Tổ ấm nơi xóm trọ

Đến với mảnh đất Bắc Giang, gắn bó với khu công nghiệp nơi đây, hầu hết lao động ngoại tỉnh đều có chung niềm hy vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn. Để có được tổ ấm nhỏ ở xóm trọ với biết bao khó khăn, lo toan thường nhật, họ đã luôn yêu thương, sẻ chia và nỗ lực vun đắp.

Hạnh phúc bình dị

Đã hẹn từ trước nhưng khi đến xóm trọ công nhân ở tổ dân phố Hùng Lãm, phường Hồng Thái (thị xã Việt Yên), tôi phải chờ rất lâu mới gặp được gia đình anh Hoàng Văn Tuyền (sinh năm 1983) và chị Lê Thị Lan (sinh năm 1985), quê ở tỉnh Sơn La. Gặp tôi, chị Lan phân trần: "Em thông cảm nhé, tại hôm nay công ty nhiều việc nên anh chị đều tăng ca thêm". Câu chuyện về việc làm, thu nhập của cặp vợ chồng công nhân với tôi cứ thế diễn ra một cách tự nhiên.

 Gia đình anh Hoàng Văn Tuyền, chị Lê Thị Lan (ngoài cùng bên phải) vui vẻ trong xóm trọ công nhân.

Gia đình anh Hoàng Văn Tuyền, chị Lê Thị Lan (ngoài cùng bên phải) vui vẻ trong xóm trọ công nhân.

Nên duyên vợ chồng với nhau được hơn một năm thì anh Tuyền, chị Lan xuống làm công nhân ở Bắc Giang. Khi ấy, cặp vợ chồng trẻ chưa lường hết những khó khăn, vất vả khi kiếm sống xa quê. Khi chị Lan sinh cháu đầu, cuộc sống nhiều thử thách, từ chỗ hai người đều làm ra tiền, giờ giảm xuống còn một, tổng thu nhập cũng giảm đi một nửa. "Có nói ra cũng không ai hình dung được hết những khó khăn, vất vả của vợ chồng tôi khi ấy. Phải lo toan đủ thứ, rồi những lúc con ốm hay gia đình có việc đột xuất, hai vợ chồng lại phải chạy đôn, chạy đáo, bảo đảm cả việc riêng và việc ở công ty. Nhưng nhìn con kháu khỉnh, khỏe mạnh lớn lên mỗi ngày, chúng tôi lại có thêm động lực để cố gắng", chị Lan tâm sự.

Do làm khác công ty nên thời gian biểu của anh chị nhiều khi lệch nhau, song cả hai cùng nhau chia sẻ mọi việc gia đình. Nhiều khi mệt mỏi vì áp lực công việc, kinh tế thiếu thốn khiến vợ chồng khó tránh cảnh mặt nặng mày nhẹ, to tiếng với nhau. Khi ấy, vợ chồng lại động viên nhau vượt qua khó khăn. Hiện anh Tuyền, chị Lan đã có 2 con, 1 bé gửi về quê nhờ ông bà chăm sóc, 1 bé sống cùng bố mẹ. Anh chị tập trung làm việc, tính cả tăng ca, tổng thu nhập mỗi tháng cũng được gần 20 triệu đồng.

Trở thành “đất lành” của lao động muôn phương, tỉnh Bắc Giang hiện đang thu hút hơn 90 nghìn công nhân đến từ 30 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có khoảng 80% ở trọ. Tại các khu nhà trọ, không khó để tìm và gặp gỡ những cặp vợ chồng cùng làm công nhân. Họ xây tổ ấm nhỏ có bố, mẹ, các con, thậm chí đón cả ông bà nội ngoại sinh hoạt cùng. Phòng trọ chật hẹp, thiếu tiện nghi, đặc thù làm việc ca kíp khiến cuộc sống của nhiều gia đình còn nhiều vất vả, thiếu thốn. Nhưng được trò chuyện cùng họ, tôi mới thấy, phía sau những gian nan đời thường ấy không phải là sự chán nản, bỏ cuộc hay chia ly mà là những nỗ lực, cố gắng, đồng lòng để dần vượt qua khó khăn, giữ gìn sự yên ấm, hạnh phúc của gia đình. Như chị Hoàng Thị Tâm (sinh năm 1991), quê ở huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến Bắc Giang làm công nhân rồi gặp anh Đồng Duy Toàn (sinh năm 1984) quê ở huyện Lạng Giang nên duyên vợ chồng. Anh chị hiện đều làm công nhân ở Khu công nghiệp Quang Châu.

Tình yêu của họ được nuôi dưỡng từ những ngày khó khăn khi cả hai chi tiêu tằn tiện, phải chắt chiu từng đồng để gửi về quê giúp đỡ gia đình. Cuộc sống của hai vợ chồng công nhân thường nhật là tăng ca hay bữa cơm muộn vắng một trong hai người. Cũng bởi sự nỗ lực, cố gắng vượt qua gian khó trong những ngày tháng ấy đã giúp họ có một tổ ấm hạnh phúc khi "2 cô công chúa nhỏ" luôn ở bên. Khi được hỏi về mong ước của mình, chị Tâm cười đáp: “Dù cuộc sống còn nhiều vất vả nhưng tôi tự thấy mình may mắn hơn rất nhiều người. Các con đều mạnh khỏe, những lúc ốm đau có ông bà hỗ trợ. Với tôi, hạnh phúc chỉ cần giản đơn, bình dị vậy thôi”.

Tiếp chúng tôi trong căn phòng trọ vẻn vẹn 15 m2, nằm sâu ở con ngõ nhỏ thuộc tổ dân phố My Điền 1, phường Nếnh (thị xã Việt Yên), anh Lý Văn Đức (sinh năm 1988) tâm sự: “Hai vợ chồng cùng quê ở huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn đến Khu công nghiệp Đình Trám làm công nhân đã gần 8 năm. Mỗi tháng, tính cả tăng ca, thu nhập trung bình của hai vợ chồng được khoảng 17 triệu đồng. Trừ chi phí sinh hoạt và chắt chiu, tôi cũng gửi được về cho bố mẹ ở quê một nửa. Cuộc sống xa quê, thiếu trước hụt sau nên vất vả lắm!”.

Được biết, thời gian con còn nhỏ, chưa có cơ sở mầm non nhận trông, lương thấp hơn vợ nên anh Đức xin nghỉ việc để ở nhà chăm sóc con. Khi dịch Covid-19 bùng phát, mất việc làm, đồng nghĩa với không có nguồn thu, cuộc sống lâm vào bí bách, tưởng như không thể bám trụ. Để tằn tiện lo trang trải cuộc sống, có những năm Tết đến, anh Đức không thể cho vợ con về quê dù quãng đường gần 100 km về nhà cũng không quá xa. Khó khăn nào rồi cũng sẽ qua, gắn bó nhiều năm với mảnh đất Bắc Giang, anh Đức cũng như nhiều công nhân đã có cuộc sống tốt hơn khi việc làm ổn định, thu nhập cải thiện. Họ chuyển sang thuê phòng trọ rộng rãi, khang trang hơn, mua sắm thêm tiện nghi sinh hoạt.

Vững tin vào cuộc sống

Bắc Giang đang trên đà phấn đấu trở thành tỉnh trọng điểm về công nghiệp với nhiều giải pháp thu hút đầu tư thông thoáng. Theo thống kê của ngành chức năng, tiền lương bình quân chung năm 2024 của người lao động là gần 8,5 triệu đồng/người/tháng, tăng 7,6% so với năm 2023; giai đoạn 2019-2024, tăng bình quân 6%/năm. Dù vậy, để dành dụm, chắt chiu cho tương lai, hầu hết công nhân đều tranh thủ thời gian, sức khỏe, không ngại vất vả cho những giờ tăng ca.

 Công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn Wonjin Vina (Khu công nghiệp Vân Trung) tham gia ngày hội văn hóa, thể thao.

Công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn Wonjin Vina (Khu công nghiệp Vân Trung) tham gia ngày hội văn hóa, thể thao.

Câu chuyện của tôi và những vợ chồng công nhân kéo dài mãi song vẫn chỉ xoay quanh những vất vả, lo toan của đời người công nhân. Họ từng ngày nỗ lực để vượt qua những thăng trầm, chịu khó tích lũy vốn liếng, cùng nhau chăm lo cuộc sống. Có nỗi niềm, có trăn trở nhưng họ vẫn luôn hy vọng ở một tương lai tốt đẹp hơn. Ở đó, có điểm tựa quan trọng là gia đình, một tổ ấm nhỏ mà ngày đêm họ vun đắp, gìn giữ.

Hai vợ chồng tôi cố gắng làm việc mỗi ngày, dành dụm tiền gửi về lo cho các con. Tranh thủ tăng ca, có thêm thu nhập, thi thoảng mua được món quà gửi về quê. Thấy chúng vui, cuộc sống bớt thiếu thốn là chúng tôi quên hết mệt mỏi để cố gắng”.

Anh Lê Xuân Lợi chia sẻ.

Anh Lê Xuân Lợi và vợ là chị Hoàng Thị Thanh, quê ở huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) có gần 16 năm làm công nhân. Hai vợ chồng từng thay đổi nhiều doanh nghiệp do làm áp lực, lương thấp hoặc ít việc. Năm 2010, anh chị cùng đến Bắc Giang làm việc trong Khu công nghiệp Vân Trung và gắn bó từ đó đến nay. Anh Lợi tâm sự: “Hai vợ chồng tôi cố gắng làm việc mỗi ngày, dành dụm tiền gửi về lo cho các con. Tranh thủ tăng ca, có thêm thu nhập, thi thoảng mua được món quà gửi về quê. Thấy chúng vui, cuộc sống bớt thiếu thốn là chúng tôi quên hết mệt mỏi”. Được biết, từ số tiền tích lũy được suốt nhiều năm làm công nhân, anh Lợi, chị Thanh dồn tiền sửa nhà, mới đây, xây mới nhà bếp và công trình phụ ở quê khang trang.

Phát huy vai trò cầu nối yêu thương trong việc xây dựng tổ ấm nơi xóm trọ, các cấp công đoàn trong tỉnh đã phối hợp với hội phụ nữ, tổ chức đoàn, hội liên hiệp thanh niên tổ chức nhiều hoạt động bổ ích như: Sân chơi văn hóa “Giờ thứ 9”, Ngày hội tháng 5, Ngày hội Thanh niên công nhân, giao lưu dân vũ, khiêu vũ, bóng đá... Ở các khu trọ, hầu hết các chủ nhà đều dành sự quan tâm, sẻ chia với công nhân lao động xa quê. Những món quà nhỏ khi đau ốm, hoạn nạn hay việc giảm tiền thuê lúc dịch bệnh, giá cả leo thang, dù giá trị vật chất không lớn nhưng trĩu nặng sự yêu thương và ấm áp tình người.

Đến khu trọ ở tổ dân phố Hùng Lãm, phường Hồng Thái (thị xã Việt Yên) vào một buổi chiều tháng 5, không khí rộn ràng hơn thường lệ. Nhiều công nhân đã tan ca nhưng thay vì vội vã về phòng nghỉ ngơi như mọi ngày, họ tập trung tại khu vực sân, nơi diễn ra bữa tiệc mừng sinh nhật công nhân quý II, lồng ghép với liên hoan văn nghệ hưởng ứng Tháng Công nhân. Không có sân khấu hoành tráng, cũng chẳng cần phông bạt, buổi sinh hoạt diễn ra ngay giữa sân của khu nhà trọ - nơi thường ngày là chỗ mọi người phơi đồ, ngồi hóng mát. Tiếng cười nói rộn ràng, những tràng pháo tay cổ vũ vang lên khi các tiết mục “cây nhà lá vườn” kết thúc. Có mặt để góp vui với công nhân, ông Lương Đức Nam, chủ nhà trọ chia sẻ: “Chúng tôi coi những công nhân ở trọ tại nhà mình như người thân. Được chia sẻ, giúp đời sống vơi bớt khó khăn là tôi thấy vui rồi”.

Giữa những bộn bề, lo toan của cuộc sống, mỗi công nhân đều muốn có việc làm, thu nhập ổn định để bảo đảm đời sống, dành dụm lo cho tương lai. Trong những năm tháng gắn bó với mảnh đất Bắc Giang, các cặp vợ chồng cùng làm công nhân luôn nỗ lực vun đắp tổ ấm nhỏ nơi xóm trọ. Với họ, hạnh phúc bình dị sau tan ca là có nơi “an cư” ấm áp trước mắt, bữa cơm đủ đầy thành viên. Nhiều gia đình công nhân chọn Bắc Giang là nơi gắn bó cả cuộc đời nên niềm mong mỏi lớn nhất là có căn nhà ở xã hội cho riêng mình và xung quanh khu công nghiệp có nhà trẻ, trường học và các dịch vụ phúc lợi phù hợp.

Bài, ảnh: Tường Vi

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/to-am-noi-xom-tro-postid418697.bbg