Tình trạng dư cung dầu toàn cầu có thể kéo dài nếu kinh tế phục hồi yếu
Các tác động kinh tế của đại bệnh COVID-19, cũng như các biện pháp hạn chế đi lại và tình trạng thất nghiệp trên diện rộng đã góp phần khiến giá dầu giảm 45% kể từ đầu năm tới nay
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Dallas, ông Robert Kaplan, ngày 28/5 nhận định rằng tình trạng dư thừa dầu toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 có thể sẽ kéo dài đến năm 2021 hoặc lâu hơn nữa nếu nền kinh tế phục hồi yếu hơn dự đoán.
Trả lời phỏng vấn của hãng tin Reuters, ông Kaplan nói rằng có thể phải đến nửa cuối năm 2021, tùy thuộc vào tình hình tăng trưởng kinh tế, thế giới mới tiêu thụ hết lượng dầu dự trữ dư thừa trên toàn cầu hiện nay. Theo ông, nếu kinh tế tăng trưởng chậm hơn, tình trạng này sẽ có thể kéo dài đến năm 2022.
Các tác động kinh tế của đại bệnh COVID-19, cũng như các biện pháp hạn chế đi lại và tình trạng thất nghiệp trên diện rộng đã góp phần khiến giá dầu giảm 45% kể từ đầu năm tới nay, xuống thấp hơn cả chi phí sản xuất của nhiều công ty sản xuất dầu đá phiến.
Ông Kaplan dự đoán đến tháng 12/2020 sản lượng của các nhà sản xuất dầu khí Mỹ sẽ bị cắt giảm xuống chỉ còn 10,8 triệu thùng/ngày, thấp hơn năm ngoái khoảng 2 triệu thùng/ngày.
Các công ty năng lượng trung bình đã cắt giảm 1/3 chi tiêu năm 2020, cùng với xu hướng cắt giảm nhân công hàng loạt đang diễn ra trong ngành này. Trước đó, trong tháng này, nhà cung cấp dịch vụ Halliburton Co thông báo sẽ cắt giảm 22% nhân viên tại trụ sở chính của công ty, bên cạnh nhiều đợt cắt giảm khác tại các chi nhánh của công ty này trên khắp nước Mỹ.
Tập đoàn dầu mỏ lớn thứ hai của Mỹ Chevron Corp. ngày 27/5 cũng thông báo tới nhân viên về kế hoạch cắt giảm 15% lực lượng lao động của doanh nghiệp này trên toàn cầu trong những tháng tới.
Theo ông Kaplan, nhiều công ty nhỏ hơn và những doanh nghiệp có gánh nặng nợ lớn sẽ không thể tồn tại./.