TMT: Gian nan tái cơ cấu

Việc chuyển dịch sang lĩnh vực thương mại xe điện đã tạo ra câu chuyện kỳ vọng với cổ phiếu TMT (của Công ty cổ phần TMT Motors), do sử dụng xe điện đang là xu hướng. Song thực tế, bài toán tái cơ cấu của doanh nghiệp đối diện với nhiều thách thức.

TMT đang tập trung vào lĩnh vực phân phối xe điện từ Trung Quốc

TMT đang tập trung vào lĩnh vực phân phối xe điện từ Trung Quốc

Lỗ lũy kế lớn, nợ vay cao

Giai đoạn đầu năm 2025, cổ phiếu TMT gây chú ý với đà tăng ấn tượng. Thống kê giao dịch trong vòng 2 tháng, từ ngày 24/12/2024 - 24/2/2025, thị giá cổ phiếu này đã tăng 144%, từ 7.030 đồng/cổ phiếu lên 17.150 đồng/cổ phiếu.

Thực tế, đà tăng nóng của cổ phiếu TMT diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp thua lỗ kỷ lục trong năm 2024 sau khi đẩy mạnh giải phóng hàng tồn kho và Công ty phát đi tín hiệu tái cơ cấu hoạt động theo hướng mở rộng lĩnh vực phân phối xe điện.

Cụ thể, đầu năm 2025, TMT Motors và Liên doanh SAIC-GM-Wuling (SGMW) của Trung Quốc thống nhất sẽ đưa nhiều mẫu xe mới vào thị trường Việt Nam trong năm nay, bên cạnh mẫu xe điện Wuling HongGuang Mini EV (đã bắt đầu đưa vào Việt Nam tháng 9/2023). Đồng thời, hai bên thống nhất trong vòng 5 năm tới sẽ đưa vào thị trường Việt Nam các mẫu xe chỉ cần sạc điện tại nhà, sử dụng nguồn điện dân dụng 220V.

Việc chuyển dịch sang lĩnh vực thương mại xe điện đã tạo nên câu chuyện kỳ vọng đối với TMT Motors do xe điện đang là xu hướng mới, nhất là trong bối cảnh Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tuy vậy, để tham gia vào lĩnh vực này, đòi hỏi nhà đầu tư phải có nguồn vốn lớn, đặc biệt là việc phát triển cơ sở hạ tầng trạm sạc. Đây là bài toán lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất, phân phối xe điện trên toàn cầu cũng như tại thị trường Việt Nam.

Dù liên kết với đối tác nước ngoài để phân phối dòng xe điện nhưng kể từ khi chính thức đưa vào thị trường dòng xe Wuling HongGuang Mini EV vào tháng 9/2023, tình hình tiêu thụ của TMT Motor không khả quan như kỳ vọng. Công ty liên tục hạ mục tiêu doanh số tiêu thụ so với kỳ vọng ban đầu là 5.000 xe mỗi năm. Năm 2024, với việc kinh doanh dưới giá vốn, TMT Motors ghi nhận lỗ kỷ lục 325 tỷ đồng.

Tính tới ngày 31/12/2024, tổng lỗ lũy kế của Công ty đã lên tới con số 269,98 tỷ đồng, bằng 72,4% vốn điều lệ.

Trước đó, tại báo cáo soát xét bán niên 2024, TMT Motors bị đơn vị kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục khi tại thời điểm 30/6/2024, Công ty đang sử dụng 120,7 tỷ đồng nguồn vốn ngắn hạn tài trợ cho tài sản dài hạn.

Mặc dù đã thực hiện giải phóng tồn kho trong năm 2024, song tại thời điểm cuối năm 2024, TMT Motors sở hữu 302,1 tỷ đồng tiền mặt, chiếm 20,6% tổng tài sản và nợ ngắn hạn và tài sản ngắn hạn cũng gần tương đương, chỉ sử dụng 10,4 tỷ đồng nguồn vốn dài hạn để tài trợ cho tài sản dài hạn.

Tại thời điểm cuối năm 2024, TMT Motors còn dư nợ tới 630 tỷ đồng, gồm 442,9 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 187,1 tỷ đồng nợ vay dài hạn. Công ty thuyết minh vay 234,8 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, 174,57 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng, 182,9 tỷ đồng vay của các cá nhân và một số khoản vay ngân hàng khác.

Đáng chú ý, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu của Công ty lên tới… 560,5%, vượt xa mức trung bình ngành là 116%. Tại một số doanh nghiệp cùng ngành như Công ty cổ phần Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (mã HAX), hay Công ty cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (mã SVC), tỷ lệ đòn bẩy tại cùng thời điểm lần lượt là 45% và 174%.

Cổ phiếu vào chu kỳ giá xuống

Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu của TMT Motor tại thời điểm cuối năm 2025 lên tới… 560,5%.

Chia sẻ về chiến lược kinh doanh, ông Bùi Quốc Công, Phó tổng giám đốc TMT Motors cho biết, TMT đã triển khai tái cấu trúc toàn bộ doanh nghiệp, bao gồm tái cấu trúc sản phẩm, nhà cung cấp, giảm hàng tồn kho từ 1.400 tỷ đồng về 489 tỷ đồng. Công ty đã tập trung mọi nguồn lực, nhân lực để giảm giá, cắt lỗ, giải phóng toàn bộ hàng hóa tồn kho từ nhiều năm trước, dẫn tới thua lỗ lớn trong năm 2024. Tuy nhiên, Công ty vẫn kiên định với việc tái cấu trúc toàn bộ hoạt động kinh doanh để chuẩn bị cho chu kỳ sản xuất - kinh doanh mới, bắt đầu từ quý I/2025.

Mặc dù phát đi tín hiệu tái cấu trúc và sớm bước vào chu kỳ tăng trưởng mới nhưng sau khi TMT Motors công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024, cổ phiếu của doanh nghiệp có dấu hiệu bị bán ra. Thống kê từ ngày 24/2 - 3/4/2025, cổ phiếu TMT đã giảm 29,4%, từ 17.150 đồng/cổ phiếu về 12.100 đồng/cổ phiếu.

Dù đã điều chỉnh nhưng do trải qua nhịp tăng quá nóng đầu năm, định giá cổ phiếu TMT ở thời điểm hiện tại cũng không còn rẻ (định giá P/B của cổ phiếu TMT lên tới 3,95 lần, cao hơn nhiều so với mức 1,36 lần của toàn ngành).

Trước nhịp điều chỉnh mạnh của thị trường chứng khoán do ảnh hưởng của chính sách thuế đối ứng “gây choáng váng” từ Mỹ, cổ phiếu TMT đã phát tín hiệu bước vào chu kỳ sóng xuống khi đã giảm quá 21% so với đỉnh, đồng thời các chỉ báo kỹ thuật cũng chưa cho thấy dấu hiệu tạo đáy ngắn hạn.

Duy Bắc

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/tmt-gian-nan-tai-co-cau-post366910.html