Tính toán xây dựng đơn giá định mức các dự án đường sắt tốc độ cao
Trước thông tin việc Bộ Xây dựng nghiên cứu xây dựng đơn giá định mức các dự án đường sắt tốc độ cao, các chuyên gia cho rằng, cần cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng bởi đây là công nghệ mới, lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam.
Công nghệ tiên tiến chưa từng có
Năm 2025 và các giai đoạn tiếp theo, Chính phủ tập trung triển khai nhiều dự án hạ tầng, giao thông trọng điểm quốc gia, trong đó có dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng...
Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Xây dựng phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát, tháo gỡ vướng mắc về tính định mức và giá xây dựng.

Các chuyên gia cho rằng, cần rà soát những công nghệ, đơn giá định mức của nước ngoài để xây dựng đơn giá định mức cho các dự án đường sắt tốc độ cao.
Tại phiên họp thứ hai Ban Chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND TP Hà Nội và TP.HCM hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị quyết triển khai Nghị quyết số 188/2025/QH15 của Quốc hội; chủ trì xây dựng, ban hành đầy đủ hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng cho các dự án đường sắt.
Trao đổi với PV Báo Xây dựng, ông Nguyễn Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: Đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao là các dự án gắn với yếu tố công nghệ, lần đầu tiên được triển khai tại nước ta.
Để có cơ sở thực hiện, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thu thập dữ liệu định mức, đơn giá, suất vốn đầu tư xây dựng, dữ liệu chi phí công trình xây dựng của các dự án đường sắt tương tự trên thế giới để nghiên cứu, so sánh đối chiếu đối với các quy định của Việt Nam.
Theo đó, tính toán quy đổi làm cơ sở tham khảo, phục vụ lập tổng mức đầu tư, dự toán gói thầu các dự án đường sắt đã được Quốc hội ban hành Nghị quyết về cơ chế đặc thù.
"Bộ giao nhiệm vụ cho Viện Kinh tế xây dựng rà soát những công nghệ, đơn giá định mức của nước ngoài. Do đây là dự án lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam nên cần có sự rà soát, nghiên cứu, nếu phù hợp có thể vận dụng để xác định chi phí trong tổng mức đầu tư, dự toán gói thầu. Viện cũng vừa nhận tài liệu từ Cục đường sắt Việt Nam, Ban Quản lý dự án đường sắt và đang rà soát, sau đó có báo cáo tổng thể báo cáo lãnh đạo Bộ", ông Nguyễn Phạm Quang Tú cho hay.
Đề xuất Chính phủ lựa chọn công nghệ phù hợp
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp (Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam - VACC), Bộ Xây dựng nên nghiên cứu đổi mới toàn diện hệ thống quản lý chi phí, không ban hành định mức dự toán chi tiết như hiện nay mà xây dựng hệ thống định mức đơn giá tổng hợp để xác định giá gói thầu, tổng dự toán, tổng mức đầu tư.
"Đơn giá tổng hợp cơ bản gần giống với suất đầu tư và các quốc gia trên thế giới hiện cũng áp dụng hình thức này", ông Hiệp nhấn mạnh.
Theo ông, với dự án đường sắt tốc độ cao, đây là dự án đầu tiên Việt Nam triển khai, nên chưa có công nghệ, chưa có tiêu chuẩn. Nếu quản lý chi phí theo cách cũ sẽ không đủ thời gian để xây dựng định mức chi tiết vì có quá nhiều công nghệ mới, tiêu chuẩn mới…

Bộ Xây dựng tiếp tục sửa đổi, bổ sung một số đơn giá định mức liên quan đến lĩnh vực đường sắt.
Chia sẻ về thực tế đơn giá định mức đối với lĩnh vực đường sắt, ông Nguyễn Trọng Hoàng, chuyên viên Cục đường sắt Việt Nam cũng cho rằng, hiện một số định mức liên quan đến lĩnh vực đường sắt còn thiếu, các đơn vị chuyên môn vẫn tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung cho phù hợp.
Hiện Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung một số định mức xây dựng ban hành tại Thông tư số 12/2021/TT-BXD, trong đó có một số định mức liên quan đến thi công đường sắt, kỳ vọng đây sẽ là bước đệm quan trọng để hoàn thiện khung pháp lý về đơn giá, định mức đối với lĩnh vực này.
TS Trần Bá Việt, nguyên Phó Viện trưởng Viện khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng), Phó Chủ tịch Hiệp hội Bê tông Việt Nam cho rằng, về đường sắt tốc độ cao nên nghiên cứu, xem xét theo suất vốn đầu tư của Trung Quốc cho từng hạng mục công trình, có thể tham khảo suất vốn đầu tư của đường sắt tốc độ cao Jacarta- Bang Đung mới khánh thành năm 2024, do Trung Quốc tài trợ 140km.
Ông Việt cũng cho rằng, các hạng mục càng chi tiết càng tốt, ví dụ như các phần ray, đầu tầu, toa tầu, điều khiển, cung cấp điện, nhà ga...
"Về các định mức và suất vốn đầu tư hiện nay cần phải bổ sung gấp các giải pháp thi công cầu cạn tiên tiến như cầu cạn bản rỗng trên cọc ly tâm, một số nước như: Malaysia, Trung Quốc, Ấn Độ đã làm, chúng ta cần phải có thực tế nghiên cứu, học tập ngay", ông Việt đề xuất.
Theo KTS Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Hà Nội), trong thời gian ngắn, Việt Nam thực hiện nhiều dự án lớn, từ dự án đường sắt đô thị Hà Nội đến triển khai hàng trăm km đường sắt cao tốc như: Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Đây là "bước nhảy" lớn không chỉ riêng của ngành đường sắt mà toàn xã hội.
Ông Ánh lấy ví dụ thực tế từ Trung Quốc, khi 30 năm trước họ còn lạc hậu, nhưng đến nay ngành đường sắt đã phát triển vượt bậc. Trung Quốc cũng học những tiêu chuẩn kinh tế kỹ thuật, tài chính, phương pháp thực hiện của các nước phát triển trước đó như: Nhật Bản, Liên Xô hay các nước châu Âu.
"Từ những tích lũy trong giao dịch quốc tế, các dự án vay vốn... Việt Nam có thể tổng hợp, tham khảo để xây dựng đơn giá, định mức phù hợp, đặc biệt chúng ta có con đường ngắn hơn là việc ứng dụng mô hình thông tin công trình (BIM) tích hợp. Qua hệ thống BIM, ta không chỉ thấy chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật mà còn nhìn được cả xuất xứ hàng hóa, tính chất cơ lý của từng chi tiết để tạo ra sản phẩm . Với tiêu chuẩn ISO 19650, có thể tìm ra được giá cả cạnh tranh của nhiều nhà thầu cung cấp sản phẩm với giá thành khác nhau. Đây là mô hình nhiều quốc gia trên thế giới đã tiếp cận. Với ý chí, quyết tâm của Việt Nam, đúc kết từ kinh nghiệm từ quá khứ và quốc tế, tôi tin rằng, các nhà quản lý sẽ xây dựng được bộ đơn giá định mức phù hợp", KTS Trần Huy Ánh tin tưởng.