Tình huống bất ngờ
LTS: Với những người đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những năm tháng ở chiến trường là ký ức không thể nào quên. Thiếu tướng, nhà văn Khổng Minh Dụ, nguyên Cục trưởng Cục An ninh Văn hóa - Tư tưởng, Bộ Công an; nguyên cán bộ Cụm Tình báo chiến lược H67 thuộc Đoàn tình báo J22, Cục 2 - Bộ Quốc phòng trong kháng chiến chống Mỹ, là một người như thế.
Nhân dịp Xuân Giáp Thìn, ông gửi tới Chuyên đề An ninh thế giới Giữa tháng - Cuối tháng bài viết về kỷ niệm những năm tháng đáng nhớ ấy.
Sau Tết Mậu Thân (1968), địch phản kích ác liệt chiến trường Đông và Tây Bắc Sài Gòn. Nhiều căn cứ bám trụ của các cụm tình báo chiến lược trong vùng trọng điểm này luôn bị động; thông tin liên lạc giữa các căn cứ với các lưới điệp báo nội thành Sài Gòn bị gián đoạn. Vì vậy cấp trên quyết định tất cả các Cụm “tùy nghi di tản”, tìm và xây dựng căn cứ mới để bảo toàn lực lượng và sớm chắp nối liên lạc với nội thành.
Đơn vị chúng tôi, Cụm Tình báo chiến lược H67 thuộc Đoàn tình báo J22, Cục 2 - Bộ Quốc phòng, căn cứ bám tọa tại mật khu Bời Lời thuộc Trảng Bàng - Tây Ninh quyết định về miền Tây Nam bộ xây dựng căn cứ tại Xã An Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre với bình phong (ngụy trang) là “Đoàn nghiên cứu địa hình” của tỉnh.
Về chiến trường đồng bằng thời điểm ấy “dễ thở” hơn, vì địch dồn sức cho chiến trường trọng điểm xung quanh Sài Gòn. Năm 1973, chuẩn bị đón Tết Quý Sửu, thực hiện chương trình hành động của Ban An ninh huyện, địa phương đồng loạt ra quân, có sự phối hợp của các đơn vị đóng quân trên địa bàn Tuyên truyền vận động quần chúng phá khu gom dân của địch; tiếp tục thực hiện biện pháp răn đe, cảnh cáo những tên phản động gây nguy hại cho Cách mạng; sử dụng cơ sở bí mật chuyển thư cảnh cáo của lực lượng vũ trang địa phương tới đồn bốt địch và Hội đồng xã.
Cuộc họp các cơ quan bám trụ trên địa bàn được tổ chức vào giữa tháng Chạp để bàn kế hoạch thực hiện chương trình trên. Trọng tâm là công tác bảo đảm an ninh, an toàn trong buổi lãnh đạo địa phương chúc Tết bà con cô bác từ khu gom dân về vui Tết đón xuân.
Đơn vị chúng tôi được phân công đảm nhiệm chương trình văn nghệ; xây dựng hội trường và hầm tránh bom, pháo. Nói cho oai vậy, thực ra là làm một cái lán thật to, cỡ gần 100 mét vuông trên nền một ngôi nhà cũ của dân đã bị địch đốt từ mấy năm trước, nằm phía trong ven đồng ấp 1 chừng 50 mét. Toàn bộ kèo, cột, dui mè, bàn ghế đều làm bằng tre và cây tầm vông. Mái lợp lá dừa nước. Ngoài ra, phải xây dựng 10 hầm tránh bom, pháo. Đành rằng 3 ngày Tết chắc chắn ta và địch đều tuyên bố hưu chiến (ngừng giao chiến), đề phòng địch lật lọng nên phải vất vả thêm vậy. Đây là công việc nặng nhọc nhất nên địa phương giao cho Đoàn thanh niên phối hợp xây dựng, kể cả phối hợp nhiệm vụ lễ tân, tiếp đón khách.
Đơn vị chúng tôi già trẻ, trai gái chỉ có hơn 20 người. Thanh niên chiếm hơn phân nửa, trong đó có tám đồng chí miền Bắc tăng cường. Đoàn thanh niên địa phương hoành tráng hơn chúng tôi. Quân số gấp đôi nhưng một trăm phần trăm là nữ, vì nam đoàn viên đều đã tham gia đội du kích. Vậy mà không ngờ, chỉ sau một tuần lễ, công trình đã hoàn thành. Ông Năm Tuyến, cán bộ lãnh đạo đơn vị chúng tôi chủ trì cuộc họp phân công nhiệm vụ 2 đơn vị: Đoàn thanh niên địa phương chịu trách nhiệm công tác lễ tân, đón và sắp xếp chỗ ngồi cho khách, đơn vị chúng tôi tập trung lo chương trình văn nghệ.
Công tác chuẩn bị gọi là tạm ổn thì một tình huống bất ngờ xảy ra. Sáng 27 tháng Chạp, ông Quốc Thái, Trưởng ban An ninh huyện cùng hai cán bộ chủ chốt địa phương tới căn cứ đơn vị chúng tôi thông báo tình hình gấp. Cụm trưởng Bảy Vĩnh triệu tập cán bộ chủ chốt của đơn vị tham dự. Thông tin từ ông Quốc Thái: “An ninh cấp trên thông báo Tết năm nay địch triển khai kế hoạch rất nguy hiểm. Chúng tung lực lượng “Thiên nga” vào các vùng giải phòng nhằm ám sát và đầu độc cán bộ chủ chốt địa phương, với vỏ bọc ngụy trang “gái tỉnh về quê ăn Tết”, “nữ sinh từ thành phố về thăm và ăn tết với bạn ở miệt vườn”. Tình hình rất nghiêm trọng, không hiểu chúng đã thâm nhập địa bàn Châu Thành chưa”.
Ý kiến tham gia rất sôi nổi. Tựu trung đều thống nhất cứ thực hiện theo kế hoạch. Chỉ cần tăng cường thêm lực lượng bảo vệ cả vòng ngoài và vòng trong. Cái băn khoăn của mọi người là không hiểu rõ về tổ chức “Thiên nga” nên khó khoanh vùng nghi vấn để có biện pháp xử lý.
Đắn đo giây lát, Cụm trưởng Bảy Vĩnh của chúng tôi mới tham gia ý kiến
- Quả là việc khoanh vùng đối tượng trong lúc gấp gáp như vầy là rất khó. Có lẽ ta cần đi sâu vào nghiên cứu cặn kẽ về bọn “Thiên nga”. Nguồn tài liệu chỗ chúng tôi có. Đề nghị đồng chí Ba Dương, người đã nghiên cứu rất sâu về bọn này trao đổi với các đồng chí.
Bị “bỏ bom” bất ngờ, tôi trấn tĩnh, cố nhớ lại một tổ chức địch ra đời từ 5 năm trước, trình bày tóm tắt.
- Thưa các đồng chí! Để hiểu biết về lực lượng “Thiên nga”, ta cần biết về “Cha đẻ” của nó là “Kế hoạch Phụng hoàng” (KHPH). Ngày 1/7/1968, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa ký sắc lệnh số 280 thiết lập “Kế hoạch Phụng hoàng”. Hình thành 4 cấp: Cấp Trung ương, cấp vùng chiến thuật, cấp tỉnh, thành và cấp quận, huyện. Giao cho Trần Thiện Khiêm, Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Nội vụ kiêm chỉ đạo KHPH cấp trung ương. Cốt tử của KHPH là phải tiêu diệt tận gốc rễ thành phần hạ tầng cơ sở cộng sản. Để thực thi có hiệu quả, chúng đã hình thành một lực lượng đặc biệt lấy tên là “Thiên nga”.
Lính “Thiên nga” được tuyển chọn các thanh nữ tuổi 18 tới 30, có nhan sắc, có năng khiếu giao tiếp và hoạt động bí mật… Bọn này được đưa về đào tạo tại trường thám báo “Cây mai” ở Sài Gòn. Nhiệm vụ của chúng là xâm nhập về vùng thôn quê, vùng giải phóng của ta, vùng tranh chấp giữa ta và địch… để điều tra thu thập tin tức tình báo; dụ dỗ, mua chuộc, ám sát, đầu độc cán bộ cấp cơ sở của ta, kể cả đầu độc số đông quần chúng có thiện cảm với Cách mạng.
Mọi con mắt đổ dồn vào tôi đầy vẻ ngỡ ngàng. Ông Quốc Thái sửa lại chỗ ngồi, gật gật đầu:
- Các đồng chí vừa nghe đồng chí Ba Dương “bóc mẽ” bọn “quỷ cái” này. Nhưng không sao. Vỏ quýt dày đã có móng tay nhọn. Đề nghị địa phương cứ triển khai. Khoanh vùng đối tượng khó, bởi chúng có thể xuất hiện từ nhiều nguồn, nhiều hướng. Nên chăng, ta chơi “Đòn gió” với bọn chúng. Ngoài tăng cường công tác bảo vệ, giám sát, tôi đề nghị sau chúc Tết của lãnh đạo địa phương là phần thông báo tình hình an ninh, ta gài nội dung âm mưu thâm độc của bọn “Thiên nga Phụng hoàng”. Coi như đánh bài ngửa với chúng. Đó có thể là hình thức hữu hiệu nhất. Tỷ như có đứa nào lọt vô, thách cha chúng nó dám hành động.
Khách đi rồi, Cụm trưởng đề nghị hội ý nội bộ luôn. Ông nói cần bố trí lại công tác lễ tân. Dứt khoát việc đun nước, pha trà, rót nước mời khách, hoàn toàn do ta đảm nhiệm. Đoàn thanh niên địa phương là đón khách, bố trí chỗ ngồi cho khách. Nếu khách của ai ở địa phương khác tới hoặc ở thành phố về thì người đó phải trực tiếp ngồi cùng khách. Dựng ngay một bếp nhỏ phía sau hội trường. Đây là khu vực “cách ly”. Giao y sỹ Tư Lợi phụ trách. Không được dùng nguồn nước tại chỗ. Động viên anh em dùng thùng thiếc gánh từ căn cứ vô. Từ khạp đựng nước, ấm chén pha trà đều phải vô trùng. Ngay ngày mai anh Năm Tuyến và Ba Dương họp gấp với thanh niên địa phương. Khéo léo giải thích để vừa giữ được bí mật, vừa khỏi chạm lòng tự ái của chị em.
Cuộc họp được tổ chức vào chiều hôm sau (28 Tết). Ông Năm Tuyến nêu vấn đề điều chỉnh công tác lễ tân. Việc đun nước, pha trà, tiếp nước mời khách do Đoàn địa hình đảm nhiệm. Đoàn thanh niên địa phương tập trung việc đón khách, sắp xếp chỗ ngồi cho khách. Ai có khách từ tỉnh thành về thì phải ngồi cùng khách để thể hiện tình cảm hiếu khách. Tiếng xầm xì đó đây, rồi một cô đứng lên phát biểu:
- Ziệc chú Năm zừa nêu, tụi tui chỉ nhất trí phần sau còn phần đầu tui thấy hổng có được. Ziệc bếp núc, nước nôi mời khách là ziệc của nữ giới chúng tôi chớ. Mấy chú, mấy anh tập trung công tác văn nghệ đi, đừng lo bao đồng zậy.
Người thứ hai đứng lên tiếp lời:
- Tui cũng không tán đồng zậy. Bà con cô bác vô thấy tụi tôi ngồi tiếp khách, việc nước nôi bếp núc để mấy “đực rựa” lo, coi sao đặng. Bà con sẽ rầy bọn tôi chớ.
Ngó bộ tình hình có vẻ căng thẳng, tôi đành góp tay phân giải cùng Năm Tuyến:
- Các cô nói chí phải. Đội hình lễ tân như hôm rồi phân công là quá đẹp. Có điều lãnh đạo đơn vị chúng tôi muốn thay đổi chút đỉnh vì bà con vô căn cứ Cách mạng, vui Tết đón xuân thì “chủ nhà” phải nước nôi mời khách chớ. Thiệt ra các cô cũng là khách, phải vậy không? Chẳng lẽ lại để khách phục vụ khách coi sao đặng! Nhiều anh em trong căn cứ mấy khi được gặp bà con đông vui như dịp này. Đây cũng là cơ hội để anh em quân giải phóng được gặp gỡ, thăm hỏi bà con để thắt chặt tình quân dân như cá với nước.
Tôi mới nói chừng đó, thấy không khí có vẻ dịu liền pha vui:
- Nói vậy, nếu Đoàn địa hình thiếu người tiếp tân, vẫn có thể bổ sung các cô với điều kiện…
- Điều kiện chi! Điều kiện chi vậy anh Ba?...
- Đơn giản thôi… Ai mà tương lai trở thành dâu của đơn vị chúng tôi thì chắc chắn thuộc diện bổ sung.
Tiếng cười rộ lên. Các cô đấm chí nhau, hỏi dồn nhau: “Đứa nào… đứa nào dũng cảm giơ tay coi”. Thật không ngờ, đùa vui của tôi hôm ấy mà sau này có tới 5 cô trở thành nàng dâu của đơn vị.
Theo bố trí của ban tổ chức, hai phần ba ghế mời phía trên dành cho khách, nội bộ ngồi phía dưới. Không ngờ bà con vô rất đông, kín hết chỗ ngồi. Tất cả đều ăn mặc tươm tất như đi lễ hội. Nội bộ đành kiếm chỗ ngồi trên các bờ mương phía trước.
Chương trình văn nghệ quá phong phú. Có tới trên hai chục tiết mục. Từ múa tới đồng ca, đơn ca, song ca nam nữ. Liên hoan văn nghệ kéo dài tới giao thừa mới kết thúc. Nhiều tiết mục, pháo tay kéo dài yêu cầu biểu diễn lại. Đặc biệt nhất là tiết mục song ca nam nữ nhạc phẩm “Trước ngày hội bắn”. Lính ta rất khéo tay, họ tạo ra 2 bộ trang phục y hệt đồng bào Mông. Đặc biệt là cái váy xòe của cô gái, rồi tới cái ô xòe, cái khèn bè của cậu con trai Mông. Khi họ xuất hiện trên sân khấu, tất cả đều ồ lên: “Văn công đẹp quá. Cô gái Mông xinh gái quá”. Sau 2 vòng dạo xòe, cô gái cất cao tiếng hát “Tiếng chim rừng chào mừng bình minh. Hót trên cành rộn ràng đâu đó...”, cả hội trường rộ lên tiếng cười nắc nẻ, bởi tới lúc đó khán giả mới phát hiện cô gái Mông là con trai đóng giả.
Trong không khí tưng bừng của hội xuân đảm bảo tuyệt đối an toàn. Lúc chia tay bà con không tránh khỏi bùi ngùi, bịn rịn. Đêm xuân năm ấy trở thành kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời chiến đấu của chúng tôi - cán bộ, chiến sĩ Cụm tình báo chiến lược H67 anh hùng.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/tinh-huong-bat-ngo-i721121/