Tinh tế trong mỗi tên đường, tên phố Hà Nội
Tại kỳ họp cuối trong năm, HĐND TP lại dành thời gian nhất định để thảo luận và thông qua Nghị quyết đặt tên đường, tên phố của Hà Nội. Gần một thế kỷ trôi qua, bắt đầu bằng dấu ấn của người mở đầu là bác sĩ Trần Văn Lai – Thị trưởng đầu tiên của Hà Nội, phần lớn tên các tuyến phố ở Thủ đô được sắp xếp tuân theo một trật tự nhất định mà nếu để ý, người ta sẽ nhận ra đằng sau quy luật ấy là những bài học rất dài liên quan đến kiến thức văn hóa, lịch sử.
Giải mã tên đường, tên phố Hà Nội
Ở Hà Nội, phần lớn tên đường phố đều được đặt bằng tên các danh nhân có đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Đây cũng là một nét riêng vì trên thế giới, nhất là châu Âu, tên đường phố chủ yếu được đánh số thứ tự hoặc đặt theo tên dòng họ, gia tộc.
Nếu không để ý, hẳn nhiều người sẽ nghĩ, tên đường phố ở Hà Nội được sắp xếp ngẫu nhiên song kỳ thực, chúng luôn tuân theo một quy tắc cụm, trong đó, mỗi cụm ứng với một triều đại, giai đoạn lịch sử nhất định. Chẳng hạn, khu vực Hồ Gươm gắn với các danh nhân thời kỳ đầu dựng nước như Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ. Phố chính Trần Hưng Đạo giáp với một loạt phố nhỏ mang tên các cận tướng gần gũi như Nguyễn Chế Nghĩa, Dã Tượng, Yết Kiêu. Hoặc phố Lê Thái Tổ nối với các phố mang tên những tướng Lam Sơn như Lê Lai, Lê Thạch, Đinh Lễ. Rồi, dù nhà Hậu Trần chỉ xuất hiện rất ngắn, nhưng các tướng lĩnh thời kỳ này cũng được “xếp cạnh nhau” ở gần Hồ Tây như Nguyễn Biểu, Đặng Tất, Đặng Dung.
GS Lê Văn Lan: Không nên bỏ nét riêng biệt trong tên đường
Có một thời người ta từng bàn đến việc Hà Nội nên học phương Tây cách đánh số tên đường, để làm giàu ngân hàng tên đường phố, giảm tránh tên đường trùng lắp. Điều này cũng rất thuận lợi vì các phố gần nhau sẽ có số thứ tự sát nhau. Đồng thời, nó rất tiện trong việc mở rộng quy hoạch bởi các con phố được đánh số càng lớn tức là nó càng mới. Tuy nhiên, đặt tên phố như vậy có phần hơi nhàm chán và không mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử. Đường phố Hà Nội đặt tên theo một quy luật nhất định ứng với tên các vị danh nhân và đó là một nét riêng biệt so với các nước khác. Hà Nội là trái tim của đất nước nên chỉ những vị danh nhân nào có đóng góp mang tầm cỡ quốc gia thì mới xứng đáng được đặt tên đường. Tên đường tên phố cũng là một góc thể hiện một Thủ đô hàng ngàn năm tuổi, giàu truyền thống văn hóa.
Xuôi về quận Cầu Giấy, các con đường ở đây lại gắn liền với tên các vị danh nhân thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước. Đường Xuân Thủy (mang tên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, người có công góp phần làm nên thắng lợi của việc ký kết Hiệp định Paris) nằm cạnh ngay đường Phạm Văn Đồng (vị Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao lỗi lạc, từng tham gia các cuộc đàm phán về Hiệp định Giơnevơ). Gần đường Xuân Thủy - Cầu Giấy có phố Trần Đăng Ninh. Các cung đường khác nằm gần nhau như Phạm Hùng, Hồ Tùng Mậu, Lê Đức Thọ... cũng lần lượt là tên các vị chính khách nổi tiếng trong lịch sử cách mạng. Không chỉ điểm tên các vĩ nhân là chính khách, nhiều cung đường Thủ đô lại được lấy tên theo các văn nghệ sĩ có đóng góp lớn cho sự nghiệp phát triển văn hóa nước nhà. Những con đường này chủ yếu nằm ở khu vực Hồ Tây thơ mộng như phố Đặng Thai Mai, Tô Ngọc Vân và mới đây nhất là đường Trịnh Công Sơn.Dù thiếu kiến thức về lịch sử, người ta cũng có thể “ang áng” đoán được xuất xứ của danh nhân được đặt tên cho một con phố nào đó ở Thủ đô. Và theo thời gian, cách làm này vẫn tiếp tục được thực hiện. Điển hình, khu vực gần trường Đại học Y Hà Nội gắn với những bác sĩ Đặng Văn Ngữ, Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng – trong khi xung quanh khu Văn Miếu là các danh nho Cao Bá Quát, Ngô Tất Tố, Nguyễn Khuyến. Tất nhiên, khi Hà Nội phát triển và mở rộng diện tích, cách làm này không dễ để áp dụng – khi chúng ta thiếu khả năng dự báo và quy hoạch đồng bộ về sự xuất hiện của các phố mới, cũng như quỹ tên đường tương ứng. Nhưng Hà Nội vẫn cố gắng duy trì một cách tối đa nhất cách đặt tên theo quy luật mà người mở đầu là bác sĩ Trần Văn Lai – Thị trưởng đầu tiên của Hà Nội thực hiện.Tên đường nên có chú giảiThực tế, trong những cuộc tọa đàm về vấn đề này, nhiều chuyên gia đã chỉ rõ, thời gian gần đây một số danh nhân đã được đặt tên cho các đường phố nhưng vẫn ít được người dân biết tới rộng rãi, đặc biệt là những danh nhân thuộc một lĩnh vực hoặc chuyên ngành hẹp. Lý do của điều ấy khá đơn giản: Với kiến thức chung của người dân, những nhân vật xuất chúng, có công lao nổi bật, làm thay đổi diện mạo chung của lịch sử và văn hóa dân tộc… không thể quá nhiều. Và theo thời gian, quỹ tên ấy cũng đã dần được sử dụng hết – khi mà Thủ đô hiện có khoảng 1.200 tên đường phố, đồng thời mỗi năm xuất hiện bổ sung thêm khoảng 30 cái tên mới.
Năm 2018, có 42 tên đường tên phố mới được xin ý kiến để đặt tên và HĐND TP biểu quyết thông qua có đến gần 20 tên đường mang tên danh nhân như họa sĩ Bùi Trang Chước là người đã vẽ Quốc huy Việt Nam hiện tại hay các danh nhân khác như Nguyễn Quốc Trị, Nguyễn Bặc… Chắc chắn không phải người dân nào cũng đều biết đến các danh nhân này. Bởi thế, rất cần có giải pháp phù hợp để giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp của các danh nhân đó.
Khoảng 7 - 8 năm trước, một số đường phố chính tại Hà Nội từng được gắn kèm “bảng chú giải” ở biển tên, với những chú giải ngắn gọn về lai lịch, tiểu sử danh nhân được chọn đặt tên phố. Rõ ràng, đó là một cách làm dễ áp dụng và phổ biến. Chẳng hạn, đã có ý kiến rằng cái tên Nguyễn Khắc Hiếu của con phố nằm gần Hồ Tây sẽ trở nên dễ nhận biết hơn với cộng đồng nếu thay bằng hai chữ “Tản Đà”. Hoặc, phố Nguyễn Hoàng ở quận Nam Từ Liêm nên được thay bằng “Chúa Tiên Nguyễn Hoàng” vừa trang trọng vừa… dễ hiểu.
Có thể phức tạp, nhưng những yêu cầu ấy cần sớm được nghiên cứu – khi mà đằng sau mỗi đường phố mang tên danh nhân là một câu chuyện rất dài về lịch sử, văn hóa và cả sự tri ân với tiền nhân của cộng đồng hiện tại.
Rà soát tên đường phát sinh
Hồi tháng 7/2019, một con đường mang tên Ngô Minh Dương bất ngờ xuất hiện ở khu vực giao thoa giữa quận Bắc Từ Liêm và quận Tây Hồ. Điều đặc biệt là khi tấm biển tên đường “Ngô Minh Dương” được đặt lên và xuất hiện ở công cụ tìm kiếm trên Google Maps nhưng không biết Ngô Minh Dương là ai? “Ngô Minh Dương là nhân vật nào đó không rõ lai lịch, không có tên trong ngân hàng tên đường, phố Hà Nội cũng như chưa có trong các Quyết định đặt tên đường, phố của TP” – Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Tô Văn Động khẳng định. Sau sự việc tên đường tự phát mang tên Ngô Minh Dương, Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện rà soát toàn bộ các tên đường phố hiện có, đồng thời tháo dỡ những biển tên phố tự phát (nếu có). Bởi vì, trên thực tế Hà Nội đã từng có những tên đường tự phát như đường Ướp lạnh, đường Huyndai…
Và từ câu chuyện rà soát các biển tên, nhiều người lại nhắc tới sự gần gũi đối với cộng đồng của những tên phố được đặt theo tên danh nhân, đồng thời suy nghĩ về những giải pháp để nâng cao chất lượng công tác đặt, đổi tên đường phố, để đường phố Hà Nội luôn giữ được nét tinh tế của tên đường tên phố vốn có.
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Cách đặt tên đường phố Thủ đô cần mạnh dạn hơn nữa
Tôi thấy quy chế đặt tên đường phố của Hà Nội hiện nay rất chặt chẽ, vừa đảm bảo tính khoa học, vừa dân chủ khi có ý kiến của người dân nơi sử dụng địa danh đó. Tất nhiên, trong quá trình hỏi ý kiến sẽ xảy ra các vấn đề phát sinh, ví như trường hợp danh nhân Trịnh Văn Bô phải sau 3 lần đề xuất mới có thể đặt được tên đường hay danh nhân Nguyễn Thế Rục cũng đã có 10 năm dự kiến đặt tên đường nhưng rồi cũng gặp trắc trở. Hà Nội thận trọng trong việc đặt tên đường là tốt. Nhưng theo tôi, các đơn vị tư vấn cần mạnh dạn nêu ra để thảo luận cho thấu đáo. Chúng ta nhìn trường hợp đường Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông là ví dụ. Thời gian đầu, nhiều người phản đối quyết liệt nhưng sau khi phân tích cũng tìm được sự đồng thuận. Mạnh dạn để có nhiều danh nhân có công trạng được ghi nhận vào tên đường hơn nữa.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tinh-te-trong-moi-ten-duong-pho-351378.html