Tình trạng trái ngược về vấn đề việc làm trong các ngành nghề tại Mỹ
Trong khi việc thiếu nhân viên kiểm soát không lưu được cấp phép khiến nhiều chuyến bay chậm giờ cất cánh, nhiều công ty lại đang đau đầu với việc phải cắt giảm nhân sự để giảm chi phí.

Máy bay của hãng American Airlines tại sân bay Miami, Mỹ (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thực trạng thiếu nhân viên kiểm soát không lưu được cấp phép trong nhiều năm qua đã khiến nhiều chuyến bay chậm giờ cất cánh và gây phiền toái cho hành khách trên khắp nước Mỹ.
Gần đây nhất, tại sân bay quốc tế Newark Liberty ở bang New Jersey, việc thiếu hụt nhân sự đã dẫn đến các chuyến bay trễ giờ khởi hành trong 7 ngày liên tiếp - một điều chưa từng có.
Theo mạng tin CNN, dường như nhiều yếu tố tích tụ đã gây ra tình trạng chậm trễ kéo dài, trong đó có việc thiếu hụt nhân viên kiểm soát không lưu trên cả nước.
Bộ trưởng Giao thông Sean Duffy nhấn mạnh việc đóng cửa một đường băng để sửa chữa và sự cố công nghệ do thiết bị lỗi thời cũng là một trong những lý do dẫn tới tình trạng chậm chuyến.
Trước đó, ngày 4/5, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã triển khai Chương trình Ground Delay Program (tạm dịch là Trì hoãn Mặt đất). Theo báo cáo, các chuyến bay vào tối cùng ngày bị chậm trung bình gần 4 giờ.
Tổng Giám đốc điều hành hãng hàng không United Airlines Scott Kirby cho biết trạm kiểm soát không lưu tại Newark đã thiếu nhân sự liên tục trong nhiều năm và hãng đã bắt đầu cắt giảm khỏi lịch trình 35 chuyến bay mỗi ngày kể từ ngày 3/5.
Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer đã kêu gọi điều tra "tình trạng hỗn loạn" do thiếu nhân viên kiểm soát không lưu. Trong khi đó, Thống đốc bang New Jersey Phil Murphy cho rằng tình trạng chậm trễ là “hoàn toàn và tuyệt đối không thể chấp nhận được."
Dù chưa đưa ra bình luận chính thức về bản chất của các vấn đề tại sân bay Newark, nhưng FAA cho biết một số nhân viên kiểm soát các chuyến bay đến và đi từ Newark đã nghỉ làm để phục hồi sức khỏe sau căng thẳng liên quan các sự cố mất điện gần đây. Ngoài ra, hệ thống kiểm soát không lưu lỗi thời cũng đang ảnh hưởng đến lực lượng lao động.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump thừa nhận hệ thống kiểm soát không lưu lỗi thời cần phải được sửa chữa, đồng thời cho biết đã nỗ lực tăng cường lực lượng kiểm soát viên không lưu và giải quyết tình trạng thiếu hụt kiểm soát viên của nước này.
Tuần trước, Bộ trưởng Giao thông Duffy cũng đã công bố một chương trình tuyển dụng kiểm soát viên mới và khuyến khích người lao động không nghỉ làm.
Trái ngược với tình trạng thiếu nhân viên kiểm soát không lưu được cấp phép, nhiều công ty của Mỹ lại đang đau đầu với việc phải cắt giảm bớt nhân sự trong nỗ lực cắt giảm chi phí và tinh gọn hoạt động để đối phó với các tác động từ thuế quan của Tổng thống Donald Trump và quá trình chuyển đổi số lan rộng khắp nền kinh tế.
Cụ thể, trong năm 2025, hai công ty dịch vụ bưu chính hàng đầu của Mỹ là USPS và UPS có thể cắt giảm hàng nghìn nhân viên giao thư và chuyển phát bưu kiện.
Tháng trước, Giám đốc điều hành của UPS thông báo sẽ cắt giảm 20.000 việc làm trong năm nay - tương đương khoảng 4% lực lượng lao động toàn cầu của công ty, đồng thời có kế hoạch đóng cửa 73 trung tâm phân phối trước cuối tháng 6.
Các đợt đóng cửa này nằm trong một kế hoạch dài hạn nhằm hiện đại hóa hoạt động của các trung tâm phân phối, bao gồm việc tự động hóa một phần hoặc toàn bộ tại 400 cơ sở. Trước đó, UPS đã công bố một thỏa thuận với Amazon - khách hàng lớn nhất của họ, để giảm hơn 50% hoạt động kinh doanh liên quan đến Amazon vào nửa cuối năm 2026.
Trong tháng 3, Tổng giám đốc USPS khi đó là Louis DeJoy thông báo công ty sẽ cắt giảm 10.000 vị trí việc làm, đồng thời giảm ngân sách với sự hỗ trợ của Bộ Hiệu quả Chính phủ. Động thái này diễn ra trong bối cảnh USPS đã thua lỗ gần 100 tỷ USD và được dự báo sẽ lỗ thêm 200 tỷ USD nữa./.