Tính toán cung ứng cát đủ và đúng quy định cho dự án cao tốc
Trong bối cảnh cát đang khan hiếm, tỉnh Đồng Tháp nỗ lực tính toán cung ứng cát phục vụ thi công dự án cao tốc trong và ngoài tỉnh. Địa phương có những đề xuất, kiến nghị tháo gỡ khó khăn, nhất là vấn đề liên quan đến trình tự thủ tục khai thác mỏ nhằm sớm cung cấp đủ khối lượng cát và đúng quy định.
Cung cấp khoảng 4 triệu m3 cát trong năm 2023
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, tổng khối lượng cát mà Đồng Tháp cung ứng cho 2 dự án đường cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau và Cao Lãnh - An Hữu là hơn 10,5 triệu m3. Riêng năm 2023, tỉnh cung ứng cát cho 2 dự án nói trên với tổng khối lượng dự kiến 4 triệu m3, trong đó, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu là 0,7 triệu m3, cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau là 3,3 triệu m3.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Đồng Tháp rất chủ động và nghiêm túc trong việc cung ứng cát cho dự án cao tốc; thực hiện chặt chẽ trình tự thủ tục khai thác cát. Ông Phạm Thiện Nghĩa cam kết tỉnh Đồng Tháp sẽ thực hiện nghiêm túc, cung ứng đủ khối lượng cát cho công tình cao tốc theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Nếu thiếu thì địa phương cố gắng tìm những nguồn khác, chia sẻ với các nguồn trong tỉnh để đáp ứng được nhu cầu thi công cao tốc.
Đối với dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, UBND tỉnh Đồng Tháp đã dự kiến 3 mỏ cát phục vụ cung ứng cát cho dự án. Đó là mỏ cát thuộc xã Tân Thuận Đông, thành phố Cao Lãnh và xã Mỹ An Hưng A, Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò; mỏ cát trên nhánh sông Tiền thuộc xã Long Khánh A, xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự và phường An Lạc, thành phố Hồng Ngự; mỏ cát trên sông Tiền thuộc xã An Hiệp và An Nhơn, huyện Châu Thành. UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương thực hiện các thủ tục để đưa vào khai thác cung ứng cho dự án.
Để đáp ứng nhu cầu cát ngay trong tháng 9 và tháng 10/2023 cho dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, trên cơ sở rà soát đề xuất của Sở Giao thông Vận tải, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và Tổ Điều phối cát của tỉnh, UBND tỉnh Đồng Tháp đã xem xét, thống nhất chủ trương tạm điều chuyển 121.011 m3 cát (lần 1 là 51.011 m3, lần 2 là 70.000 m3) để ưu tiên cung ứng cho cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thi công san lấp một số hạng mục công trình.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn cho biết, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Đồng Tháp ưu tiên bố trí 7 triệu m3 cát cho cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau. Đến nay, Đồng Tháp đã cung ứng xong 371.000 m3; giới thiệu 6 mỏ cát cho nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù. Hiện, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận và các nhà thầu thi công đang phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện lập các hồ sơ, thủ tục khai thác theo cơ chế đặc thù.
Qua khảo sát, thực hiện thủ tục của nhà thầu, có 5/6 mỏ có chất lượng cát đáp ứng yêu cầu phục vụ thi công cao tốc với gần 3,5 triệu m3. Ngày 20/9/2023, UBND tỉnh đã bàn giao một mỏ cát tại thực địa (mỏ cát thuộc xã An Nhơn, huyện Châu Thành) để nhà thầu Tổng Công ty Xây dựng số 1 tiến hành khai thác. Còn lại 4 mỏ đã thông qua Hội đồng thẩm định trữ lượng, Hội đồng đánh giá báo cáo tác động môi trường, phấn đấu trong tháng 10/2023 hoàn thành thủ tục đưa vào khai thác.
Gỡ khó trong việc cung ứng cát
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp Hồ Thanh Phương cho hay, đối với 7 triệu m3 cát cung cấp cho cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau, trong đó năm 2023 là 3,3 triệu m3 và 2024 là 3,7 triệu m3 còn lại. Đến nay, Đồng Tháp đã cung cấp và chuẩn bị được nguồn cung cấp khoảng 3,9 triệu m3, còn thiếu 2,1 triệu m3. Đơn vị sẽ tham mưu UBND tỉnh giới thiệu thêm mỏ cát cho nhà thầu, đảm bảo đủ khối lượng. Việc này thực hiện áp dụng theo cơ chế đặc thù, Sở cố gắng phối hợp với các đơn vị liên quan để cấp giấy phép khai thác mỏ trong năm nay.
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá lại trữ lượng các mỏ cát hoặc giới thiệu những mỏ cát mới để giao nhà thầu khai thác theo cơ chế đặt thù theo quy định. Để tháo gỡ khó khăn, cung cấp đủ khối lượng cát được giao để phục vụ thi công cao tốc, UBND tỉnh Đồng Tháp đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cho khảo sát, tiến hành đánh giá sản tổng thể lượng cát và tác động môi trường trên các tuyến sông Tiền và sông Hậu để xác định sản lượng, chất lượng khoáng sản, có kế hoạch khai thác hợp lý, hiệu quả, bền vững.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn cho rằng, các cồn nổi, bãi bồi nếu được nạo vét sẽ giúp chỉnh trị dòng chảy, hạn chế sạt lở và cung ứng khối lượng cát rất lớn để phục vụ các công trình. Tuy nhiên, hiện nay, việc nạo vét các bãi bồi, cồn nổi, bao gồm: các bãi bồi, cồn nổi nằm ngoài quy hoạch khoáng sản của tỉnh; ngoài luồng đường thủy, luồng hàng hải và vùng nước đường thủy nội địa là chưa có quy định về trình tự thủ tục pháp lý.
Nhằm áp dụng thực hiện các dự án nạo vét đồng bộ, đảm bảo đúng quy định, UBND tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải có hướng dẫn cụ thể trình tự, các bước thực hiện nạo vét, chỉnh trị dòng chảy các bãi bồi, cồn nổi để hạn chế sạt lở, có kết hợp thu hồi sản phẩm nạo vét để cung ứng cho công trình. Cùng với đó là cho ý kiến cụ thể về phương thức thực hiện (đấu giá, đấu thầu, xét chọn nhà thầu đủ năng lực... hay hình thức cụ thể nào khác) để lựa chọn nhà thầu triển khai dự án nạo vét.
UBND tỉnh Đồng Tháp đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, ban hành quy chế phối hợp thực hiện và trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành liên quan, chủ đầu tư, nhà thầu và địa phương đối với các mỏ cát thực hiện theo cơ chế đặc thù; trong đó, làm rõ về trách nhiệm kiểm tra, giám sát sản lượng khai thác, cung ứng cát và thẩm quyền xử lý các sai phạm (nếu có) trong quá trình thực hiện.
Khoáng sản cát sau khi khai thác để cung ứng cho công trình cao tốc phải thực hiện nghĩa vụ thuế, phí theo quy định. Do đó, UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đã kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp các bộ, ngành liên quan hướng dẫn việc áp dụng cơ chế giá tại mỏ làm căn cứ xuất hóa đơn theo quy định.