Tinh thần cống hiến

Triết gia Benjamin Spoc từng nói: 'Con người hạnh phúc nhất và thành công nhất khi cống hiến vì một mục đích nằm ngoài sự thỏa mãn ích kỷ cá nhân'. Điều này có nghĩa, mỗi con người, khi đã trở thành một phần của lịch sử, xã hội, thế giới, sẽ không chỉ biết sống cho riêng mình mà còn phải biết thể hiện nghĩa vụ, trách nhiệm sẻ chia, hành động,…với cộng đồng. Người ta gọi đó là tinh thần cống hiến!

Tuổi trẻ Đà Nẵng với khát khao dấn thân, cống hiến (ảnh minh họa). ảnh: M.V

Tuổi trẻ Đà Nẵng với khát khao dấn thân, cống hiến (ảnh minh họa). ảnh: M.V

Tinh thần cống hiến là tự nguyện, tự giác đem tài năng, trí tuệ, công sức của mình để tạo ra những giá trị tốt đẹp, đóng góp vì lợi ích chung. Mỗi người trên hành trình đời mình phải tự nỗ lực làm việc và sống hữu ích với lý tưởng cao đẹp, với hành động cao cả; phải biết “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình” (Tố Hữu).

Tinh thần cống hiến được biểu hiện trên nhiều phương diện của đời sống. Là sự nỗ lực học tập, rèn luyện, trau dồi bản thân; sống có ước mơ, hoài bão, lý tưởng. Là tham gia tích cực vào các hoạt động tình nguyện, thiện nguyện, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ mọi người. Là biết hy sinh cái tôi cá nhân, sống vì tập thể, vì lợi ích chung… Đúng như ai đó đã nói rằng: “Con người trở nên vĩ đại theo mức độ họ làm cho đồng loại hạnh phúc”.

Tinh thần cống hiến giúp mỗi người sống đẹp và được tôn vinh, ngợi ca giữa biển đời. Khi đất nước có chiến tranh, người người tự nguyện xông pha trận mạc, xả thân bảo vệ quê hương đất nước. Khi đất nước thái bình, hãy để bàn tay mình mở rộng, đôi chân mình dám bước, nụ cười mình luôn nở trên môi,… dù nơi đầu sóng ngọn gió hay biên ải xa xôi,… Nếu có khát vọng cống hiến lớn lao, mãnh liệt, thành công nhất định sẽ đến!

Tinh thần cống hiến là nền tảng của sự đoàn kết. Một khi sự cống hiến được lan tỏa, tất yếu đất nước sẽ hùng cường, ấm no, tươi đẹp. Nhờ thế hệ cha anh đã đổ bao xương máu, chúng ta mới có được cuộc sống bình yên, tốt đẹp như ngày hôm nay. Thế nên, “Đừng tìm mọi cách để hưởng thụ mà hãy tìm mọi cách để cống hiến”. Vì cống hiến còn thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Và, đất nước ngày một văn minh, tiến bộ thì giá trị của mỗi cá nhân cũng sẽ được nâng cao.

Tinh thần cống hiến giúp mỗi người quên đi lợi ích cá nhân, sự ích kỷ; tự giác, chủ động đem tài năng, công sức phục vụ cho lợi ích lớn lao, cao cả. Nếu ai ai cũng biết nghĩ đến cống hiến nhiều hơn hưởng thụ, chắc chắn những cống hiến mà chúng ta đã làm sẽ mãi trường tồn, luôn được khắc ghi.

Đặc biệt, tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội, là tương lai của đất nước. Chính vì vậy, mỗi bạn trẻ hãy “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta/ Mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay” (Vũ Hoàng). Tinh thần cống hiến của thế hệ trẻ vừa là trách nhiệm đối với quê hương, đất nước vừa giúp họ khẳng định được giá trị bản thân. Rất nhiều những tấm gương trẻ: trên các lĩnh vực học tập, khoa học sáng tạo, lao động sản xuất, quốc phòng, an ninh trật tự,… đã, đang ngày đêm thầm lặng, không ngừng cố gắng, cống hiến sức mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, cũng còn nhiều người, trong đó có giới trẻ chỉ lo hưởng thụ; sống lười biếng, dựa dẫm, ỷ lại; thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội.

Thiết nghĩ, “Đời người được đo bằng tư tưởng và hành động chứ đâu phải được tính bằng thời gian” (Mô-ri-sơn). Vì thế, ta hãy cống hiến bằng cả trái tim, cháy hết mình khi còn có thể! Bởi đó là lẽ sống cần có ở mỗi người. Xanh Nguyên

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/tinh-than-cong-hien-post275536.html