Tình mẹ xuyên biên giới

Việt Nam và Campuchia là 2 nước láng giềng có lịch sử quan hệ gắn bó lâu đời, được vun đắp trên tinh thần 16 chữ vàng: 'Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài'. Là tỉnh có 258,939km đường biên giới tiếp giáp Vương quốc Campuchia, những năm qua, Bình Phước luôn thực hiện tốt quan hệ hữu nghị, hợp tác với các tỉnh biên giới nước bạn. Từ những hoạt động kết nghĩa, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giao lưu văn hóa đã góp phần thay đổi đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội; tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, xây dựng dải biên cương ngày càng vững vàng, phát triển.

Thời gian qua, mối quan hệ thân thiết đó đã được Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia gắn kết hơn bằng chương trình “Ươm mầm hữu nghị”. Từ chương trình này, đã chứng kiến những câu chuyện xúc động về tình mẫu tử thiêng liêng xuyên biên giới Việt Nam - Campuchia.

Cơ duyên

Tham gia Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia từ năm 2016, với mong muốn góp phần vun đắp tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia, bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Áo Dài (TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh), nguyên là Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đã tổ chức triển lãm hình ảnh về hoạt động giao lưu, hợp tác giữa 2 nước và một chương trình văn nghệ, múa lâm thôn tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh cuối năm 2016. Và từ khi tham gia chương trình “Ươm mầm hữu nghị”, bà Vân hạnh phúc khi được giới thiệu làm mẹ đỡ đầu của các bạn sinh viên đến từ đất nước Campuchia.

Theo bà Vân, tháng 4-2019, nhân chuyến thăm Campuchia cùng đoàn công tác văn nghệ sĩ Việt Nam, bà càng thêm yêu quý đất nước, nhân dân Campuchia. Ngay sau đó, bà được mời tham dự chương trình “Ươm mầm hữu nghị” tại chùa Phổ Minh (TP. Hồ Chí Minh) và được giới thiệu làm mẹ đỡ đầu một nữ sinh viên Campuchia tên Ath Sreyneang (SN 1997).

“Đó là một cô gái gầy gò, thấp bé, có vẻ yếu ớt. Cháu học Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh, nói tiếng Việt chưa sõi lắm. Tôi đã rất xúc động khi cháu gọi tôi là “mẹ” và hỏi han tôi đủ điều” - bà Vân nhớ lại.

Bà Huỳnh Ngọc Vân đồng hành với người con đỡ đầu Sopha Chouk có tên Việt Nam là Pha trong lễ tốt nghiệp ngành Thiết kế công nghiệp, Trường đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh

Bà Huỳnh Ngọc Vân đồng hành với người con đỡ đầu Sopha Chouk có tên Việt Nam là Pha trong lễ tốt nghiệp ngành Thiết kế công nghiệp, Trường đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh

Từng là người con xa quê hương du học nơi đất khách quê người, bà Vân rất hiểu và đồng cảm với tâm trạng của sinh viên Campuchia khi đi học ở Việt Nam. Đó là nỗi nhớ gia đình, lo lắng cho việc học, sinh hoạt… Để giúp Ath Sreyneang nhanh chóng thích nghi với cuộc sống ở TP. Hồ Chí Minh, dịp cuối tuần, bà Vân đều cử nhân viên đến đón Ath Sreyneang từ ký túc xá Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh lên Bảo tàng Áo Dài. Tại đây, Ath Sreyneang được gặp gỡ nhiều sinh viên các trường đại học, cao đẳng ở TP. Hồ Chí Minh đến tham quan, học tập và được nhân viên bảo tàng coi như người thân.

Yêu thương, chia sẻ, dạy dỗ, động viên là điều tôi đã làm cho con ruột cũng như các con đỡ đầu Campuchia của tôi. Các con sẽ mãi là con trai, con gái của tôi dù cách xa. Tôi luôn cầu mong các con khỏe mạnh, bình an, trưởng thành và góp phần xây dựng đất nước Campuchia ngày càng giàu đẹp.

Bà HUỲNH NGỌC VÂN, Giám đốc Bảo tàng Áo Dài, TP. Hồ Chí Minh

“Tôi đã đặt cho con tên Việt Nam là An và giải thích ý nghĩa từ An cho Ath Sreyneang hiểu. Con rất vui mừng và thích thú. Con chăm chỉ học hành, tích cực tham gia phong trào của sinh viên Campuchia đang học tại TP. Hồ Chí Minh. Con thường tâm sự, kể về những khó khăn trong sinh hoạt của mình. Tôi cũng thường xuyên khuyên nhủ, động viên, khen ngợi những nỗ lực của con trong học tập, đồng thời tạo điều kiện để con phụ việc tại bảo tàng nhằm có thêm thu nhập” - bà Vân chia sẻ.

Trong thời gian phụ việc tại Bảo tàng Áo Dài, An xin phép mẹ Vân đưa theo một bạn sinh viên Campuchia khác đến phụ việc tại đây. Đó là Sopha Chouk (SN 1998). Sau khi được “tuyển dụng”, tất cả nhân viên Bảo tàng Áo Dài đã yêu quý và gọi Sopha Chouk bằng tên Việt Nam rất dễ thương là Pha.

“Ngày tết Nguyên đán 2021, tôi đón Ath Sreyneang và Sopha Chouk về nhà ăn tết. Pha xin được làm con trai đỡ đầu và tôi ngay lập tức đồng ý, đón nhận bằng tình yêu thương chân thành” - bà Vân vui vẻ cho biết.

May mắn khi được làm con của mẹ

Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát ở TP. Hồ Chí Minh, 3 mẹ con bà Vân vẫn luôn cố gắng gặp nhau mỗi khi sắp xếp được công việc, học tập và trao nhau những tình cảm yêu thương. Bà Vân cũng tạo điều kiện để Ath Sreyneang và Sopha Chouk được tham gia trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa, liên quan đến ngành học của cả 2 trong thời gian ở TP. Hồ Chí Minh để các con vừa kiếm tiền vừa hiểu thêm nhiều điều tốt đẹp của văn hóa Việt Nam.

Em Ath Sreyneang với tên Việt Nam là An cảm thấy may mắn và hạnh phúc khi được làm con của mẹ Vân

Em Ath Sreyneang với tên Việt Nam là An cảm thấy may mắn và hạnh phúc khi được làm con của mẹ Vân

Cũng theo bà Vân, sau quá trình học tập tại Việt Nam, cả Ath Sreyneang và Sopha Chouk đều được bình chọn là sinh viên Campuchia tiêu biểu nhất ở TP. Hồ Chí Minh. Gia đình Ath Sreyneang và Sopha Chouk ở Campuchia rất xúc động khi biết các con được quan tâm, chăm lo trong đợt dịch, bằng tấm lòng của mẹ đỡ đầu và tất cả nhân viên Bảo tàng Áo Dài. Các con đã có cả một đại gia đình Việt Nam bên cạnh.

“Trước khi chia tay để về nước, 2 con vẫn tranh thủ đến chia sẻ công việc cùng mẹ và nhân viên bảo tàng. Các con còn đăng tải trên Facebook những tình cảm lưu luyến, lòng biết ơn mẹ đỡ đầu như một người thân máu mủ, ruột thịt của mình” - bà Vân xúc động cho biết.

Dù đã trở về Campuchia để làm việc, cách xa nhau về mặt địa lý nhưng Ath Sreyneang, Sopha Chouk và bà Vân vẫn thường xuyên nhắn tin, gọi điện và dõi theo nhau trong cuộc sống cũng như công việc.

“Kỷ niệm đáng nhớ nhất có lẽ là thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Lúc đó, em rất hoang mang, chỉ ở trong phòng của ký túc xá, không thể ra ngoài mua đồ hay đi đâu được, rất khó khăn. Nhờ có mẹ Vân thường xuyên hỏi thăm, gửi đồ “tiếp tế” nên em an tâm hơn để vượt qua tâm dịch. Em không biết làm thế nào để trả ơn mẹ, chỉ biết nói lời cảm ơn, yêu thương đến mẹ thật nhiều” - Ath Sreyneang xúc động chia sẻ.

Bà Huỳnh Ngọc Vân được Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia tặng bằng khen vì đã có nhiều đóng góp trong công tác “ươm mầm hữu nghị”, giai đoạn 2012-2022.

Bà Huỳnh Ngọc Vân được Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia tặng bằng khen vì đã có nhiều đóng góp trong công tác “ươm mầm hữu nghị”, giai đoạn 2012-2022.

Trong khi đó, Sopha Chouk cho biết bản thân thật may mắn và hạnh phúc khi được là con của mẹ Vân. Sopha Chouk học ngành Thiết kế công nghiệp tại Trường đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh. Trong thời gian học, em được bạn bè, thầy cô hỗ trợ, quan tâm và nhận được tình yêu thương từ những người xung quanh. Nhưng với em, mẹ Vân rất đặc biệt, như người thân ruột thịt trong gia đình.

Không phụ lòng yêu thương, chăm sóc của mẹ Vân, sau khi ra trường, Ath Sreyneang và Sopha Chouk đều đã có việc làm ổn định. Trong khi Sopha Chouk làm thiết kế đồ họa cho một tập đoàn kinh tế lớn tại Campuchia, thì Ath Sreyneang đang làm việc tại một công ty xây dựng của Việt Nam có trụ sở ở Thủ đô Phnom Penh, Vương quốc Campuchia. Cả 2 đều coi mẹ Vân như người mẹ thứ 2 và xem đất nước Việt Nam như quê hương thứ 2 của mình.

Xuân Túc

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/140678/tinh-me-xuyen-bien-gioi