Tinh thần Ngày Quốc tế lao động 1/5 bất diệt
Ngày Quốc tế Lao động 1/5 là ngày kỷ niệm và Ngày hành động của phong trào công nhân và người lao động trên toàn cầu. Ngày 1/5, Ngày Quốc tế lao động cũng là dịp nghỉ ngơi, để người lao động trở lại với công việc một cách nhiệt thành, đầy sáng tạo như tinh thần bất diệt, trường tồn của ngày nghỉ lễ đặc biệt này.
Ngày 1/5 bắt nguồn từ thành phố công nghiệp lớn Chicago, Mỹ
Năm 1886, tại thành phố công nghiệp lớn Chicago, Đại hội Liên đoàn Lao động Mỹ thông qua Nghị quyết nêu rõ: "...Từ ngày 1/5/1886, ngày lao động của tất cả các công nhân sẽ là 8 giờ". Sở dĩ ngày 1/5 được chọn bởi đây là ngày bắt đầu một năm kế toán tại hầu hết các nhà máy, xí nghiệp ở Mỹ. Vào ngày này, hợp đồng mới giữa thợ và chủ sẽ được ký. Giới chủ tư bản có thể biết trước quyết định của công nhân mà không thể kiếm cớ chối từ.
Ngày 1/5/1886, do yêu cầu của công nhân không được đáp ứng một cách đầy đủ, giới công nhân trên toàn nước Mỹ đã tham gia bãi công nhằm gây áp lực buộc giới chủ thực hiện yêu sách của mình. Đầu tiên là cuộc bãi công tại thành phố Chicago. Khoảng 40 nghìn người đến nhà máy tổ chức mit-tinh, biểu tình trên thành phố với biểu ngữ "Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi!" Cuộc đấu tranh lôi cuốn ngày càng đông người tham gia. Ngày 1/5 được xem là ngày mừng thắng lợi đã đạt được, nêu quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ mới và biểu lộ tình đoàn kết với những người lao động các nước khác. Ngày 1/5 cũng là ngày biểu dương cho lực lượng lao động, đấu tranh cho hòa bình, dân chủ, tiến bộ xã hội.
Ngày nay, Ngày Quốc tế Lao động 1/5 là ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động nước ta, ngày đoàn kết giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Ngày 1/5 ở Việt Nam
Sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời (1930), giai cấp công nhân Việt Nam đã lấy ngày 1/5 hằng năm làm ngày đỉnh cao của phong trào đấu tranh chống thực dân, đế quốc, giành độc lập - tự do - dân chủ, giành những quyền lợi kinh tế - xã hội. Trong thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám, việc kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5 phần nhiều phải tổ chức bí mật bằng hình thức treo cờ, rải truyền đơn. Năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận bình dân Pháp và Mặt trận dân chủ Đông Dương, ngày Quốc tế Lao động lần đầu tiên được tổ chức công khai tại Hà Nội, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Đặc biệt, ngày 1/5/1938, một cuộc biểu tình lớn gồm hàng chục ngàn người đã diễn ra ở khu Đấu xảo Hà Nội với sự tham gia của 25 ngành, giới: thợ hỏa xa, thợ in, nông dân, phụ nữ, người cao tuổi, nhà văn, nhà báo... Đây là cuộc mit-tinh lớn nhất trong thời kỳ vận động dân chủ (1936 - 1939), một cuộc biểu dương sức mạnh đoàn kết của nhân dân lao động do Đảng lãnh đạo. Nó đánh dấu một bước trưởng thành vượt bậc về nghệ thuật tổ chức và lãnh đạo của Đảng ta.
Sau khi giành được độc lập, ngày 18/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 22c/NV/CC quy định ngày 1/5 là một trong những ngày lễ chính thức của nước ta. Ngày 29/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 56 quy định công nhân được hưởng lương ngày nghỉ lễ Quốc tế Lao động (1/5). Ngày 1/5/1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, ngày Quốc tế Lao động (1/5) được tổ chức kỷ niệm mít tinh trọng thể tại Hà Nội với sự tham dự của 20 vạn nhân dân lao động. Sau khi đất nước thống nhất cho đến nay, ngày Quốc tế Lao động 1/5 được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, coi là ngày đặc biệt quan trọng của công nhân và người lao động, ngày để biểu dương lực lượng và chăm lo xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước.
Ngày Quốc tế Lao động còn là ngày biểu thị tình đoàn kết hữu nghị với giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới, cùng đấu tranh cho thắng lợi của hòa bình, tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội. Đặc biệt đối với nước ta, kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5 càng có ý nghĩa khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kỷ niệm Ngày chiến thắng lịch sử 30/4. Đây là dịp giai cấp công nhân và nhân dân lao động cả nước cùng ôn lại truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Trong những năm qua, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn vượt qua mọi khó khăn, thử thách; chủ động sáng tạo, đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động để thu hút, tập hợp ngày càng đông đảo công nhân viên chức, lao động (CNVCLĐ) và hành động sát thực hơn, ý nghĩa hơn với vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ. Với những bước đi, hành động thiết thực, những chuyển biến mạnh mẽ và vững chắc trong những năm qua, hệ thống Công đoàn cả nước đã, đang và sẽ tiếp tục phát huy rõ vị trí, vai trò, chức năng là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động; là chỗ dựa vững chắc, tin cậy của cán bộ, đoàn viên với phương châm “Ở đâu công nhân khó, ở đó có công đoàn”.
Phát huy vai trò bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên

Công đoàn các cấp thực hiện tốt việc chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động.
Phát huy vai trò là người đại diện chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên, CNVCLĐ, các cấp công đoàn tỉnh Cao Bằng chủ động phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến quyền lợi của người lao động, tổ chức phát động phong trào thi đua trong CNVCLĐ, trọng tâm, là phong trào thi đua "Lao động giỏi", "Lao động sáng tạo" với mục tiêu: Năng suất, chất lượng, hiệu quả cao cùng với các phong trào thi đua: Tích cực học tập nâng cao trình độ mọi mặt; phong trào "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" trong nữ CNVCLĐ. Qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến, nhiều tập thể, cá nhân xuất sắc.
Tháng Công nhân - Tháng An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) hằng năm được các cấp công đoàn tỉnh đổi mới tổ chức các hoạt động và thực sự trở thành “Ngày hội công nhân lao động”, với nhiều nội dung thiết thực, ý nghĩa, có tác động tích cực đến toàn xã hội; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền ATVSLĐ, hằng năm, số lượt lao động được huấn luyện ATVSLĐ trên 2.000 người.
Hưởng ứng Tháng Công nhân năm 2025 với chủ đề "Công nhân Việt Nam tiên phong bước vào kỷ nguyên mới", Tháng hành động về ATVSLĐ với chủ đề "Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc". Để hưởng ứng và thực hiện tốt Tháng Công nhân, Tháng hành động về ATVSLĐ đạt hiệu quả, Liên đoàn Lao động tỉnh kêu gọi các cấp công đoàn tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng, như: Chương trình “Công nhân sáng tạo, vững bước vào kỷ nguyên mới”, “Cảm ơn người lao động”, tổ chức tháng cao điểm phát triển đoàn viên, thành lập cộng đoàn cơ sở, giới thiệu phát triển đảng viên trong công nhân; tổ chức đối thoại lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, để kịp thời định hướng dư luận, tháo gỡ, giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc, góp phần ổn định sản xuất, kinh doanh, phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách pháp luật đảm bảo quyền lợi của đoàn viên, người lao động.
Kỷ niệm 139 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2025), đoàn viên, người lao động và nhân dân tỉnh tích cực thi đua hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2025, hướng tới mục tiêu chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phấn đấu nâng mức tăng trưởng nhằm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025. Đồng thời, tiếp tục tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV; tập trung thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/tinh-than-ngay-quoc-te-lao-dong-1-5-bat-diet-3176817.html