Tình trạng thiếu giáo viên - 'Có thực mới vực được đạo'
Theo số liệu công bố chính thức, hiện cả nước có 1,6 triệu giáo viên, thiếu khoảng 100.000.
Vừa qua, Bộ Chính trị, Chính phủ đã duyệt cho ngành Giáo dục từ nay đến 2025 được tuyển trên 64.000 biên chế, trong đó riêng 2022 được duyệt chỉ tiêu hơn 27.000. Thế nhưng chỉ trong 10 tháng năm 2022, tổng số giáo viên bỏ việc trên cả nước là hơn 16.000.
Ở một số địa phương nào đó vẫn có thể có tình trạng thừa hay thiếu giáo viên cục bộ. Nhưng nhìn ở tầm vĩ mô, số liệu trên cho thấy vấn đề nan giải, là nhiều người đã “chê” nghề giáo.
Vì sao xảy ra câu chuyện trên? Nhiều người vẫn cho rằng giáo viên “sống được” vì ngoài lương, còn có thu nhập từ dạy thêm. Thực tế là nhiều năm nay Bộ GD&ĐT luôn nghiêm cấm giáo viên bớt giờ, nội dung để ép buộc phụ huynh phải cho con học thêm; nghiêm cấm dạy thêm trong nhà trường, vi phạm điều lệ trường học và đạo đức nhà giáo. Một vấn đề quan trọng khác, đâu phải giáo viên nào cũng có thể dạy thêm ngoài một số môn như Toán, Tin học, Ngoại ngữ… Còn giáo viên hàng chục bộ môn khác, có khi mời học sinh đến học thêm miễn phí, còn chẳng được ngó ngàng.
Vậy với đại đa số giáo viên, nếu không có sự hậu thuẫn từ gia đình hay chồng con thì phải quy về với mức lương để duy trì cuộc sống. Hiện mức thu nhập của giáo viên mầm non và tiểu học ra trường sau 5 năm công tác, bình quân đạt 4,5 - 4,7 triệu đồng, đã tính cả lương và phụ cấp ưu đãi 35%. Khi dạy được 5 năm, giáo viên sẽ có thêm phụ cấp thâm niên 5%. Người mới tuyển vào hệ thống, thu nhập chỉ khoảng 3 triệu đồng, trong 2 - 3 năm đầu.
Giáo viên mầm non ở các vùng đặc biệt khó khăn, được trợ cấp ưu đãi 70%, cộng thêm phụ cấp thu hút của địa phương hoặc làm việc tại các trường chuyên biệt (trường cho trẻ em cần chăm sóc đặc biệt) thì lương sau 5 năm công tác có thể đạt đến 6 triệu đồng, nhưng số lượng không nhiều. Những giáo viên này phải làm việc trong môi trường đặc biệt khó khăn, mức lương đó cũng chưa tương xứng công sức.
“Thê thảm” nhất là giáo viên mầm non của khoảng 16.000 nhóm trẻ tư thục, tập trung nhiều ở các đô thị, khu công nghiệp và vùng đông dân cư. Nhóm tư thục có bình quân 2 - 3 cô giáo. Mỗi cơ sở thường chăm sóc, nuôi dạy 40 - 60 trẻ. Các nhóm này thường gặp nhiều khó khăn trong vận hành vì phần lớn thuê địa điểm, điều kiện hạn chế.
Trong hai năm dịch bệnh COVID-19, gần 1.000 nhóm tuyên bố giải thể và 1.150 nhóm tạm dừng hoạt động. Giáo viên ở các cơ sở này điều kiện làm việc khó khăn, thu nhập nhìn chung thấp. Qua khảo sát thì hầu hết đều không được đóng bảo hiểm xã hội, khó có cơ hội tiếp cận các hoạt động bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn.
Một số giáo viên chia sẻ rằng đi làm cả chục năm, cuối tháng nhận lương 5 - 6 triệu đồng, rút ra đóng tiền học cho hai con hết 3 triệu. Số tiền ít ỏi còn lại chỉ đủ đi chợ chừng nửa tháng. Nhiều người ngoài giờ lên lớp, lại chạy đôn chạy đáo làm thêm các nghề khác để kiếm tiền lo cho gia đình. Việc mua nhà, nuôi con trở thành nỗi ám ảnh với nhiều nhà giáo.
Các giáo viên mầm non, tiểu học phải đến trường từ rất sớm để đón học sinh, lo cho các cháu từ bữa ăn, giấc ngủ, học hành. Một ngày làm việc của những thầy cô này thường rất dài, người ở xa trường có khi từ 6h sáng đến 6h tối. Trong khi đó, đồng lương nhận được không lo nổi cuộc sống.
Bộ trưởng GD&ĐT trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây đã nói rõ: “Thực trạng này đòi hỏi phải cấp bách tăng lương và phụ cấp ưu đãi cho giáo viên, nhất là khối mầm non, tiểu học. Tôi cũng mong các địa phương hỗ trợ nhiều hơn đến những cô giáo dạy mầm non tư thục theo mô hình nhóm trẻ”. Vị lãnh đạo này đã không ngần ngại khi khẳng định “đây là vấn đề cấp bách để nâng cao chất lượng đời sống cho giáo viên, theo tinh thần có thực thì đạo mới vực được”.
Học hành của con trẻ là vấn đề hệ trọng. Và đời sống của các thầy cô cũng cần được chăm lo. Những lời chia sẻ trên của lãnh đạo Bộ GD&ĐT rất cần được chia sẻ, đồng hành, tôn trọng, giúp đỡ.