Tính nữ trong thơ qua tự sự 'Thức cùng sen trắng''

Từ thời điểm đổi mới đến nay, các nhà thơ nữ Việt Nam đã có những bước chuyển mình đáng kể về cả về thi pháp và nội dung trình hiện trong thơ được dư luận văn học ghi nhận.

Đã có nhiều bài tiểu luận, phê bình viết về sự đổi mới thành công và "Tính nữ" trong thơ của các nhà thơ đã thành danh như: Ý Nhi, Thảo Phương, Dư Thị Hoàn, Phạm Thị Ngọc Liên, Đỗ Thị Tấc, Đoàn Thị Lam Luyến… đến thế hệ sau như: Giáng Vân, Ly Hoàng Ly, Bảo Chân, Như Bình, Trần Kim Hoa, Bùi Tuyết Mai, Bình Nguyên Trang, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư…và các nhà thơ trẻ khác.

Thơ nữ là biểu tượng của thế giới cảm xúc tinh tế và đa chiều

Tính nữ (hay nữ tính) trong thơ của các nhà thơ nữ Việt Nam hiện đại là một yếu tố rất đặc trưng và phong phú, thể hiện những cảm xúc, suy tư và quan niệm của người phụ nữ trong cuộc sống và trong nghệ thuật. Tính nữ trong thơ không chỉ phản ánh những đặc trưng tâm sinh lý, mà còn là biểu tượng của một thế giới cảm xúc tinh tế, đa chiều. Thơ của các nhà thơ nữ Việt Nam thường khắc họa một cách sâu sắc vẻ đẹp, sự mềm mại, tình cảm yêu thương, và cả sự đấu tranh, kiên cường của phụ nữ.

Nhà thơ Bế Kim Loan.

Nhà thơ Bế Kim Loan.

Nữ tính trong thơ cũng thể hiện qua những mâu thuẫn nội tâm, những đấu tranh giữa cái tôi cá nhân và sự kỳ vọng của xã hội, giữa sự khát khao tự do và tình yêu mê đắm. Chính sự phức tạp này tạo nên vẻ đẹp đặc biệt trong thơ nữ, khi người phụ nữ vừa muốn sống theo bản năng, nhưng cũng phải đối mặt với những áp lực và trách nhiệm của mình. Thơ nữ không chỉ là sự thể hiện cá nhân mà còn là tiếng nói của những mảnh đời, những con người mang trong mình những đấu tranh, khát khao, và ước vọng riêng biệt.

Trong bài viết này, tôi muốn nhắc đến một gương mặt thơ cụ thể đã trình làng 2 tập thơ "Khoảng trời" và "Thức cùng sen trắng" là nhà thơ Bế Kim Loan, sinh năm 1977 ở Sơn Tây, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội, hiện là biên tập viên Đài truyền hình Hà Nội. Chị đã 2 lần được trao giải thưởng cuộc thi thơ của Hội VHNT Hà Tây (cũ) và Giải thưởng Tác phẩm Tuổi xanh của báo Tiền Phong 1997.

Tập thơ "Thức cùng sen trắng" của Bế Kim Loan thường sử dụng một ngôn ngữ tinh tế, giàu hình ảnh thiên nhiên, thể hiện sự quan sát và cảm nhận sâu sắc để mô tả những cảm xúc, khát khao, hay những trăn trở trong tâm hồn người phụ nữ. Ví dụ như hình ảnh Trăng trong bài thơ ngắn cùng tên: "Luân hồi từ muôn kiếp/Nhói giữa bầu ngực đêm/Nghìn năm còn con gái/Hay giấc mê phù sinh/Xác của ngàn năm trước/ Mong tròn đầy khát khao/Phận mình như tệp rỗng/Cố tròn lại nỗi đau/Khát một lần sinh nở/Một thế giới ngàn sao/Triệu triệu lần hóa kiếp/Nhoi nhói ngàn năm sau".

Bài thơ trên mang đậm tính triết luận về sự luân hồi, khát vọng sinh nở và cảm giác nữ tính trong hành trình của đời người. Nữ tính trong bài thơ không chỉ được thể hiện qua những hình ảnh liên quan đến phái đẹp mà còn qua sự tự nhận thức về thân phận, khát vọng và sự kết nối vĩnh hằng với vũ trụ. Nữ tính trong bài thơ thể hiện sự đau đớn, khao khát và những cảm xúc rất riêng của người phụ nữ đối với thế giới xung quanh và đối với chính bản thân mình. Hình ảnh Trăng, mặc dù không xuất hiện trực tiếp trong mỗi câu thơ, nhưng thực tế là một hình ảnh biểu tượng trong bài thơ, nói về sự mơ hồ, sự biến hóa của vũ trụ, và đặc biệt là sự vĩnh cửu của thiên nhiên. Nữ tính trong bài thơ như một phần không thể tách rời của thiên nhiên, như Trăng luôn thay đổi, luôn vĩnh hằng, dù có lúc tối, lúc sáng, nhưng luôn tồn tại.

Thơ nữ tính thường xuyên thể hiện những cảm xúc sâu sắc, nhạy cảm trước những biến đổi trong cuộc sống. Các nhà thơ nữ đều thường xuyên sử dụng hình ảnh thiên nhiên, tình yêu và nỗi buồn để diễn tả những cảm xúc cá nhân, sự mong manh, mơ mộng của người phụ nữ. Trong bài thơ "Người đứng ngoài cánh cửa", Bế Kim Loan dựng nên một hình ảnh ẩn dụ cho sự mong đợi, khát khao được kết nối trong xa cách.

Người đứng ngoài cánh cửa có thể là một ai đó mà nhân vật trữ tình mong chờ, hy vọng sẽ đến, nhưng lại không thể bước vào cuộc sống của người nữ: "Như Từ Hải thương đời cô Kiều phiêu dạt/ mà hiện về trong nỗi hoang mang/ Như ông Bụt thương lời khóc than cô Tấm/ mà hiện về xóa tan trái ngang/ Người đứng ngoài cánh cửa/Dấu chấm cảm lòng em". Bài thơ tưởng không thể ngắn hơn với sự kết hợp giữa các hình ảnh văn hóa và huyền thoại để phản ánh tâm trạng của nhân vật trữ tình trong tình yêu. Dù có những nhân vật đầy lòng thương cảm như Từ Hải và ông Bụt, nhưng vẫn không thể cứu vãn được cảm giác cô đơn, hụt hẫng, và sự xa cách trong tâm hồn nhân vật.

Nữ tính là vẻ đẹp của dịu dàng và sức sống mãnh liệt

Mặc dù tính nữ thường gắn liền với sự mềm mại, dịu dàng, nhưng trong thơ nữ Việt Nam, nó cũng thể hiện sự kiên cường và mạnh mẽ. Phụ nữ trong thơ không chỉ là biểu tượng của vẻ đẹp dịu dàng mà còn là những con người có sức sống mãnh liệt, dám đối diện với thử thách, đấu tranh cho tự do và hạnh phúc của chính mình.

Đặc điểm này thể hiện khá rõ trong bài thơ "Trước bức tranh cây bằng lăng mùa xuân" của Bế Kim Loan: "Đi ngược những thói quen/ đi ngược những quan niệm/ kì lạ thay/ sự sống lại bắt đầu từ cái chết/ Hay chính xác hơn/ bắt đầu từ màu lá giống màu cái chết/ Cây bằng lăng trong bức tranh này/bật lên những chồi xuân/ Đi ngược quy luật thường thấy trong hội họa/ người vẽ bức tranh này/ đi ngược tư duy về thẩm mĩ học/ đi ngược con đường số đông/ Và cây bằng lăng trong bức tranh/đã một mình lặng lẽ/ làm nên cả mùa xuân".

Bìa hai tập thơ của nhà thơ Bế Kim Loan.

Bìa hai tập thơ của nhà thơ Bế Kim Loan.

Trong bài thơ, hình ảnh "Đi ngược những thói quen" và "Đi ngược những quan niệm" ngay lập tức tạo nên một sự ngạc nhiên cho người đọc. Việc sự sống bắt đầu từ cái chết, hay chính xác hơn là từ màu lá giống màu cái chết, là một nghịch lý, khiến người đọc phải suy ngẫm. Điều này có thể được hiểu theo cách nhìn nhận cuộc sống như một sự tái sinh không ngừng, từ cái chết của quá khứ để mở ra một tương lai mới, hay là cái chết không phải là kết thúc mà là sự chuyển mình.

Rồi "Đi ngược quy luật thường thấy trong hội họa" và "đi ngược tư duy về thẩm mỹ học" là những câu thể hiện sự muốn phá vỡ các chuẩn mực nghệ thuật. Tác giả nói về một cách tiếp cận mới mẻ và độc đáo trong sáng tác nghệ thuật, không tuân theo những nguyên tắc cứng nhắc mà thay vào đó là sự tự do sáng tạo, vượt ra ngoài khuôn khổ thông thường. Điều này cũng phản ánh sự đổi mới và khám phá trong nghệ thuật nói chung của một số nữ nhà thơ.

Ở một góc nhìn khác, nữ tính trong thơ cũng thể hiện qua những mâu thuẫn nội tâm, những đấu tranh giữa cái tôi cá nhân và sự kỳ vọng của xã hội, giữa sự khát khao tự do và tình yêu đằm thắm. Chính sự phức tạp này tạo nên vẻ đẹp đặc biệt trong thơ nữ, khi người phụ nữ vừa muốn sống theo bản năng, nhưng cũng phải đối mặt với những áp lực, trách nhiệm trong vai trò của mình.

Và bài thơ "Thức cùng sen trắng" của Bế Kim Loan đã phần nào phản ánh điều này: "Ngày/ những đám bụi xúc xiểm thóa mạ/ những vô cớ vô lý/ bám dính/ không kịp vuốt/ tổn thương đóng băng/ chết mặt/ Em yêu con người/ Yêu bình yên…/Đêm /những cánh buồn rã ra chậm chạp/ tự thương thắt lòng sắc trắng nhỏ nhoi bị những dằm bụi nhân gian đâm hằn trên mắt cánh/ không muốn biến mình thành bữa tiệc cho những kẻ hiếu kỳ nanh nọc/ tự rửa mặt mình / mà không có thuốc giảm đau hay gây tê cho quên đi cảm giác/ đành ngụy trang trong sắc trắng/ Sắc trắng/ bị mặc định/thơ ngây, hồn nhiên, thoát tục /hay tệ hơn/ dại dột, ngu si/ Ai đang đạp lên linh hồn sen trắng/ vô tâm hay tàn nhẫn/ Ta cùng sen thức bao đêm…".

Bài thơ trên như một tiếng thở dài khi tác giả sử dụng hình ảnh hoa sen trắng như một biểu tượng của sự thuần khiết nhưng cũng là đối tượng của sự chà đạp, tổn thương trong xã hội. Bằng cách sử dụng đối lập giữa ngày và đêm, hình ảnh ẩn dụ, và những câu hỏi phản ánh nội tâm, bài thơ không chỉ miêu tả sự chịu đựng trong cuộc sống mà còn chỉ trích những định kiến xã hội, khuyến khích người đọc suy ngẫm về cách đối xử với những giá trị thuần khiết trong cuộc sống. Tác giả đã dùng nghệ thuật đối thoại với chính mình trong những câu thơ để nhân vật trữ tình tìm cách tự giải thoát mình, tự chữa lành, dù biết rằng điều đó rất đau đớn.

Điểm qua một số bài thơ trên đây của nhà thơ Bế Kim Loan để chúng ta thấy rằng "Tính nữ" trong thơ của các nhà thơ nữ Việt Nam là sự kết hợp giữa cảm xúc mượt mà, hình ảnh tinh tế, và sự mạnh mẽ tiềm ẩn trong tâm hồn phụ nữ với những khát vọng thay đổi chính mình, thay đổi thơ mình, kiên trì chống chọi với đau khổ, nghịch cảnh, và chính điều này đã tạo nên vẻ đẹp đặc biệt và bí ẩn của thơ nữ.

Nguyễn Việt Chiến

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/tinh-nu-trong-tho-qua-tu-su-thuc-cung-sen-trang--i763273/