Tình thế khó của FED

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thừa nhận lãi suất cao hơn sẽ gây ra một số thiệt hại nhưng không cho rằng suy thoái kinh tế sẽ xảy ra

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell từng cam kết thực hiện mọi biện pháp có thể để kiềm chế lạm phát đang ở mức cao. Dù vậy, làm thế có nguy cơ dẫn đến kịch bản mà FED muốn tránh: kinh tế rơi vào suy thoái.

Báo cáo mới về lạm phát hồi tháng 5-2022, theo đó chỉ số giá tiêu dùng tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021 (mức tăng cao nhất kể từ năm 1981), góp phần khiến FED quyết định tăng lãi suất cơ bản lên thêm 0,75 điểm % hôm 15-6.

Theo đài CNBC, đây là mức tăng lãi suất cao nhất kể từ năm 1994 và ông Powell còn báo hiệu về những lần tăng tương tự trong thời gian tới. Sau quyết định mới nhất, phạm vi lãi suất cơ bản hiện ở mức 1,5% - 1,75% và giới chức FED dự báo phạm vi này sẽ tăng lên 3,25% - 3,5% vào cuối năm nay.

FED đang hy vọng đạt được "hạ cánh mềm" (khiến lạm phát giảm còn 2% như mục tiêu đề ra mà không làm kinh tế "chệch bánh") nhưng điều này xem ra ngày càng gặp nhiều thách thức.

Mỗi lần tăng lãi suất đồng nghĩa chi phí vay cao hơn đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp. Mỗi lần người muốn vay thấy lãi suất cao, họ sẽ giảm chi tiêu, từ đó khiến niềm tin sụt giảm, tăng trưởng việc làm và sức khỏe kinh tế nói chung trở nên suy yếu. Lịch sử cũng cho thấy đây là nhiệm vụ không dễ. Theo AP, FED chưa từng chinh phục mục tiêu "hạ cánh mềm" kể từ giữa thập niên 1990.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell tại cuộc họp báo hôm 15-6Ảnh: Reuters

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell tại cuộc họp báo hôm 15-6Ảnh: Reuters

Bản thân FED thừa nhận lãi suất cao hơn sẽ gây ra một số thiệt hại nhưng không cho rằng suy thoái kinh tế sẽ xảy ra. Theo dự báo mới nhất của cơ quan này hôm 15-6, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 1,7% năm nay, giảm so với con số 2,8% được đưa ra vào tháng 3. Ngoài ra, tỉ lệ thất nghiệp trung bình là 3,7% vào cuối năm 2022.

Tại cuộc họp báo diễn ra cùng ngày, ông Powell bác bỏ nhận định FED khó tránh được chuyện suy thoái là cái giá phải trả để kiềm chế lạm phát.

Theo nghiên cứu được cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers và chuyên gia Alex Domash tại Trường ĐH Harvard (Mỹ) công bố vào tháng rồi, kể từ năm 1955, cứ mỗi lần lạm phát cao hơn 4% và tỉ lệ thất nghiệp giảm dưới 5%, kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong vòng 2 năm.

Mỹ hiện chứng kiến tỉ lệ thất nghiệp ở mức 3,6% trong lúc lạm phát hằng tháng cao hơn 8% kể từ tháng 3-2022. "Khi lạm phát ở Mỹ cao và tỉ lệ thất nghiệp thấp như hiện tại, suy thoái hầu như sẽ xảy ra trong vòng 2 năm" - ông Summers nhắc lại kết quả nghiên cứu trên khi trả lời phỏng vấn đài CNN hôm 12-6.

Nhìn chung, kinh tế Mỹ vẫn còn sức mạnh, nổi bật là thị trường việc làm đang bùng nổ. Năm ngoái, trung bình 545.000 việc làm được bổ sung hằng tháng trong lúc thất nghiệp hiện ở mức thấp nhất trong gần 50 năm. Ngoài ra, các hộ gia đình không còn mắc nợ như giai đoạn trước cuộc đại suy thoái 2007-2009. Các ngân hàng cũng không có những khoản cho vay rủi ro như lúc đó.

Dù vậy, ông Robert Tipp, chuyên gia của Công ty PGIM Fixed Income (Mỹ), nhận định nguy cơ suy thoái đang tăng do các con số lạm phát quá cao. Điều này khiến cho nỗ lực vừa kiềm chế lạm phát vừa tránh suy thoái của FED trở nên rủi ro hơn.

Nỗi lo bao trùm

Cuộc khảo sát mới của Trường ĐH Michigan (Mỹ) cho thấy nỗi lo lạm phát cao khiến chỉ số tâm lý người tiêu dùng giảm từ 58,4 trong tháng 5 còn 50,2 vào đầu tháng 6. Theo đài CNN, đây là mức thấp nhất kể từ khi dữ liệu này bắt đầu được thu thập từ tháng 11-1952.

Theo Giám đốc khảo sát người tiêu dùng Joanne Hsu của Trường ĐH Michigan, kết quả khảo sát cho thấy nhiều người đánh giá tình hình tài chính của bản thân đã xấu đi đáng kể và điều này đóng góp nhiều vào sự sụt giảm của chỉ số tâm lý người tiêu dùng. Đáng chú ý, khoảng 46% người tiêu dùng được khảo sát cho rằng lạm phát phải chịu trách nhiệm cho sự sụt giảm nói trên, tăng so với mức 38% trong tháng 5.

Trong khi đó, kết quả cuộc khảo sát được Hiệp hội Các nhà sản xuất quốc gia Mỹ (NAM) công bố ngày 15-6 cho thấy 59% nhà lãnh đạo sản xuất cho rằng áp lực lạm phát đang khiến suy thoái có khả năng xảy ra trong năm tới. Ngoài ra, 75% nhà sản xuất cho rằng áp lực lạm phát hiện tồi tệ hơn 6 tháng trước, với 54% cho rằng giá cao hơn khiến việc duy trì cạnh tranh và lợi nhuận trở nên khó khăn hơn.

Cũng theo khảo sát, thách thức kinh doanh hàng đầu được giám đốc điều hành các tập đoàn sản xuất chỉ ra là chi phí nguyên liệu thô tăng (90% người được hỏi đề cập). Trong khi đó, các nguồn chủ yếu gây ra lạm phát là giá nguyên vật liệu (97% người được hỏi đề cập), chi phí vận tải và hàng hóa (84%), tiền lương và tiền công (80%), chi phí năng lượng (56%) và thiếu lao động (49%).

Ông Jay Timmons, Giám đốc điều hành của NAM, cho rằng không thể phủ nhận xung đột Nga - Ukraine đã làm gia tăng chi phí năng lượng và lương thực, trong lúc thâm hụt chi tiêu của chính phủ liên bang Mỹ cũng góp phần làm tăng lạm phát. NAM kêu gọi các nhà lập pháp kiềm chế áp đặt các loại thuế mới và tập trung vào việc giảm áp lực nguồn cung.

Anh Thư

HOÀNG PHƯƠNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/tinh-the-kho-cua-fed-20220616203034941.htm