Tỉnh táo, công bằng đánh giá hoạt động đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam
Đây là khuyến nghị của ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại tại Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu 'Một số nhận định về vốn đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam'.
Hội thảo do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) tổ chức chiều 22/7 tại Hà Nội.
Đầu tư tăng trưởng nhưng tỉ trọng tương đối nhỏ
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho biết dòng vốn FDI của Trung Quốc vào Việt Nam tăng qua từng năm, trong bối cảnh vốn đầu tư từ các nước Đông Bắc Á liên tục chảy vào Việt Nam trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, dòng vốn FDI của Trung Quốc vào Việt Nam còn chiếm tỉ trọng tương đối nhỏ so với các nhà đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Nguồn vốn này mới vào Việt Nam từ năm 2012 và những ngày đầu, nguồn vốn này rất nhỏ, khó phân biệt với nguồn vốn đến từ Hong Kong.
Phân tích sâu ở một số khía cạnh, TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR cho rằng, nhiều dự án có vốn đầu tư Trung Quốc cho thấy có nhiều hệ quả về môi trường, xã hội, thị trường lao động, chậm tiến độ. Điển hình là nhiều dự án thủy điện (25/86 dự án thủy điện chậm tiến độ), dự án metro Cát Linh - Hà Đông.
Cùng với đó, các khoản vay và dự án thực hiện dưới hình thức hợp đồng tổng thầu (EPC) gây ra nhiều hệ lụy về dài hạn cho Việt Nam như tham nhũng, tác động xã hội, phụ thuộc tài chính, môi trường, hiệu quả kinh tế…
Phải tỉnh táo, công bằng khi đánh giá
Trước thực trạng trên, nghiên cứu "Một số nhận định về vốn đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam" khuyến nghị cần tăng cường công tác quản lý đối với các hoạt động đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam, bởi thực chất, cách quản lý của Việt Nam còn tồn tại nhiều vấn đề lớn.
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho biết bản thân ông cũng từng sợ đầu tư Trung Quốc vì nghe đồn quá nhiều và thực tế có nhiều định kiến không tốt về dòng vốn Trung Quốc thời gian qua.
Ông Tuyển cho rằng, trong mối quan hệ làm ăn với bất kỳ đối tác nào, cần phải xem xét lại trách nhiệm từ chính mình thay vì chỉ biết đổ lỗi cho người khác: Cần phải tỉnh táo, công bằng hơn khi đánh giá về hoạt động đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam. Bất kỳ nước nào cũng muốn đẩy công nghệ cũ ra nước ngoài, không riêng các doanh nghiệp Trung Quốc, ông Tuyển khuyến nghị.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại nhấn mạnh: “Quyền chọn dự án, quyền chọn đối tác nhà thầu là ở chúng ta. Trung Quốc thực tế là một nước rất giỏi về xây dựng hạ tầng, nhưng tại sao dự án Cát Linh – Hà Đông lại như thế? Lỗi tại nhà thầu nhưng cũng có lỗi của chúng ta. Chúng ta cũng cần phải nhìn nhận lại đã giám sát chặt chẽ chưa, đầy đủ trách nhiệm chưa? Dòng vốn Trung Quốc có thể sẽ càng ngày càng nhiều hơn. Không còn cách nào khác chúng ta phải nâng cao trách nhiệm của mình lên”.
Đồng tình với quan điểm trên, TS.Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng trong quan hệ làm ăn, phải luôn phải đặt lý trí lên hàng đầu. Người nhận thua thiệt là người cứ đặt xúc cảm lên trước tiên.
“Khi làm ăn với bất kỳ đối tác nào, cần phải có cái đầu lạnh, tỉnh táo. Không phải cứ nói ghét là không hợp tác làm ăn. Làm việc phải bằng cái đầu, bằng tư duy chứ không chỉ bằng cảm xúc”, TS.Võ Trí Thành nói.