Tình trạng chậm trả trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục tăng, doanh nghiệp nặng gánh đáo hạn

Tỷ lệ chậm trả trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tiếp tục tăng cao khi nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với gánh nặng đáo hạn lớn và tổng số doanh nghiệp chậm trả đã lên tới 116 doanh nghiệp.

Báo cáo của Chứng khoán MBS cho thấy, trong nửa đầu tháng 7, tổng trị giá TPDN phát hành thành công giảm 82% so với tháng trước và giảm 38% so với cùng kỳ. Lũy kế từ đầu năm, tổng trị giá phát hành đạt hơn 148.700 tỉ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ.

Các đợt phát hành đáng chú ý gồm: VietinBank (3.000 tỉ đồng, kỳ hạn 120 tháng, lãi suất 6,1%); SHB (2.000 tỉ đồng, kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 6%) và HDBank (1.000 tỉ đồng, kỳ hạn 96 tháng, lãi suất 7,47%).

Việc các ngân hàng thương mại cổ phần đồng loạt đẩy mạnh phát hành trái phiếu được cho là nhằm củng cố nguồn vốn trung và dài hạn để đáp ứng nhu cầu vay của doanh nghiệp trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đạt 6% trong 6 tháng đầu năm và dự báo sẽ tiếp tục tăng lên 14% trong những tháng cuối năm.

Tính từ đầu năm, ngân hàng vẫn là nhóm ngành có trị giá phát hành cao nhất với khoảng 96.200 tỉ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm tỷ trọng 65%, lãi suất bình quân gia quyền là 5,4%/năm, kỳ hạn bình quân 4 năm.

Xếp sau là nhóm ngành bất động sản với tổng trị giá phát hành đạt 32.600 tỉ đồng (cùng kỳ năm 2023 là 47.500 tỉ đồng), tỷ trọng 22%. Lãi suất bình quân gia quyền của trái phiếu bất động sản ở mức 12%/năm, kỳ hạn bình quân là 2,7 năm.

Khối lượng TPDN sắp đáo hạn

Khối lượng TPDN sắp đáo hạn

Tính đến ngày 18.7, trị giá trái phiếu mua lại trước hạn ước tính khoảng 10.100 tỉ đồng, giảm 60% so với tháng trước. Lũy kế từ đầu năm đến nay, khoảng hơn 84.500 tỉ đồng TPDN đã được mua lại trước hạn, giảm 42% so với cùng kỳ.

Tỷ lệ chậm trả tiếp tục tăng nhanh khi nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với gánh nặng đáo hạn lớn. Tháng 7.2024 ghi nhận thêm 3 doanh nghiệp công bố chậm thanh toán gốc khiến cho tổng số chậm trả lên tới 116 doanh nghiệp.

Hiện tại, tổng trị giá TPDN chậm các nghĩa vụ thanh toán ước vào khoảng 209.800 tỉ đồng, chiếm 21% dư nợ TPDN của toàn thị trường, trong đó nhóm ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 68% trị giá chậm trả.

Ước tính có khoảng hơn 95.300 tỉ đồng trái phiếu sẽ đáo hạn trong 6 tháng cuối năm, trong đó chủ yếu đến từ nhóm ngành bất động sản với trị giá TPDN đáo hạn lên đến hơn 61.900 tỉ đồng, chiếm 65% tổng trị giá đáo hạn.

Theo FiinRatings, sau giai đoạn thị trường TPDN có nhiều biến động mạnh vào cuối năm 2022, có những giao dịch trái phiếu của các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính đã có lợi suất đáo hạn (YTM) rất cao, từ 20-30%, trong một vài trường hợp đặc biệt có mức YTM đã tăng lên hơn 50%.

Các giao dịch này chủ yếu xảy ra tại các trái phiếu bất động sản với thanh khoản nhỏ (

Trong giai đoạn nửa cuối năm 2023 tới nay, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã gặp khó khăn về thanh khoản khi thị trường chung diễn biến không thuận lợi. Do vậy, đã có những TPDN được giao dịch với mức lợi suất có thể lên tới 20-25%.

Điều này cũng phần nào phản ánh mức khẩu vị rủi ro tương xứng của những nhà đầu tư đã mua vào, khi các giao dịch này thường diễn ra ở các trái phiếu doanh nghiệp có mức xếp hạng tín nhiệm ở mức rất thấp. Đây thường là các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc triển khai dự án. Trong khi đó, áp lực tài chính với họ là tương đối lớn trong khoảng 12-18 tháng tiếp theo, và khả năng tái tài trợ hoặc huy động vốn mới gặp nhiều thách thức.

Doanh nghiệp gặp áp lực đáo hạn trái phiếu lớn

Doanh nghiệp gặp áp lực đáo hạn trái phiếu lớn

Mới đây, VIS Rating cũng đưa ra ước tính có đến khoảng 60% trong 9 nghìn tỉ đồng trái phiếu đáo hạn có nguy không trả được nợ gốc đúng hạn trong tháng 7.

“Trong 12 tháng tới, khoảng 18% trái phiếu đang lưu hành với tổng trị giá là 207 nghìn tỉ đồng sẽ đáo hạn. Chúng tôi ước tính 27% trái phiếu có rủi ro không trả được nợ gốc đúng hạn chủ yếu ở các ngành bất động sản dân cư và xây dựng. 65% trong số trái phiếu này đã chậm trả lãi trái phiếu trước đó”, VIS Rating dự báo.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, những năm gần đây, bên cạnh vốn tín dụng, TPDN được kỳ vọng sẽ trở thành kênh dẫn vốn chính của doanh nghiệp kinh doanh BĐS, góp phần san sẻ, giúp doanh nghiệp đỡ bị phụ thuộc vào ngân hàng.

Tuy nhiên, năm 2022 một số ồn ào liên quan đến cam kết trả nợ trái phiếu của các doanh nghiệp khiến niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo đó, thị trường TPDN rơi vào trạng thái “bi đát” và “đóng băng” trong quý 4/2022. Bước sang năm 2023, nhờ có Nghị định 08/2023/NĐ-CP, niềm tin vào thị trường TPDN dần được khôi phục. Nguồn vốn TPDN tính riêng trong lĩnh vực bất động sản đã tăng 18,3% (từ 7,7% năm 2022 lên 26% năm 2023).

Ở góc độ quản lý, để tiếp tục ổn định và phát triển thị trường TPDN, Bộ Tài chính cho biết thời gian tới bộ sẽ tiếp tục theo dõi tình hình thị trường TPDN, đặc biệt là việc triển khai phối hợp đồng bộ các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, phục hồi thị trường bất động sản; nâng cao chất lượng trên thị trường TPDN sẽ hỗ trợ để thị trường phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững hơn.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tinh-trang-cham-tra-trai-phieu-doanh-nghiep-tiep-tuc-tang-doanh-nghiep-nang-ganh-dao-han-220940.html