Tỉnh ủy Quảng Nam chỉ ra 11 hạn chế, tồn tại cần khắc phục
Tỉnh ủy Quảng Nam nhìn nhận việc giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trên địa bàn chưa hiệu quả.
Ngày 10-4, Tỉnh ủy Quảng Nam đã ban hành thông cáo báo chí về Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 15 khóa XXII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, diễn ra trong 2 ngày 8 và 9-4.
Theo thông cáo, tại hội nghị, ông Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam - đã báo cáo về tình hình các mặt công tác quý I và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm quý II-2024.
Các đại biểu dự hội nghị đã thảo luận, đánh giá kết quả đã đạt được và những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để thực hiện nhiệm vụ quý II-2024.
Theo báo cáo, trong quý I, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam đã lãnh đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh nền kinh tế đất nước, của tỉnh còn nhiều khó khăn, thách thức. Dù vậy, các cấp, các ngành đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ổn định tình hình tư tưởng, triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt được một số kết quả khả quan trên các mặt công tác.
Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả đạt được, tỉnh Quảng Nam đang đối diện với nhiều khó khăn, hạn chế, tồn tại. Thứ nhất, việc cụ thể hóa và triển khai thực hiện một số Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy chưa đảm bảo tiến độ.
Thứ hai, việc sắp xếp, bố trí, củng cố, kiện toàn các chức danh lãnh đạo, quản lý ở một số cơ quan, đơn vị còn chậm. Công tác kiện toàn, bổ sung nhân sự tuy được chỉ đạo thực hiện quyết liệt nhưng không thể hoàn thành ngay.
Thứ ba, tăng trưởng kinh tế âm (giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước); trong đó, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp - xây dựng giảm 8,1%, riêng công nghiệp giảm 9,8%.
Thứ tư, thu ngân sách nhà nước chưa đạt mục tiêu. Nguồn thu từ tiền sử dụng đất, bia, từ thủy điện còn khá thấp so với kế hoạch.
Thứ năm, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, nhất là DN có liên quan đến các dự án đầu tư bất động sản. Việc giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư chưa hiệu quả.
Thứ sau, tiến độ nhiều công trình trọng điểm còn chậm, nhất là khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm so với kế hoạch.
Thứ bảy, việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn chưa đạt yêu cầu. Nguồn vốn năm 2022, 2023 chưa giải ngân hết chuyển nguồn sang còn nhiều. Một số tiêu chí xã nông thôn mới không được duy trì.
Thứ tám, công tác cải cách hành chính tuy có nhiều cố gắng nhưng vẫn tụt hạng khá sâu trong bảng xếp hạng PAPI.
Thứ chín, công tác quản lý, bảo vệ rừng, tài nguyên khoáng sản còn nhiều hạn chế, bất cập, để xảy ra vụ việc xâm hại rừng, khai thác khoáng sản vàng trái phép, gây dư luận không tốt.
Thứ mười, tình hình đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh phát sinh nhiều và có chiều hướng gia tăng; tỷ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đạt thấp, một số vụ việc phức tạp, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm, gây ảnh hưởng phức tạp đến tình hình an ninh trật tự của tỉnh.
Cuối cùng, đó là tình trạng thiếu quyết liệt, ngại tham mưu, chưa làm đúng, làm đầy đủ theo chức trách nhiệm vụ được giao vẫn còn xuất hiện.
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, đã nêu ra hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp yêu cầu các ngành chức năng triển khai trong thời gian tới để khắc phục, tháo gỡ các khó khăn, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh…
Hội nghị Tỉnh ủy Quảng Nam lần thứ 15 cũng đã thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự bổ sung quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, 2021 - 2026 và nhiệm kỳ 2025 - 2030, 2026 - 2031; bổ sung Tỉnh ủy viên nhiệm kỳ 2020 - 2025; thực hiện quy trình giới thiệu cán bộ ứng cử chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025.