Tình yêu Hà Nội chưa bao giờ nguội lạnh trong lòng nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến đã có rất nhiều cuốn sách kể cho bạn đọc nghe về những câu chuyện cũ mà mới ở cái mảnh đất này. 'Đi ngang Hà Nội', 'Đi dọc Hà Nội' rồi lại 'Đi xuyên Hà Nội', tình yêu về Hà Nội chưa bao giờ nguội lạnh trong lòng ông. Mới đây, ông tiếp tục gửi đến bạn đọc cuốn sách mới 'Hà Nội còn một chút này' viết về những điều bình dị mà thân thương ở Hà Nội như thế… Phóng viên An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện cùng nhà văn.
- Phóng viên: Trước cuốn sách “Hà Nội còn một chút này”, tôi được biết ông có rất nhiều những cuốn sách viết về Hà Nội được đông đảo bạn đọc đón nhận như “5678 bước chân quanh Hồ Gươm”, “Đi ngang Hà Nội”, “Đi dọc Hà Nội”, “Đi xuyên Hà Nội”… Vậy cuốn sách mới này có gì khác biệt so với những cuốn sách trước?
- Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: Chắc chắn là phải khác, khác về đề tài, khác nội dung và cả cách hành văn sao cho mới, hấp dẫn bạn đọc. Và có đề tài một số người đã bàn nhưng tôi nhìn dưới một góc khác, chẳng hạn như bài “Tiếng Hà lội”. Trong cuốn này có một số phát hiện ví như bài “Vì sao nước Hồ Gươm có mầu xanh”, “Vì sao nhà ở Hà Nội lại ôm hết vỉa hè”, “Tại sao phố Tràng Tiền có mái hiên che kín vỉa hè?”…
- Mỗi người sẽ yêu Hà Nội một cách khác nhau. Có người yêu Hà Nội vì yêu cái cảm giác yên bình ở đây - nơi có tiếng rao bán quà: “Ai phớ đê…”, có cốm làng Vòng vừa thơm vừa dẻo, có hoàng hôn ở hồ Tây đẹp mê đắm, có tiếng chuông chùa Trấn Quốc thanh tịnh, lại có người yêu Hà Nội đơn giản vì họ đem lòng yêu một chàng trai lịch lãm hay một thiếu nữ dịu dàng nào đó… Hẳn là phải yêu Hà Nội đến nhường nào ông mới có thể lang thang khắp ngóc ngách của lịch sử để tìm hiểu về Hà Nội như vậy?
- Người Việt ai cũng yêu nơi mình sinh ra, lớn lên. Yêu là cảm xúc và nó xuất phát từ trái tim, nếu có thứ tự nghĩa là thay cảm xúc bằng lý trí, đó không còn là yêu. Khi đã yêu thì cái gì cũng yêu. Tôi yêu cả cái đẹp và cái xấu của Hà Nội.
Yêu là cảm xúc và nó xuất phát từ trái tim, nếu có thứ tự nghĩa là thay cảm xúc bằng lý trí, đó không còn là yêu. Khi đã yêu thì cái gì cũng yêu. Tôi yêu cả cái đẹp và cái xấu của Hà Nội”
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến
- Sau khi đọc cuốn “Hà Nội còn một chút này” và cả một vài những cuốn sách khác nữa viết về Hà Nội của ông, tôi thấy rất tiếc khi những nét kiến trúc độc đáo, những di sản của dân tộc đã mai một và buồn hơn là không còn hiện diện để những thế hệ sau được ngắm nhìn. Trong từng trang viết, con chữ, tôi cũng thấy được cái tiếc nuối của thế hệ cha ông đi trước nói chung và của chính ông nói riêng. Ông có thể chia sẻ một chút suy nghĩ của mình về việc những di sản đang dần bị mai một và một lời ngỏ tới thế hệ trẻ trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy những di sản của dân tộc?
- Để trở thành di sản, ngoài giá trị tư tưởng, thẩm mỹ, lịch sử, văn hóa thì còn có yếu tố thời gian. Điều này đã được quy định trong Luật Di sản. Hà Nội là kinh đô từ đời Lý đến đầu đời Nguyễn, năm 1902 trở thành Thủ đô của Liên bang Đông Dương, Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1945 và sau này nên Hà Nội có nhiều di sản cấp quốc gia. Di sản văn hóa vật thể hay phi vật thể là tài sản. Trong quá khứ do chiến tranh, khí hậu khắc nghiệt, nghèo đói không có điều kiện trùng tu và cả sai lầm trong nhận thức nên nhiều di sản đã mai một. Thế nên để những di sản quý hiện vẫn nguyên vẹn cho thế hệ tương lai thì rất cần sự ý thức của mọi người không kể già hay trẻ. Tuy nhiên, vai trò quan trọng nhất chính là cơ quan quản lý. Một thực tế ai cũng thấy ngành công nghiệp không khói ở Hà Nội chủ yếu trông vào di sản.
- Viết nhiều về Hà Nội, có bao giờ ông nghĩ đến một ngày nào đó sẽ hết đề tài để viết không?
- Văn hóa, thậm chí cả lịch sử phải luôn được nhận thức lại và tất cả những gì đã có, đang có đều có thể là đề tài nên không có gì phải lo lắng.
- Sau khi đọc xong cuốn sách của ông, tôi đã dành vài ngày lần theo những chỉ dẫn trong sách, mò đến từng ngóc ngách nhỏ để ngắm nhìn lại những thứ mình vô tình lãng quên dù đã sống ở đây hơn 20 năm và chợt nhận ra là mình đã bỏ lỡ, ngó lơ hết thảy những cái “tình” của Hà Nội. Tôi có thắc mắc rằng ông đã cảm hứng từ đâu để viết nên rất nhiều cuốn sách về Hà Nội?
- Khi trong đầu ta nghi vấn hay thấy thiếu thì sẽ nảy sinh nhu cầu tìm hiểu. Và viết báo hay viết sách cũng từ đó mà ra. Tuy nhiên bên cạnh cũng phải có tình yêu.
- Để viết được một cuốn sách như vậy, chắc hẳn ông đã bỏ ra rất nhiều thời gian và công sức để tìm tòi về lịch sử, văn hóa, con người Hà Nội. Trong suốt quá trình dài tìm hiểu và nghiên cứu về Hà Nội, có điều gì làm ông nhớ mãi không quên?
- Thực ra tôi không có kỷ niệm sâu sắc trong quá trình thu thập tài liệu, điền dã hay chấp bút. Điều tôi nhớ nhất cũng là tiếc nhất là nhiều câu chuyện do các nhân vật chia sẻ vì nhiều lý do nên không thể đưa vào cuốn sách. Những câu chuyện có các chi tiết mang lại cảm xúc song bản thân người kể không muốn hoặc chưa phải là thời điểm thích hợp để công bố.