EU nới lỏng kiểm soát đầu tư công nghệ nhạy cảm từ Trung Quốc
Liên minh châu Âu đang xem xét nới lỏng các quy định kiểm soát đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực công nghệ nhạy cảm như chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, dù đây từng là một trụ cột trong chiến lược an ninh kinh tế nhằm đối phó ảnh hưởng từ Trung Quốc.

Chip bán dẫn trên một bảng mạch điện. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Theo tờ Politico, ngày 6/5, một dự thảo thỏa hiệp mới cho thấy các nước thành viên đang thúc đẩy điều chỉnh cơ chế giám sát đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), theo hướng giảm bớt đề xuất ban đầu của Ủy ban châu Âu. Đây là bước lùi so với kế hoạch được Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đưa ra từ tháng 1/2024, vốn nhằm bảo vệ các doanh nghiệp công nghệ cao trước nguy cơ bị thâu tóm, như trường hợp Tập đoàn Cosco từng tìm cách mua một bến cảng ở Hamburg.
Trong đề xuất ban đầu, các khoản đầu tư vào các lĩnh vực như AI, chất bán dẫn, công nghệ lượng tử, không gian, năng lượng, thiết bị bay không người lái và dược phẩm thiết yếu sẽ phải chịu sự kiểm tra bắt buộc từ các chính phủ quốc gia. Tuy nhiên, dự thảo mới - được thảo luận vào ngày 14/4 - đã thu hẹp danh mục này và chỉ yêu cầu các nước thành viên "xem xét" chứ không bắt buộc phải hành động.
Mặc dù dự thảo mới bổ sung chi tiết như các thành phần lõi hoặc phần mềm trong thiết bị sản xuất chất bán dẫn, công nghệ quang khắc, vi xử lý và chip lưu trữ, các yêu cầu giám sát bị hạ cấp chỉ còn ở mức khuyến nghị. Động thái này bị giới quan sát đánh giá là làm hạn chế mục tiêu ban đầu của Ủy ban châu Âu.
Ngược lại, Nghị viện châu Âu giữ vững quan điểm siết chặt giám sát và còn đề xuất mở rộng thêm các lĩnh vực như hàng không vũ trụ, đường sắt và công nghiệp ô tô vào danh mục cần kiểm soát. Tranh cãi giữa ba bên - Hội đồng châu Âu, Nghị viện châu Âu và Ủy ban châu Âu - về danh sách các lĩnh vực chiến lược sẽ là trọng tâm trong quá trình đàm phán sắp tới.
Dự thảo cũng cho thấy một thay đổi đang làm dấy lên lo ngại trong EU về an ninh đầu tư. Nếu trước đây các quy định chủ yếu nhằm kiểm soát ảnh hưởng từ Trung Quốc, thì hiện nay mối quan tâm lại nghiêng về các thương vụ đến từ Mỹ, như việc quỹ đầu tư CD&R mua lại công ty con của hãng dược Sanofi, hay nỗ lực bất thành của tập đoàn Flowserve trong thâu tóm công ty hạt nhân Pháp Segault vào năm 2023.
Việc ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ khiến Ủy ban châu Âu gia tăng lo ngại về khả năng mất đi sự hậu thuẫn nhất quán từ Washington. Ông Damien Levie, Trưởng đơn vị phụ trách FDI thuộc Tổng vụ Thương mại Ủy ban châu Âu, cảnh báo EU không thể để các cuộc thảo luận kéo dài trong khi môi trường an ninh toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng.
Ông Levie kỳ vọng các nước sẽ sớm đạt được đồng thuận về văn bản mới do Ba Lan - Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU - đề xuất, thay thế bản dự thảo trước đó dưới thời Hungary.
Một điểm khác biệt đáng kể là cách tiếp cận đối với hình thức đầu tư “xanh” - tức các khoản đầu tư xây dựng mới hoàn toàn như nhà máy hoặc cơ sở sản xuất. Dự thảo hiện tại cho phép các quốc gia thành viên tự quyết định việc giám sát, trong khi Nghị viện châu Âu đề xuất bắt buộc áp dụng cơ chế giám sát nếu các khoản đầu tư này rơi vào lĩnh vực nhạy cảm.
Ngoài ra, Nghị viện châu Âu đề xuất trao thêm vai trò trọng tài cho Ủy ban châu Âu trong trường hợp xảy ra bất đồng giữa các quốc gia thành viên, tuy nhiên đề xuất này hiện chưa nhận được sự ủng hộ từ phía các chính phủ.
Dự thảo vẫn đang trong quá trình thảo luận và có thể tiếp tục được điều chỉnh trước khi các nước thành viên chính thức thông qua lập trường cuối cùng.