Tinh thần hiến tặng

Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11) năm nay tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa diễn ra như thường lệ, với một phần rất cảm động đó là: Tiếp nhận hiện vật hiến tặng từ người dân.

Đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bảo tàng tỉnh tiếp nhận hiện vật do các cá nhân hiến tặng tại tọa đàm kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam năm 2024.

Đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bảo tàng tỉnh tiếp nhận hiện vật do các cá nhân hiến tặng tại tọa đàm kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam năm 2024.

Tôi từng có mặt nhiều lần trong những không gian hiến tặng ấy, và điều cảm nhận được là thứ tinh thần toát lên từ người hiến tặng. Trong số người hiến tặng có những gương mặt khá quen. Họ đã bước lên bục hiến tặng ấy nhiều hơn một lần.

Từng có một câu hỏi chạy mãi trong đầu tôi là vì sao những người hiến tặng kia có thể làm được cái việc mà nhiều người chưa làm được. Họ làm vì điều gì. Vì tình yêu di sản, hay để cái tên của mình được nhiều người biết đến?

Cho đến khi quan sát kỹ, nghe những lời nói mộc mạc từ chính họ trong phần giao lưu, tôi mới có câu trả lời.

Hiến tặng hiện vật với họ là vì trách nhiệm với cộng đồng, vì tương lai di sản, chứ đâu phải vì để được tôn vinh, khen thưởng, để đứng trên bục cao giữa rất đông người nhận về tấm giấy ghi nhận, và sau nữa treo lên giữa gian phòng khách tư gia.

Những cá nhân tự nguyện hiến tặng hiện vật cũng chính là hiến tặng phần vật chất, vì nhiều hiện vật khá có giá trị nếu chúng được trao đổi trên thị trường. Họ đang chung sức để di sản văn hóa được phát huy giá trị cao hơn, bảo tàng trở thành một thiết chế văn hóa, điểm đến hấp dẫn hơn.

Trên những khuôn mặt bình dị, chất phác của người hiến tặng không có gì đặc biệt, nhưng hơn tất cả, ở họ luôn có một tấm lòng và tình yêu di sản.

Chúng ta đều biết, khi mà cổ vật ngày càng có giá trị, nhiều người khư khư cất giữ cho riêng mình khiến cố vật “chết mòn” nơi đáy rương, thì đây rõ ràng không chỉ là việc hiến tặng thông thương, mà chính là sự hiến tặng có thể nói là phi thường. Chỉ khi con người ta biết nghĩ cho cộng đồng, họ mới làm như thế.

Quy định của pháp luật cho phép việc mua bán cổ vật, nhất là bảo tàng được mua hiện vật để phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bầy. Nhưng nếu chỉ trông đợi vào những đồng tiền ngân sách theo kế hoạch thì rất khó để báo tàng có được cơ số hiện vật đảm bảo tốt nhất cho công tác nghiên cứu, trưng bày.

Đánh thức trách nhiệm, tinh thần hiến tặng hiện vật của người dân cho bảo tàng trong những năm qua được Bảo tàng Thanh Hóa làm tốt rồi. Tinh thần ấy cần được làm tốt hơn nữa để lan tỏa, nhân lên tinh thần hiến tặng trong cộng đồng, để hiện vật được phát huy giá trị cao nhất.

Hạnh Nhiên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/tinh-than-hien-tang-231267.htm