Tỉnh thành nào 'đứng đầu' danh sách có tỉ số giới tính khi sinh cao nhất?

Trong danh sách của Bộ Y tế phê duyệt tại Quyết định số 3671/QĐ-BYT với 21 tỉnh thuộc nhóm 1 có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất, trên 112 bé trai/100 bé gái. Đây cũng là nhóm có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất.

Bộ Y tế ban hành Quyết định số 3671/QĐ-BYT về danh sách tỉnh, thành phố thuộc các vùng theo tỷ số giới tính khi sinh sử dụng để xây dựng Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2021-2025.

Quyết định 3671/QĐ-BYT ngày 2/8/2021 của Bộ Y tế ban hành có kèm theo danh sách tỷ số giới tính khi sinh của các tỉnh, thành phố với 3 nhóm sau.

Nhóm 1 có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất (trên 112 bé trai/100 bé gái) gồm 21 tỉnh, thành phố: Sơn La, Hưng Yên, Bắc Ninh, Kiên Giang, Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Nghệ An, Hải Dương, Ninh Bình, Lào Cai, Nam Định, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Lai Châu, Trà Vinh, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Bắc Kạn, Hòa Bình. Đây cũng là nhóm có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất, đơn cử như tỉnh Sơn La là 118,2 bé trai/100 bé gái; tỉnh Hưng Yên 118,1 bé trai/100 bé gái; tỉnh Bắc Ninh 117,7 bé trai/100 bé gái, Hà Nội 113 bé trai/100 bé gái…

Nhóm 2 có tỷ số giới tính khi sinh 109-112 bé trai/100 bé gái, gồm 18 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Bình Phước, Tuyên Quang, Sóc Trăng, Phú Thọ, Cao Bằng, Hà Nam, Quảng Ngãi, Thái Bình, Bến Tre, Bình Thuận, Quảng Trị, Bình Định, Hà Giang, Thừa Thiên Huế, Tiền Giang, Khánh Hòa, Đắk Lắk.

Nhóm 3 có tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái, gồm 24 tỉnh, thành phố: An Giang, Yên Bái, Đắk Nông, Lâm Đồng, Đồng Nai, Phú Yên, Tây Ninh, Hậu Giang, Ninh Thuận, Quảng Nam, Vĩnh Long, Bà Rịa - Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Bình, Điện Biên, Đà Nẵng, Cần Thơ, Cà Mau, Long An, Bạc Liêu, Đồng Tháp.

Bộ Y tế yêu cầu, các tỉnh, thành phố căn cứ vào danh sách đã được phê duyệt tại Quyết định này để xây dựng kế hoạch thực hiện đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2021-2025.

Trước tình hình mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam xảy ra ngày càng nhanh và nghiêm trọng, ngày 23/3/2016, Thủ tưởng Chính phủ ban hành Quyết định số 468/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025.

Hội nghị lần thứ Sáu, Khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 về công tác dân số trong tình hình mới. Nghị quyết nêu rõ "Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng" và đặt mục tiêu "đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên", "Đến năm 2030: Tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống".

Quan điểm và các mục tiêu chỉ đạo của Đảng đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên đã được cụ thể hóa và tổ chức thực hiện thông qua Quyết định số 1679/QĐ-TTg ngày 22/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030. Trong đó, đặt mục tiêu "đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên": "Đến năm 2030: Tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống". Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi sự nỗ lực của từng cá nhân, gia đình, cộng đồng và cả hệ thống chính trị, trong đó, truyền thông, giáo dục thay đổi nhận thức là giải pháp chính, lâu dài và quan trọng nhất.

Từ năm 2000 đến nay, tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam liên tục tăng và tốc độ khó kiểm soát. Đây là một vấn đề nóng của ngành dân số, như Nghị quyết Hội nghị T.Ư 6, khóa XII (Nghị quyết số 21-NQ/TW) về công tác dân số trong tình hình mới khẳng định: Mất cân bằng giới tính (MCBGTKS) tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng.

Tại Việt Nam, MCBGTKS tuy diễn ra muộn hơn các nước châu Á, nhưng tốc độ gia tăng rất nhanh. Tỷ số giới tính khi sinh tăng từ 106,2 bé trai/100 bé gái (năm 2000) lên 112,2 bé trai/100 bé gái (năm 2014); năm 2015, tỷ số này là 112,8 bé trai/100 bé gái, năm 2016 là 112,2 bé trai/100 bé gái, năm 2018 tỉ số bất ngờ tăng tới 114,8 bé trai/100 bé gái; Năm 2019 đã giảm xuống nhưng vẫn ở mức cao với tỷ số 111,5 bé trai/100 bé gái (số liệu thống kê chính thức cập nhật đến năm 2019).

Theo các chuyên gia lĩnh vực dân số, nếu tình trạng này vẫn tiếp tục gia tăng, dự tính đến năm 2026 Việt Nam sẽ có khoảng 1,38 triệu nam giới không tìm được vợ. Kéo theo đó là những hệ lụy tác động tiêu cực đến cuộc sống của cá nhân, gia đình và xã hội.

Tình trạng MCBGTKS đang diễn ra khá nghiêm trọng, không chỉ ở thành thị và cả khu vực nông thôn. MCBGTKS ở nước ta có nguồn gốc sâu xa là tình trạng bất bình đẳng giới, quan niệm cũ "trọng nam, khinh nữ" tồn tại và chi phối nếp nghĩ, nếp sống của người Việt cả nghìn năm qua.

Quan điểm chỉ đạo của Đảng đã được ghi trong Nghị quyết 21-NQ/TW: "Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.".

Trong mục tiêu của Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 cũng ghi rõ: "Đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, phấn đấu duy trì cơ cấu tuổi ở mức hợp lý. Trong đó, tỉ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống".

Vì vậy, để đạt mục tiêu đến năm 2030, tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái thì bên cạnh các giải pháp của cơ quan chuyên môn thì cũng rất cần có sự chung tay giải quyết của toàn xã hội.

T.H

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//tinh-thanh-nao-dung-dau-danh-sach-co-ti-so-gioi-tinh-khi-sinh-cao-nhat-169211117094422378.htm