Tình trạng liên đới CIC của MB hiện ra sao?

3 tháng đầu năm 2024, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB - Mã: MBB) lãi sau thuế hơn 4.600 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 3%, tỷ lệ liên đới CIC của ngân hàng có xu hướng tăng.

Tình trạng liên đới CIC của MB hiện ra sao?

Tại thời điểm 31/3/2024, tổng tài sản của MB đạt 900.647 tỷ đồng, giảm 4,7% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 0,7%, lên 615.317 tỷ đồng. Sự sụt giảm trong tổng tài sản do số dư tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN), chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư đều đi xuống.

So với thời điểm 31/12/2023, số dư chứng khoán kinh doanh mà MB nắm giữ đã giảm từ 44.251 tỷ đồng xuống 30.566 tỷ đồng. Phần lớn chứng khoán kinh doanh mà MB đang nắm giữ là chứng khoán nợ. Số dư chứng khoán đầu tư cũng giảm gần 10.000 tỷ đồng. Tính đến 31/3/2024, tiền gửi khách hàng tại MB đã giảm 1,5%, phát hành giấy tờ có giá giảm gần 19%.

Tại thời điểm 31/3/2024, nợ xấu tại MB tăng tới 56% so với đầu năm, lên mức 15.294 tỷ đồng. Do đó, kéo tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay tăng từ mức 1,6% đầu năm lên 2,49%. Trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm xuống dưới 100%, đạt 80% vào cuối quý I/2024.

Trong cơ cấu nhóm nợ xấu tại ngân hàng MB cho thấy, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) chiếm 40% tổng số dư nợ xấu, ghi nhận hơn 6.048 tỷ đồng, tăng đến 109%, tương đương tăng thêm hơn 3.000 tỷ đồng chỉ trong 3 tháng đầu năm. Nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng 26% lên mức 4.039 tỷ đồng. Nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) cũng tăng 41% lên hơn 5.207 tỷ đồng.

Đặc biệt, tốc độ gia tăng nợ nhóm 2 tại MB (nợ cần chú ý - với khoản vay quá hạn 10-90 ngày) đã chậm lại đáng kể, ghi nhận hơn 14.119 tỷ đồng.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Trong Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 diễn ra ngày 19/4 vừa qua, tại phần thảo luận, có cổ đông chất vấn tới ban lãnh đạo ngân hàng về vấn đề xử lý nợ xấu ảnh hưởng như thế nào khi Luật Các tổ chức tín dụng mới sắp được thi hành. Đặc biệt, tình trạng liên đới CIC của ngân hàng là bao nhiêu?

Chia sẻ tại sự kiện, Chủ tịch ngân hàng MB - ông Lưu Trung Thái cho biết: Nghị Quyết 42 đã hết hiệu lực, một số quy định cơ bản không được chuyển tiếp qua Luật Các tổ chức tín dụng mới. Có thể kể đến như quy trình rút gọn trong tố tụng hình sự không còn, tác động chung tới ngành là khó khăn hơn tới việc thu hồi nợ xấu, tài sản.

Riêng MB cũng sẽ có những cách ứng phó riêng, tuy nhiên quan trọng là lựa chọn khách hàng tốt và thực hiện quy trình cảnh báo nợ xấu. Tỷ lệ liên đới CIC của ngân hàng hiện khoảng 10 - 15% và có xu hướng tăng lên.

Theo tìm hiểu, CIC, hay còn được biết đến với tên gọi Trung tâm Thông tin Tín dụng, là một tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với chức năng thu thập, lưu trữ, phân tích, xử lý và dự báo thông tin tín dụng của cá nhân và tổ chức, nhằm hỗ trợ cho hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Ở một diễn biến có liên quan, ngày 7/5 vừa qua, Tạp chí điện tử MeKong Asean có đăng tải thông tin với nội dung "VietCap hé lộ lý do nợ xấu MB tăng mạnh".

Cụ thể, theo thông báo của Vietcap, tỷ lệ CASA của MB trong quý I/2024 giảm từ mức cao do tính chất thời vụ về thanh toán của một số doanh nghiệp, ngân hàng cũng đang sắp xếp huy động một số vốn nước ngoài.

NIM giảm do lãi suất cho vay giảm nhanh hơn chi phí huy động vốn tại MBB, ngân hàng duy trì lãi suất cho vay ở mức thấp để hỗ trợ khách hàng.

Đáng chú ý về chất lượng tài sản, Vietcap cho biết việc phân loại nhóm nợ theo CIC dẫn đến mức tăng khoảng 80 điểm cơ bản trong tỷ lệ nợ xấu quý I/2024, chủ yếu do một khách hàng doanh nghiệp quan trọng bị ngân hàng khác hạ xếp hạng.

“Khách hàng này vẫn có dòng tiền và đang duy trì thanh toán cho MBB. MBB cho biết đang làm việc với khách hàng này và ngân hàng liên quan để giải quyết và kỳ vọng nhóm nợ của khách hàng này có thể trở lại với mức cũ. MBB ước tính tỷ lệ nợ xấu vẫn có thể tiếp tục bị ảnh hưởng bởi phân loại lại theo CIC trong quý II/2024, khoảng 20 điểm cơ bản”, thông báo của Vietcap nêu rõ.

MB lạc quan về các khoản nợ tại nhóm doanh nghiệp lớn

Trong Đại hội đồng cổ đông thường niên ngân hàng năm nay, vấn đề dư nợ và chất lượng nợ của các khoản vay với Trung Nam lại trở thành điểm nóng được nhiều cổ đông chất vấn tới ban lãnh đạo.

Nguồn ảnh: Internet.

Nguồn ảnh: Internet.

Khi được cổ đông hỏi về khoản cho vay đối với khách hàng nhóm Trung Nam, Chủ tịch ngân hàng MB - ông Lưu Trung Thái cho biết, MB cho vay 3 dự án điện mặt trời và cả ba đều nằm trong FIT1 và FIT2. Khó khăn lớn nhất của Trung Nam không phải là pháp lý mà vấn đề chính là việc chậm thanh toán của EVN. Nói chung dự án của Trung Nam đúng là dòng tiền về chậm, nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động liên tục của khách hàng và không ảnh hưởng lớn đến MB. Đến thời điểm này chưa có nhiều quan ngại.

Huy Tùng - Hà Phương

Nguồn PetroTimes: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/tinh-trang-lien-doi-cic-cua-mb-hien-ra-sao-711104.html