Tình trạng chênh lệch lớn giữa điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ có đáng lo ngại?
Sau mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT, mức chênh lệch điểm thi và điểm học bạ lại dấy lên lo ngại sẽ tạo tiêu cực cho tình trạng 'làm đẹp' học bạ.
Vài năm trở lại đây, phương thức tuyển sinh dựa vào kết quả học bạ được đánh giá là giảm áp lực thi cử, tăng cơ hội trúng tuyến vào ĐH cho thí sinh. Tuy nhiên, sau mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT, mức chênh lệch điểm thi và điểm học bạ lại dấy lên lo ngại sẽ tạo tiêu cực cho "làm đẹp" học bạ.
Điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ có sự chênh lệch khá lớn
Ngoài kết quả điểm thi THPT 2022, Bộ GD&ĐT còn có dữ liệu đối sánh trung bình điểm học bạ từng môn của các địa phương để điều chỉnh việc dạy học ở các trường phổ thông. Kết quả đối sánh năm nay cho thấy, điểm số giữa thi tốt nghiệp và học bạ ở hầu hết các môn đều vênh nhau rất lớn. Đa số các địa phương dẫn đầu cả nước về điểm học bạ lại không có điểm thi cao nhất, thậm chí một số địa phương còn xếp ở vị trí cuối bảng.
Hà Nội là một trong số những địa phương dẫn đầu điểm trung bình học bạ với số điểm lần lượt là 8,25 và 8,38, nhưng kết quả điểm thi 2 môn này của học sinh Thủ đô lại ở thứ 58/63, với số điểm chênh theo thứ tự là 1,94 và 3,74 điểm. Tỉnh Bình Phước có điểm học bạ xếp thứ 14 nhưng điểm thi lại nằm cuối bảng. Đây được cho là điều bất bình thường nhất khi điểm học bạ vênh với điểm thi tới gần 3,8 điểm.
Theo Bộ GD&ĐT, việc có nhiều môn ở nhiều tỉnh/thành phố có chênh lệch giữa điểm thi với điểm học bạ cho thấy việc dạy học và kiểm tra, đánh giá trong trường phổ thông chưa tương đồng với thi tốt nghiệp THPT. Đặc biệt ở môn tiếng Anh và Lịch sử, khi có độ chênh lệch lớn.
Bộ GD&ĐT cho rằng, ở tỉnh nào kết quả còn thấp và có sự chênh lệch lớn thì cần tiếp tục điều chỉnh việc dạy học để nâng cao chất lượng. Sở GD&ĐT và các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh đó cũng cần điều chỉnh việc kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học bảo đảm sát hơn với năng lực của học sinh.
Nếu không kiểm soát được việc xét tuyển bằng học bạ sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực khác
Theo nhiều chuyên gia, kết quả đối sánh này không chỉ dừng ở việc giúp điều chỉnh dạy và học trong trường phổ thông, mà nó còn đặt ra những băn khoăn về chất lượng đầu vào ĐH. Điểm học bạ ngoài việc chiếm 30% điểm xét tốt nghiệp, còn là căn cứ để tuyển sinh CĐ, ĐH.
Nhiều ý kiến cho rằng, phương thức xét tuyển ĐH dựa vào kết quả học bạ sẽ không có sự công bằng và tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu giáo viên "nâng đỡ" cho học sinh của mình, thậm chí có thể xuất hiện tiêu cực trong việc "làm đẹp" học bạ. Hơn nữa, trong mùa tuyển sinh năm nay, phương thức xét tuyển này đang bộc lộ nhiều bất cập khi điểm chuẩn xét tuyển học bạ của nhiều trường ĐH tăng mạnh so với năm trước. Thậm chí, có thí sinh dù đạt đến 30 điểm bằng phương thức xét tuyển này nhưng vẫn trượt ĐH.
Nguyên nhân điểm chuẩn học bạ năm 2022 của các trường ĐH tăng là do số lượng hồ sơ nộp vào tăng, thí sinh có nhiều điểm cộng, điểm học bạ tăng cao, lượng thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế ngày càng nhiều,… nên điểm chuẩn phương thức xét tuyển học bạ cũng tăng mạnh.
TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho rằng, chuyện sửa, nâng điểm "làm đẹp" học bạ THPT, đặc biệt học bạ lớp 12, từ lâu đã dấy lên lo ngại trong dư luận. Việc xét tuyển ĐH bằng học bạ có thể khiến kết quả học tập của học sinh bị méo mó. Đặc biệt, khi các trường ĐH mở rộng cửa xét tuyển bằng học bạ, nếu không kiểm soát được sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực khác.
Còn GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội nhận định, kết quả kỳ thi có thể đánh giá được mức độ, năng lực học tập của học sinh trên toàn quốc.
Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, đánh giá chung bảng đối sánh trung bình điểm thi và học bạ cho thấy, với những địa phương như Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nam Định…, hầu hết các môn đều có phổ điểm rất tốt và tương đối sát với điểm học bạ. Trong khi đó, những vùng như Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, sự chênh lệch giữa điểm thi và điểm học bạ nhiều hơn.
"Điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ có sự chênh lệch, đối với từng môn học thì khoảng chênh lệch 1 điểm là khoảng cho phép, phù hợp. "Nhưng nếu 3 điểm trên 3 đầu môn thi trong một tổ hợp thì chênh lệch đến 3 điểm khác nhau. Như vậy, rõ ràng điểm thi và điểm xét học bạ là hai điểm hoàn toàn khác nhau. Do đó, sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào ĐH sẽ sát hơn và tốt hơn".
TS. Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, tình trạng chênh lệch lớn giữa điểm thi và điểm học bạ là đáng lo ngại. Bởi, thực tế, chất lượng dạy và học ở bậc phổ thông hiện nay chưa đồng đều, tình trạng quản lý lỏng lẻo, bệnh thành tích cao. Thế nên, việc xét tuyển bằng kết quả học bạ là phương thức chưa đủ độ tin cậy và tạo lòng tin với xã hội.
TS. Lê Viết Khuyến cũng cho rằng, 30 điểm học bạ vẫn chưa đỗ ĐH sẽ gây rối loạn về phương thức tuyển sinh, gây khó khăn cho các trường ĐH trong tuyển được thí sinh phù hợp. Tình trạng này nếu cứ tiếp diễn sẽ khiến chất lượng tuyển sinh trở nên tiêu cực, mất công bằng cho thí sinh.
Tỷ lệ tốt nghiệp THPT toàn quốc năm 2022 gần 99%
Thống kê của Bộ GD&ĐT cho biết, kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tiếp tục được duy trì và giữ ổn định so với năm 2021 với tỷ lệ tốt nghiệp 98,57%, đối với thí sinh hệ THPT đạt 99,16%.
Với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT trong những năm gần đây lên tới gần 100%, dư luận lại đặt câu hỏi: Vậy có còn cần thiết duy trì việc tổ chức kỳ thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT ở cấp quốc gia với nhiều tốn kém cả về kinh phí lẫn nguồn nhân lực từ TW đến địa phương nữa hay không?