Tình yêu không cần 'môn đăng hộ đối' nhưng hôn nhân thì...
Một số người trong cuộc đã nhận ra rằng một cuộc hôn nhân bền vững, hòa hợp ít ra cũng có yếu tố cấu thành của 'môn đăng hộ đối'. Có đúng như vậy không?
Nói đến "môn đăng hộ đối", người ta thường liên tưởng đến thời phong kiến xa xưa, khi mà hôn nhân coi trọng việc gia đình bên nam và bên nữ phải tương xứng nhau về giai cấp, tài sản, địa vị xã hội.
Đến hiện tại, tưởng như không còn quan niệm này, nhưng khi mà nam nữ bình đẳng, được tự do yêu nhau và kết hôn, một số người trong cuộc đã nhận ra rằng một cuộc hôn nhân bền vững, hòa hợp ít ra cũng có yếu tố cấu thành của "môn đăng hộ đối". Có đúng như vậy không?
Trên Weibo (mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc), một cô gái chia sẻ về câu chuyện của mình. Theo đó, cô và bạn trai yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên và tiến đến hôn nhân vài tháng sau đó. Sau vài ngày ở nhà chồng, cô gái cảm thấy hối hận về quyết định kết hôn vội vàng của mình khi chứng kiến cảnh bố chồng đối xử với mẹ chồng.
Ông bố chồng bán tạp hóa còn mẹ chồng đảm nhiệm ngày ba bữa cơm. Hàng ngày, dù mẹ chồng tất bật với lau dọn, nấu nướng, giặt giũ còn bố chồng chỉ biết ngồi uống trà và đọc báo. Bà mẹ chồng bị đau lưng nhưng không bao giờ được hỏi han, ông chỉ la mắng mỗi khi bà làm việc chậm hoặc không làm ông hài lòng.
Sau khi rời khỏi nhà bố mẹ, cô gái nói rằng cảm thấy bố chồng quá đáng. Chàng trai trừng mắt: "Bố là người kiếm ra tiền nên có quyền như vậy". Câu trả lời khiến cô gái ngỡ ngàng.
Khi cô gái và chàng trai bắt đầu sống chung, cô cảm thấy mình là hình bóng của người mẹ chồng khi một mình làm việc nhà mà không có sự giúp đỡ của chồng.
"Mỗi khi đi làm về, chồng tôi kêu đói nhưng sau đó chỉ sà vào tivi hoặc chơi game điện thoại. Bất cứ khi nào được yêu cầu giúp vợ nấu ăn và dọn dẹp, anh đều trừng mắt quát: Nấu ăn, dọn dẹp không phải là thiên chức của phụ nữ sao", cô gái kể.
Cho đến một ngày, cô không chịu nổi và ra tối hậu thư cho chồng, hoặc là thay đổi, hoặc là ly hôn. Cô nói trên Weibo: "Tôi thực sự hối hận vì không đến nhà anh ấy sớm hơn...".
Trong một cuộc khảo sát lớn mang tên "Khảo sát về các quan hệ và hôn nhân ở Trung Quốc" do các phương tiện truyền thông khắp nước này thực hiện, đã có 21.694 người độc thân Trung Quốc, độ tuổi từ 23-35 được hỏi trong khoảng thời gian 1 tháng khảo sát, trong số đó 2/3 là nữ.
Kết quả cho thấy những người độc thân này đang ngày càng quay về cách tiếp cận truyền thống với hôn nhân, từ chuyện thông qua mai mối cho đến cân đo xem đối tượng có "môn đăng hộ đối" với mình trên phương diện tiêu chuẩn xã hội hay không.
Các yếu tố kinh tế và xã hội ở Trung Quốc ngày nay (từ giá nhà leo thang chóng mặt, văn hóa thực dụng lên ngôi cho đến tình trạng mất cân bằng giới) đang ngày càng gia tăng sức ép về hôn nhân với nhiều đối tượng.
Chẳng hạn, thế hệ nam giới đầu tiên sinh ra dưới chính sách kế hoạch hóa "một con" giờ đã đến độ tuổi lập gia đình. Họ đang chịu sức ép ngày càng lớn từ các bậc phụ huynh muốn có con dâu, nhưng nữ giới cùng độ tuổi này lại ít ỏi hơn hẳn nam giới.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả mà cuộc khảo sát kết luận là thái độ đối với hôn nhân và hành trình hướng tới việc lập gia đình đang ngày càng hướng về các giá trị kiểu truyền thống.
Hơn 60% người độc thân được hỏi cho biết họ tin rằng "môn đăng hộ đối," tương xứng về mặt xã hội là một yếu tố quan trọng trong việc tìm ý trung nhân. Nhóm này viện dẫn kinh nghiệm xã hội, nền tảng gia đình là có lợi cho một cuộc hôn nhân thành công.
Thái Khang Vĩnh – MC truyền hình nổi tiếng của Trung Quốc trong chương trình "Khang Hy đến rồi" từng nói: "Môn đăng hộ đối theo quan điểm cá nhân tôi phải là sự cân bằng về trình độ văn hóa cũng như hoàn cảnh sống của hai con người. Hoàn cảnh sống không giống nhau sẽ có thế giới quan khác nhau. Nếu hai người có khoảng cách lớn giữa ba sự tương đồng, dù họ yêu nhau nhiều đến đâu, cuối cùng sẽ gặp rất nhiều mâu thuẫn trong cuộc sống thực".
Nam MC kỳ cựu này lấy ví dụ, người vợ muốn đi xem một bộ phim, nhưng chồng lại gạt đi "Tại sao lại phải tiêu số tiền đó trong khi có thể xem video ở nhà". Hay như bạn muốn theo học một lớp tiếng Anh, chồng lại quát "Chẳng học được gì ở những lớp xô bồ như vậy đâu". Bạn muốn có những chuyến đi kỷ niệm lãng mạn, nhưng vợ lại cho rằng việc làm đó quá lãng phí...
"Trong hôn nhân không chỉ có trăng sao, hoa lá trên trời mà còn là dầu, mắm muối của thực tế. Nếu bạn muốn nhìn thấy nhau trong những vấn đề tầm thường này, bạn phải chọn những người có giá trị tương tự như mình", Thái Khang Vĩnh nói.
Số lượng những trái tim cô đơn ở Trung Quốc đang tìm kiếm một nửa ngày càng tăng cũng khiến các show truyền hình về hẹn hò trở nên hút khách nhất ở nước này trong vài năm gần đây.
Tuy nhiên, không ít người tham dự các show trên đã gây nhiều tranh cãi khi họ công khai thể hiện sự thay đổi thái độ với hẹn hò, hôn nhân.
Năm ngoái, nữ thí sinh Ma Nuo của show "If you are the one" đã gây sốc và dư luận ở Trung Quốc khi đáp lời một nam thí sinh chưa có công ăn việc làm mời cô đi chơi bằng xe đạp cho lãng mạn: "Thà tôi khóc trong một chiếc BMW còn hơn cười trên một chiếc xe đạp".
Hôn nhân nhất định phải nhìn vào hoàn cảnh gia đình, bởi vậy người xưa mới có câu thành ngữ "Môn đăng hộ đối".
Một số người không đồng tình với quan điểm này bởi cho rằng nó không đúng thực tế. "Đến Lọ Lem còn lấy được hoàng tử" hay "Rất nhiều thiên kim tiểu thư nhà giàu vẫn lấy những chàng trai con nhà nghèo đó thôi?".
"Người ta yêu nhau bởi năm giác quan, nhưng sống với nhau nhờ ba điều tương đồng: tri thức, kinh tế và tình yêu thương của gia đình", ông Tạ Phúc Chiêm, giáo sư Viện khoa học xã hội Trung Quốc khẳng định, đồng thời nhấn mạnh "Trong chuyện cổ tích, chưa bao giờ người ta nhắc tới việc sau khi kết hôn với hoàng tử, Lọ Lem sống có thực sự hạnh phúc hay không? Cũng không ai đưa ra một ví dụ cụ thể về việc một thiên kim tiểu thư nhà giàu có thực sự hòa hợp với một ông chồng xuất thân từ gia đình nghèo hay không?".
Có thể nói rằng, môn đăng hộ đối không hẳn là quan niệm xấu. Nó là lăng kính để chọn lựa tình yêu, bỏ qua những tình yêu sét đánh, chớp nhoáng.
Nó hứa hẹn cân bằng không chỉ ở xuất phát điểm, kinh tế, văn hóa, đẳng cấp mà còn ở tính cách, nhu cầu giao tiếp… Sự xuất thân tương thích làm các cặp đôi dễ đồng điệu hơn trong việc nắm bắt được nhau.
Tuy nhiên, sự cân nhắc, tính toán chỉ nên nằm ở một mức độ nhất định, như hình thức bổ trợ, tìm kiếm bạn đời. Điều quan trọng nhất của một cuộc hôn nhân bền vững vẫn phải xuất phát từ tình yêu thương, bao dung và thấu hiểu của mỗi người dành cho nhau.
Cùng chia sẻ
- Theo tôi ngay khi yêu nhau cũng cần phải quan tâm đến "môn đăng hộ đối". "Môn đăng hộ đối" thời hiện đại không là giai cấp, là giàu nghèo mà là tri thức, văn hóa và nhiều yếu tố khác nữa... Quan trọng là cả 2 cùng tìm hiểu nhau thật kỹ, biết rõ gia đình của nhau, bạn bè của nhau. Khi đó, chính 2 người trong cuộc sẽ quyết định có nên tiến tới hôn nhân hay không. Nếu đợi đến khi kết hôn mới vỡ lẽ đủ thứ thì đã quá muộn. Cha tôi nhà nghèo, mẹ thì con nhà doanh nhân nhưng cha tôi được cho ăn học đàng hoàng, nên sống tốt, có chí tiến thủ... Vậy nên ông bà ngoại sẵn lòng gả con gái (là mẹ tôi) cho ông. Gia đình tôi sống rất hạnh phúc. Là do mẹ tôi đã chọn đúng người "môn đăng hộ đối" cho mình.
(Lan Nhi - Hà Nội)
- Tôi chứng kiến rất nhiều cặp, đa số là bạn bè, rất "môn đăng hộ đối" từ gia cảnh cho đến trình độ học vấn, nhưng họ chia tay nhanh như chớp sau khi tiến tới hôn nhân. Tất cả chỉ là vỏ bọc bên ngoài nếu không thực sự hiểu nhau, tương đồng nhau về sở thích, cách sống, cách nghĩ... thì dù có môn đăng hộ đối cỡ nào cũng tan vỡ. Bạn có thấy ông chủ Amazon – Jeff Bezos cũng ly dị vợ (cũng là một người giàu có) đó thôi.
(Hà Thanh - An Giang)