn nghệ thuật của đoàn tỉnh Quảng Ngãi với tiết mục hát bài chòi.

Phần thi trình diễn nghệ thuật của đoàn tỉnh Quảng Ngãi với tiết mục hát bài chòi.

Tại hội thi, đoàn Quảng Ngãi để lại ấn tượng với tái hiện trích đoạn Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Nghệ nhân Trần Công Trọng đến từ huyện Lý Sơn tham gia nghi lễ với vai trò là thầy pháp chia sẻ, mô hình thuyền câu, các phẩm vật tế lễ, hình nhân và các linh vị cai đội Hoàng Sa, cùng với tiếng ốc u được thổi lên từng hồi trầm hùng đã tạo nên một lễ hội đặc trưng, riêng biệt của huyện đảo tiền tiêu. Nghi lễ thể hiện truyền thống yêu nước và khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa.

Bài, ảnh: KIM NGÂN

Thiết kế, trình bày: P.DUNG

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/media/emagazine/202408/emagazine-tinh-hoa-van-hoa-cac-dan-toc-a3616ec/