Tinh thần chủ động, trách nhiệm, nỗ lực đổi mới

Tại Hội nghị Tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021, triển khai kế hoạch công tác năm 2022 khu vực miền Bắc do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hôm qua, 21.2, cùng với báo cáo những kết quả nổi bật năm 2021 và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp năm 2022, đại diện Thường trực HĐND nhiều địa phương đã chia sẻ những cách làm hay, nỗ lực đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động ngay từ đầu nhiệm kỳ. Qua đó cho thấy, tinh thần chủ động, trách nhiệm, nỗ lực đổi mới trong hoạt động của Quốc hội Khóa XV đã thẩm thấu sâu rộng đến hoạt động của cơ quan dân cử địa phương.

Dấu ấn từ việc tăng cường đại biểu chuyên trách

Tại Hội nghị, phát biểu tham luận của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội với nội dung trọng tâm là Hoạt động giám sát của HĐND thành phố trong điều kiện thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố và Nghị quyết số 160/2021/QH14 ngày 8.4.2021 của Quốc hội về việc thí điểm bố trí chức danh đại biểu chuyên trách của HĐND thành phố thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu. Bởi, liên quan đến việc triển khai thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và tăng cường số lượng đại biểu chuyên trách - một yếu tố quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động của HĐND, nhất là hoạt động giám sát.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Tuyên Quang Lê Thị Thanh Trà phát biểu tại hội nghị

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Tuyên Quang Lê Thị Thanh Trà phát biểu tại hội nghị

Ảnh: Lâm Hiển

Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà: Nhiệm kỳ 2021 - 2026, thành phố Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị (có hiệu lực từ ngày 1.1.2021) với nhiều quy định mới, đặc thù về tổ chức bộ máy và hoạt động của chính quyền các cấp. Theo đó, thành phố Hà Nội thí điểm không tổ chức HĐND ở các phường; một số nhiệm vụ trước đây thuộc thẩm quyền của HĐND phường, nay là thẩm quyền và nhiệm vụ của HĐND quận, thị. Đồng thời, ngày 8.4.2021, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 160/2021/QH14 về thí điểm bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội, số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách được bố trí tối đa 19 người, là số lượng cao nhất từ trước đến nay. Hà Nội đang là địa phương được Trung ương và Thành ủy quan tâm bố trí số lượng đại biểu chuyên trách nhiều nhất.

Để nâng cao chất lượng hoạt động nói chung, hoạt động giám sát nói riêng khi triển khai thực hiện mô hình chính quyền đô thị, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026, Đảng đoàn, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đã tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Đề án “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại thành phố Hà Nội”. Trong đó, rất chú trọng phát huy vai trò của đội ngũ đại biểu chuyên trách HĐND thành phố và tăng cường giám sát của HĐND tại các địa phương không tổ chức HĐND phường. Đặc biệt, trong điều kiện Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 97 của Quốc hội, Thường trực HĐND tiếp tục chỉ đạo thực hiện nhiều đổi mới nhằm nâng cao chất lượng và mở rộng hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu HĐND thành phố xuống tới cơ sở, nhất là ở các địa bàn không tổ chức HĐND phường.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà nhấn mạnh: kết quả giám sát của HĐND thành phố Hà Nội có dấu ấn và vai trò quan trọng của đội ngũ đại biểu chuyên trách. Số lượng đại biểu chuyên trách được bố trí như hiện nay, cùng với việc phân công, bố trí từng đại biểu chuyên trách theo dõi từng nhóm nội dung với từng lĩnh vực cụ thể đã giúp hoạt động giám sát bảo đảm sâu, rộng, cụ thể, chuyên nghiệp hơn, theo đến tận cùng vấn đề.

Tác động, thẩm thấu lớn qua giám sát chuyên đề bằng hình ảnh

Cũng liên quan đến hoạt động giám sát, chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng giám sát chuyên đề của HĐND cấp tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Tuyên Quang Lê Thị Thanh Tràcho biết:giám sát chuyên đề bằng hình ảnh luôn được Thường trực HĐND tỉnh quan tâm tạo mọi điều kiện và khuyến khích các Ban HĐND tỉnh thực hiện, đã có tác động trực tiếp đến đối tượng giám sát và các cơ quan, đơn vị liên quan, làm tăng hiệu quả giám sát. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: giám sát chuyên đề bằng hình ảnh có lợi thế nổi trội là cùng với báo cáo bằng văn bản, lời bình, hình ảnh minh họa là sự phản ánh trực quan và sinh động những điểm mà văn bản và lời nói không thể mô tả hết được, do vậy có tác động và thẩm thấu rất lớn. Những năm gần đây, mỗi năm có ít nhất một cuộc giám sát bằng hình ảnh của HĐND, Thường trực hoặc Ban của HĐND tỉnh Tuyên Quang mang lại hiệu quả thiết thực.

Cùng với chia sẻ những kinh nghiệm lựa chọn nội dung, tổ chức giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lâm Thị Hương Thành đã minh chứng cho hiệu quả hình thức giám sát này bằng việc đưa ra kết quả sau hơn 3 tháng thực hiện kết luận của Thường trực HĐND tỉnh tại phiên giải trình tháng 9.2011 về công tác quản lý nhà trọ trên địa bàn tỉnh. Theo đó, công tác quản lý nhà nước đã có chuyển biến rất rõ nét: Tỉnh ủy có nghị quyết về xây dựng nhà ở xã hội dành cho công nhân, UBND tỉnh ban hành Đề án thực hiện nghị quyết, Công an tỉnh triển khai phần mềm quản lý nhà trọ giúp cho công tác kiểm soát, truy vết rất nhanh, tiện lợi… Hiện nay, tỉnh Tuyên Quang có chủ trương chung khi phê duyệt quy hoạch các khu đô thị, khu dân cư lớn đều phải bảo đảm dành tối thiểu 30% diện tích cho xây dựng các công trình nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp trong giai đoạn tới.

Chủ động tiếp cận sớm tài liệu, hồ sơ thẩm tra 3 lần

Chia sẻ về đổi mới trong hoạt động thẩm tra, Phó Chủ tịchHĐNDtỉnh Vĩnh PhúcNguyễn Trung Hải cho biết việc Thường trực HĐND đổi mới phân công các Ban chủ động tiếp cận sớm tài liệu, hồ sơ và thẩm tra 3 lần có tác dụng kiểm định, sàng lọc, chốt chặn ngay từ ban đầu. Đối với các nội dung không bảo đảm cơ sở pháp lý và căn cứ thực tiễn hoặc không thuộc thẩm quyền của HĐND, không bảo đảm tính khả thi, chưa bố trí được nguồn lực, chuẩn bị chưa kỹ lưỡng, báo cáo Ban Thường vụ cấp ủy không thông qua, đồng thời làm căn cứ để Thường trực HĐND quyết định không đưa vào chương trình kỳ họp.

Cụ thể, lần 1: khi UBND gửi hồ sơ đề nghị Thường trực HĐND xem xét chấp thuận đề nghị xây dựng nghị quyết, Thường trực HĐND phân công các Ban nghiên cứu, đề xuất (Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 không quy định). Lần 2: Trước khi báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Huyện ủy Ban cán sự Đảng UBND gửi hồ sơ để Đảng đoàn HĐND cấp tỉnh, huyện chỉ đạo Thường trực HĐND giao các Ban theo lĩnh vực để thẩm tra sơ bộ. Khi Ban thẩm tra sơ bộ xong, Thường trực HĐND nghe Ban báo cáo kết quả, trên cơ sở đó Thường trực HĐND chuẩn bị nội dung giúp Đảng đoàn báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Huyện ủy cho ý kiến về nội dung trình tại kỳ họp. Lần 3: Thường trực HĐND giao cho Ban thẩm tra chính thức chuẩn bị trình kỳ họp HĐND.

PHƯƠNG NGUYÊN

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tinh-than-chu-dong-trach-nhiem-no-luc-doi-moi-uhsyxy4ne8-80120