Tình trạng sức khỏe của Tổng thống Niger bị phe đảo chính lật đổ
Tình trạng sức khỏe của ông Mohamed Bazoum được cộng sự thân cận tiết lộ vào ngày 12/8.
Ông Bazoum là Tổng thống Niger đầu tiên nắm quyền sau cuộc chuyển giao quyền lực một cách dân chủ.
"Ông ấy vẫn ổn, nếu xét trong tình hình hiện tại", một trợ lý của ông Bazoum, Tổng thống Niger bị lật đổ, nói. “Bác sĩ đã tới kiểm tra sức khỏe cho ông ấy”.
Nguồn tin cho biết bác sĩ cũng mang theo lương thực bổ sung cho gia đình ông Bazoum. Ông Bazoum cùng vợ và con trai hiện vẫn đang bị phe đảo chính giam lỏng tại một căn nhà ở thủ đô Niamey.
Trong vài ngày qua, có thông tin nói rằng gia đình ông Bazoum sắp cạn kiệt lương thực và nước uống. Tổ chức Quan sát Nhân quyền (HRW) cũng thông báo đã có cuộc trò chuyện với ông Bazoum. Tổng thống Niger bị lật đổ mô tả cách phe đảo chính đối xử với mình cùng vợ và con trai 20 tuổi là “phi nhân tính và tàn bạo”, theo HRW.
“Con trai tôi bị ốm, bị bệnh tim nghiêm trọng và cần được bác sĩ kiểm tra”, HRW dẫn lời ông Bazoum. “Phe đảo chính không cho con trai tôi nhận được sự chăm sóc sức khỏe”.
Cũng trong ngày 12/8, Volker Turk, quan chức Liên Hợp Quốc về nhân quyền, nói “tình trạng giam giữ ông Bazoum hiện tại có thể bị coi là “vi phạm luật nhân quyền quốc tế”.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bày tỏ sự thất vọng khi phe đảo chính từ chối trả tự do cho gia đình ông Bazoum như “một động thái thiện chí”.
Trong một diễn biến liên quan, các lãnh đạo tôn giáo Nigeria đã gặp Ali Mahaman Lamine Zeine, tân Thủ tướng Niger do phe đảo chính bổ nhiệm và thủ lĩnh đảo chính, tướng Abdourahamane Tiani.
“Các giáo sĩ có mặt ở Niamey nhằm giải thích cho phe đảo chính rằng Nigeria không có quan điểm thù địch với Niger mà quyết định của ECOWAS là do các nước thành viên đưa ra quan điểm”, nguồn tin am hiểu vấn đề cho biết.
Kể từ khi cuộc đảo chính xảy ra vào ngày 26/7, đây là lần đầu tiên tướng Abdourahamane Tiani trực tiếp gặp gỡ phái đoàn nước ngoài.
Hôm 12/8, hàng ngàn người ủng hộ phe đảo chính đã đổ ra đường ở thủ đô Niamey, bày tỏ sự phản đối ECOWAS can thiệp quân sự.
Đám đông biểu tình cũng tập trung bên ngoài một căn cứ quân sự Pháp ở ngoại ô Niamey và hô vang “đả đảo Pháp, đả đảo ECOWAS”.