Tình trạng thực thi ESG tại Việt Nam hiện nay: Mới chỉ trên lý thuyết
Mặc dù số lượng doanh nghiệp hướng tới thực thi ESG chiếm số đông nhưng dường như việc thực thi ESG tại Việt Nam hiện vẫn mới chỉ là trên tài liệu và lý thuyết.
Thiên tai dữ dội và khốc liệt, biến đổi khí hậu do con người gây ra, khủng hoảng tài nguyên thiên nhiên và ô nhiễm môi trường là những vấn đề cấp thiết không của riêng quốc gia nào, mà giờ đây đã trở thành trách nhiệm xã hội trên khắp toàn cầu. Để giải quyết chuỗi vấn đề cấp thiết này, việc xây dựng một chuỗi kinh tế tuần hoàn dựa trên bộ tiêu chuẩn ESG - Môi trường, Xã hội, Quản trị Doanh nghiệp được xem là giải pháp hiệu quả và bền vững nhất.
Phần lớn doanh nghiệp đã hoặc có kế hoạch thực thi ESG
ESG là thuật ngữ viết tắt của bộ ba tiêu chí bao gồm Environmental - Môi trường, Xã hội - Social và Governance - Quản trị Doanh nghiệp được dùng để đo lường mức độ hiệu quả của doanh nghiệp, tổ chức đối với cộng đồng. Mặc dù mỗi tiêu chí đều đại diện cho một lĩnh vực khác nhau nhưng điểm chung tề tựu vẫn là hướng tới sự phát triển bền vững toàn diện.
Từ năm 2004, thuật ngữ ESG đã bắt đầu xuất hiện trên các diễn đàn về tài chính quốc tế. Sau đó, nó cũng dần trở nên quen thuộc hơn với các lĩnh vực khác như kinh tế, xã hội hay môi trường… Vài năm trở lại đây, ESG mới bắt đầu phổ biến tại Việt Nam.
Theo khảo sát vào năm 2022 của công ty kiểm toán hàng đầu thế giới PricewaterhouseCoopers (PwC), có tới 80% số doanh nghiệp đã hoặc có kế hoạch cam kết thực thi ESG. Có thể nói, đây là một con số khá ấn tượng với thị trường non trẻ như Việt Nam. Trong số 80% này, có 44% các doanh nghiệp đã lập kế hoạch và đưa ra cam kết về thực thi ESG; 36% chỉ đang lập kế hoạch trong thời gian 2 - 4 năm tới.
Đối với các doanh nghiệp FDI có vốn đầu tư nước ngoài, có tới 57% đã lập kế hoạch và cam kết thực thi ESG. Tỷ lệ này cao là do các doanh nghiệp FDI phải tuân theo theo chính sách của công ty mẹ ở nước ngoài, nơi thực thi ESG từ lâu và phát triển hơn Việt Nam. Trong khi đó, 58% các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam vẫn đang ở trong giai đoạn lập kế hoạch thực thi ESG trong tương lai gần. Điều này có nghĩa là phần lớn vẫn đang chờ đợi để xem ESG phát triển tại Việt Nam như thế nào rồi mới có những kế hoạch cụ thể. Đây là xu hướng vốn đã trở thành thói quen của nhiều doanh nghiệp Việt nhưng lại có ưu điểm là chậm chắc.
Bất ngờ hơn cả là 40% các doanh nghiệp tư nhân và gia đình ở Việt Nam đều đã cam kết thực thi ESG. Đây là con số thể hiện tinh thần trách nhiệm của thế hể người Việt trẻ ngày càng lên cao. Mặc dù tồn tại trên quy mô kế nghiệp gia đình nhưng họ vẫn hướng tới hoạt động kinh doanh bền vững.
Thực thi ESG tại Việt Nam mới chỉ là giai đoạn sơ khai
Mặc dù số lượng doanh nghiệp nhận thức được ý nghĩa của ESG chiếm số đông, việc thực thi ESG tại Việt Nam hiện nay mới chỉ đang trong giai đoạn sơ khai, non nớt và còn thiếu kinh nghiệm. Theo nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Phương Nam, chuyên gia quốc tế về kiểm kê khí nhà kính của tổ chức Biến đổi Khí hậu Liên Hợp Quốc (United Nations Framework Convention on Climate Change - UNFCCC), Việt Nam đang chậm phát triển so với thế giới trong việc thực thi ESG.
Ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó Tổng Giám đốc của PwC Việt Nam cho rằng, những bước triển khai ban đầu của việc thực thi ESG tại Việt Nam hiển nhiên sẽ rất khó khăn. Đây là điều mà bất kỳ công cuộc chuyển đổi nào cũng gặp phải. Tuy nhiên, khi đã vượt qua được giai đoạn khó khăn này thì thành quả gặt hái được lại hoàn toàn xứng đáng. Khi doanh nghiệp thành công trong thực thi ESG, họ sẽ nhận được "quả ngọt" từ yếu tố tài chính, biến đổi khí hậu, nguồn lực và thậm chí cả quản lý rủi ro.
Còn nhiều thiết sót trong thực thi ESG
Theo phân tích của PwC, hiện nay ở Việt Nam có 66% doanh nghiệp có chương trình ESG. Tuy nhiên, chỉ 22% trong số đó là có chương trình thực thi ESG toàn diện từ môi trường, xã hội cho tới quản trị doanh nghiệp. Số còn lại mới chỉ triển khai kế hoạch trong giới hạn và chưa rõ ràng. Theo Tiến sĩ Nguyễn Phương Nam, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn bị hạn chế về tiếp cận thông tin, nguồn lực và định hướng thị trường. Trong đó, khan hiếm thông tin chính là trở ngại lớn nhất đối với các doanh nghiệp khi thực thi ESG.
Giống như các quốc gia khác, Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của biến đổi khí hậu. Trong bảng xếp hạng, Việt Nam xếp thứ 127 trong tổng số 182 quốc gia bị ảnh hưởng. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB, về kinh tế, biến đổi khí hậu đã gây ra cho Việt Nam hơn 10 tỷ USD thiệt hại trong khoảng thời gian từ năm 2011 - 2022. Con số thiệt hại được dự đoán vẫn sẽ tiếp tục tăng nhanh hơn nữa trong tương lai nếu như Việt Nam không có những định hướng phát triển bền vững ngay từ bây giờ.