Tỉnh Tây Ninh có di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thứ 9

Nghề làm nhang ở Tây Ninh là một trong những nghề thủ công truyền thống thể hiện đậm nét đặc trưng văn hóa - tâm linh của cư dân địa phương.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL vừa ký Quyết định số 2306/QĐ-BVHTTDL, đưa Nghề làm nhang tỉnh Tây Ninh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo hồ sơ di sản, nghề làm nhang truyền thống ở Tây Ninh tập trung ở thị xã Hòa Thành, Trảng Bàng, các huyện Gò Dầu, Dương Minh Châu, Tân Biên và thành phố Tây Ninh.

 Nhang ở Tây Ninh chỉ có 2 màu đặc trưng là vàng và nâu. Ảnh: Báo Tây Ninh

Nhang ở Tây Ninh chỉ có 2 màu đặc trưng là vàng và nâu. Ảnh: Báo Tây Ninh

Đây là một trong những nghề thủ công truyền thống tồn tại từ xưa đến nay, thể hiện đậm nét đặc trưng văn hóa - tâm linh của cư dân địa phương.

Để làm ra những cây nhang, người thợ phải đi thu gom lá gòn về phơi khô, rồi đem xay nhuyễn thành bột. Sau đó đem đi trộn với nước và cho thêm bột quế hoặc bột trầm vào để tạo mùi thơm. Vì thế, mùi hương của nhang rất nhẹ, màu sắc không sặc sỡ mà chỉ thuần một màu vàng và đỏ.

Ngoài ra, người làm nhang ở Tây Ninh còn có những quan niệm, ý nghĩa biểu trưng trong văn hóa rất đặc sắc qua kích thước của cây nhang, từ đó thể hiện ước mong của họ về một cuộc sống an vui, sung túc.

Nghề làm nhang ở Tây Ninh còn thể hiện rất rõ đặc thù gốc tích nông nghiệp như dụng cụ, nguyên liệu, giá trị sử dụng. Những sản phẩm từ nghề truyền thống làm nhang có vai trò quan trọng trong việc phục vụ đời sống của cả cộng đồng.

Trải qua quá trình dài hình thành và phát triển, dù qua các hình thái kinh tế xã hội hay các phương thức sản xuất khác nhau, thì nghề làm nhang ở Tây Ninh vẫn tồn tại bền vững và trở thành một trong những nghề tuyền thống nổi tiếng nhất ở Nam Bộ.

Như vậy, nghề làm nhang là di sản văn hóa thứ 9 của tỉnh Tây Ninh được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trước đó, tỉnh Tây Ninh đã có 8 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh Tây Ninh, lễ Kỳ yên đình Gia Lộc, múa trống Chhay dăm, nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu (núi Bà Đen), lễ hội Quan lớn Trà Vong (Tân Biên), nghệ thuật chế biến món ăn chay và nghề thủ công truyền thống làm muối ớt.

Khánh Ngọc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tinh-tay-ninh-co-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-thu-9-post307476.html