Tình trạng thua lỗ nghiêm trọng của ngành sách Nhật Bản
Theo Japan News, hơn một phần ba các công ty xuất bản tại Nhật Bản đang hoạt động thua lỗ và việc nhiều hiệu sách phải đóng cửa cũng là đòn đau cho ngành sách nước này.
![Một phụ nữ Nhật Bản trong hiệu sách. Ảnh: Medium.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_119_51456868/09ed9f5ca812414c1803.jpg)
Một phụ nữ Nhật Bản trong hiệu sách. Ảnh: Medium.
Trên khắp Nhật Bản, rất nhiều hiệu sách đã đóng cửa trong những năm gần đây. Theo một cuộc khảo sát của Hiệp hội ngành xuất bản Nhật Bản, tính đến tháng 3/2024, trong tổng số 1.741 đơn vị dân cư trên toàn Nhật Bản, có tới 482 thành phố, thị trấn và làng mạc, tương đương 27,7%, không có hiệu sách.
Misae Oguri, người thường xuyên đọc và gửi bình luận cho mục sách Honyomiurido của tờ Yomiuri, đã cảm nhận trực tiếp sự suy giảm này.
"Trước đây, có những hiệu sách độc đáo ở gần ga tàu và những nơi công cộng khác, nhưng giờ chúng đã đóng cửa. Hiện nay tôi mua sách tại các chuỗi cửa hàng sách và cửa hiệu lớn trong trung tâm thương mại", Oguri, 63 tuổi, đến từ Tateyama, tỉnh Chiba, cho biết.
Tiền thuê nhà và chi phí nhân sự tăng vọt là hai trong những yếu tố đáng kể dẫn đến sự đóng cửa của các hiệu sách, ngay cả ở nhiều khu vực thành thị. Vào tháng 9/2024, hiệu sách Bunrokudo Waseda gần Đại học Waseda ở Tokyo đã đóng cửa vĩnh viễn.
Một khách hàng nam 35 tuổi thường xuyên đến hiệu sách này và hiệu sách tiền nhiệm của nó kể từ khi còn là sinh viên đã rất buồn khi biết tin. “Hiệu sách khá chật chội, nhưng có rất nhiều sách học thuật để lựa chọn. Thật buồn khi khu sinh hoạt sinh viên này mất đi hiệu sách”, người khách hàng này bày tỏ.
Nhiều nhà xuất bản đang thua lỗ
Số lượng hiệu sách giảm có liên quan trực tiếp đến tình hình tài chính ngày càng kém của các nhà xuất bản, trong đó nguyên nhân lớn là do doanh số bán sách giảm. Theo Viện nghiên cứu xuất bản Nhật Bản, quy mô thị trường xuất bản, bao gồm cả tác phẩm in và điện tử, trong năm 2024 đã giảm 1,5% so với năm trước xuống còn 1,572 nghìn tỷ yên, đánh dấu ba năm suy giảm liên tiếp. Riêng đối với các ấn phẩm in, con số năm 2024 đã giảm 5,2% xuống còn 1,006 nghìn tỷ yên.
Một phân tích của Viện đánh giá: "Mặc dù đã có tín hiệu phục hồi doanh số bán sách, như một số tác phẩm văn học tại các hiệu sách, thì việc đóng cửa các hiệu sách và xu hướng doanh thu giảm vẫn tiếp tục".
Theo công ty nghiên cứu tín dụng doanh nghiệp Teikoku Databank, 38 nhà xuất bản đã đóng cửa tạm thời hoặc ngừng kinh doanh vào năm 2024 và 24 đơn vị khác đã phá sản.
Một phân tích về kết quả tài chính năm tài chính 2023 của 675 công ty xuất bản cũng cho thấy 247 công ty, hơn một phần ba, đang thâm hụt tài chính. Ngoài ra, 66,1% đơn vị xuất bản, một con số kỷ lục, cũng ghi nhận tình hình tài chính xấu đi so với năm kinh doanh trước, một phần do lợi nhuận giảm.
“Các nhà xuất bản đang phải đối mặt với chi phí tăng cao cho giấy in, mực in, chi phí nhân sự, vận chuyển và các yếu tố khác. Trong khi đó, số lượng sách bán ra tại cửa hàng đang giảm làm tăng thêm những khó khăn này”, theo Teikoku Databank.
Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã thành lập một nhóm dự án vào tháng 3 năm 2024 để quảng bá các hiệu sách dưới sự chỉ đạo trực tiếp của người đứng đầu bộ.
Vào ngày 29/1 năm nay, nhóm đã công bố các chia sẻ từ cá nhân, hiệu sách và những người khác gửi lên về các đề xuất hỗ trợ và phục hồi hiệu sách. Tổng cộng có 409 ý kiến được gửi đến, bao gồm nhiều đề xuất về sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa hiệu sách và thư viện và kêu gọi giảm phí thanh toán không dùng tiền mặt.
Thị trường cần sinh khí mới
Việc thổi luồng sinh khí mới vào các hiệu sách sẽ phụ thuộc vào việc cải thiện môi trường kinh doanh cho các cửa hiệu và thu hút thêm những người đam mê sách như Yoshio Takahata.
![Yoshio Takahata tập trung vào một mảng đặc biệt trong thế giới sách. Ảnh: The Yomiuri Shimbun.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_119_51456868/780ae9bbdef537ab6ee4.jpg)
Yoshio Takahata tập trung vào một mảng đặc biệt trong thế giới sách. Ảnh: The Yomiuri Shimbun.
Tác giả Yoshio Takahata chuẩn bị mở quán cà phê sách có tên Kobikitei tại Tachikawa, Tokyo trong tháng này.
Takahata đã nghiên cứu về các nàng tiên được miêu tả trong truyện dân gian khi ở Ireland và muốn mở một cửa hiệu tái hiện lại thế giới khiến ông say mê. Quán cà phê sẽ trưng bày đồ cổ và khoảng 3.000 cuốn sách, cả cũ và mới.
Takahata đã mua sách thông qua phương thức giao sách tận nơi Honyal được Tohan Corp., một công ty bán buôn lớn, phát triển cho các nhà điều hành hiệu sách nhỏ hơn.
"Tôi hy vọng mọi người sẽ quan tâm đến thế giới truyện dân gian và nàng tiên thông qua cửa hiệu của tôi. Tập trung vào một đề tài cụ thể và có số lượng sách vừa phải là đặc điểm của các hiệu sách độc lập", Takahata, 50 tuổi, cho biết.
Giáo sư Yashio Uemura của Đại học Senshu, một chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản, cho rằng các hiệu sách phải làm nhiều hơn nữa để tồn tại.
"Những cửa hiệu không thể chỉ là nơi bán sách. Thế giới sách đang thay đổi trong thời đại Internet, vì vậy các hiệu sách cũng nên tìm ra cách để thay đổi bản thân. Tôi nghĩ chính phủ nên hỗ trợ những nỗ lực đó", Uemura nhận định.