EU thúc đẩy kế hoạch chấm dứt phụ thuộc năng lượng Nga

Ủy ban châu Âu ngày 6/5 dự kiến công bố kế hoạch chấm dứt hoàn toàn phụ thuộc vào năng lượng Nga, trong bối cảnh trừng phạt đình trệ và một số nước EU cân nhắc nối lại nhập khẩu.

Cơ sở dự trữ khí đốt tại Zsana, Hungary. Ảnh: THX/TTXVN

Cơ sở dự trữ khí đốt tại Zsana, Hungary. Ảnh: THX/TTXVN

Trước sự do dự trong nội khối, EU kêu gọi khu vực tư nhân đóng vai trò chủ động trong quá trình thoát khỏi tình trạng phụ thuộc nguồn cung năng lượng từ Moskva.

Theo Politico, kế hoạch mới sẽ trao thêm quyền cho các doanh nghiệp tư nhân châu Âu trong chấm dứt sớm các hợp đồng năng lượng dài hạn với Nga mà không phải chịu phạt, đồng thời kêu gọi họ ngừng ký kết các thỏa thuận mới. Hai nhà ngoại giao EU cho biết đây là bước đi nhằm phát tín hiệu dài hạn tới thị trường rằng châu Âu kiên định với mục tiêu từ bỏ nhiên liệu Nga, trong bối cảnh không đạt được đồng thuận cho các biện pháp trừng phạt bổ sung.

Ủy viên Năng lượng EU Dan Jorgensen thừa nhận rằng, dù đã giảm mạnh lượng nhập khẩu từ năm 2022, EU vẫn sử dụng khoảng 19% khí đốt từ Nga trong năm 2024. Ông cho rằng tình trạng này tiếp tục đe dọa an ninh năng lượng của EU, khiến khối này dễ bị tổn thương trước các hành vi thao túng và tống tiền kinh tế. Theo ông, lộ trình mới sẽ giúp EU giành lại quyền tự chủ về năng lượng.

Phản ứng từ thị trường vẫn dè dặt. Bà Maria Shagina, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), nhận định rằng yếu tố chi phí vẫn khiến nhiều bên cân nhắc sử dụng lại năng lượng Nga. “Các quốc gia thành viên lo ngại mất khả năng cạnh tranh và quá trình phi công nghiệp hóa. Nếu có một thỏa thuận hòa bình, năng lượng giá rẻ từ Nga sẽ lại trở thành phương án hấp dẫn”, bà nói.

Dữ liệu từ Trung tâm Nghiên cứu về Năng lượng và Không khí sạch (CREA) cho thấy, kể từ năm 2022, EU đã chi hơn 200 tỷ euro để mua năng lượng Nga, trong đó khoảng một nửa là cho khí đốt. Dù đã cấm phần lớn dầu mỏ Nga, lượng nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG) từ Nga vào châu Âu vẫn tăng trong thời gian gần đây, bất chấp nỗ lực chuyển sang các nguồn thay thế từ Mỹ.

Cựu Ủy viên Năng lượng EU Kadri Simson cho biết, kế hoạch lần này nhằm gửi thông điệp tới thị trường rằng việc tiếp tục mua khí đốt Nga là không phù hợp trong bối cảnh đã có nhiều nhà cung cấp thay thế. Bà Maria Shagina bổ sung rằng việc tạo điều kiện pháp lý để các doanh nghiệp có thể chấm dứt hợp đồng dài hạn mà không phải chịu phạt lớn sẽ là tín hiệu có ý nghĩa quan trọng.

Tuy nhiên, Hungary vẫn giữ lập trường không ủng hộ mở rộng các biện pháp trừng phạt năng lượng. Thủ tướng Viktor Orban nhiều lần bày tỏ quan điểm phản đối các đề xuất mới trong lĩnh vực này và cảnh báo khả năng phủ quyết toàn bộ khuôn khổ trừng phạt - cơ chế hiện cần được gia hạn định kỳ theo hình thức đồng thuận.

Trong khi đó, một số quốc gia thành viên khác bày tỏ mong muốn EU có cách tiếp cận cứng rắn hơn. Bộ trưởng Năng lượng Estonia Andres Sutt cho rằng trừng phạt lĩnh vực năng lượng Nga là biện pháp trực tiếp nhằm cắt giảm nguồn tài chính phục vụ cho các hoạt động quân sự.

Ở chiều ngược lại, các tập đoàn năng lượng lớn tại châu Âu vẫn thận trọng khi đánh giá triển vọng thoát hoàn toàn khỏi nguồn cung từ Nga. Ông Patrick Pouyanne, Tổng giám đốc tập đoàn TotalEnergies (Pháp), nhận định không loại trừ khả năng các đường ống dẫn khí từ Siberia sẽ hoạt động trở lại, đồng thời cho rằng nguồn năng lượng giá rẻ vẫn có thể tạo sức hút nhất định với thị trường châu Âu.

Ông Cristian Signoretto, Chủ tịch Eurogas kiêm Giám đốc tập đoàn Eni (Italy), nhận định rằng việc khôi phục hợp tác năng lượng với Nga sẽ gặp nhiều khó khăn do hệ thống pháp lý phức tạp và hạ tầng kỹ thuật đã bị ảnh hưởng. Ông cho biết châu Âu đã đa dạng hóa đáng kể nguồn cung và sở hữu một hệ thống năng lượng ổn định hơn. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng trong dài hạn, diễn biến giá cả và nguồn năng lượng vẫn sẽ do quy luật cung - cầu quyết định.

Bộ trưởng Andres Sutt cho rằng bài học từ cuộc khủng hoảng khí đốt năm 2022 cho thấy tầm quan trọng của việc giảm thiểu rủi ro trong chuỗi cung ứng. Theo ông, phụ thuộc vào một nguồn cung duy nhất có thể khiến thị trường dễ bị tổn thương khi xảy ra các biến động địa chính trị bất ngờ.

Hoàng Anh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/eu-thuc-day-ke-hoach-cham-dut-phu-thuoc-nang-luong-nga-20250506152930556.htm