Tờ báo của lòng dân

Cụm từ 'báo ra dân' là để chỉ và cũng nhằm nhắc nhớ thời kỳ sơ khai của Báo Công an TPHCM (nay là Chuyên đề Công an TPHCM) từ tờ nội san của Lực lượng Công an TPHCM (CATP) khi phát hành rộng rãi ra thị trường. Đó là vào cuối năm 1986, tòa soạn báo lúc này đặt tại ngôi nhà trệt nằm ở góc đường Nguyễn Trãi - Nguyễn Cảnh Chân, Q1 (ngay cổng sau CATP), quét vôi trắng, cũ kỹ, gồm một sảnh phía trước ngăn ra các phòng: Tiếp khách, Phóng viên, Ban Biên tập... Nhà ăn sát cửa sau và dãy phòng nhỏ kề bên là các phòng Hành chánh, Trị sự, phía sau nữa là bếp ăn nấu củi lộ thiên... Trước sân tòa soạn có một cây khế chua, suốt ngày trái chín rụng lộp bộp như để nhắc nhớ mọi người một thời gian khó. Tôi về báo ngay từ số 3, lúc đó có 8 trang, phát hành mỗi tuần, số lượng in là 6.000 tờ/kỳ.

Khi báo cải tiến, thêm nhiều chuyên mục hấp dẫn, nhất là "Tin đó đây" ở trang 8, số lượng báo tăng vùn vụt mỗi kỳ. Lúc số lượng phát hành lên đến 36.000 tờ/kỳ thì anh Hà Phi Long khi ấy phụ trách bộ phận Trị sự đã phải "chạy" mua "bond giấy" bên ngoài mới đủ in báo. Nhưng số lượng báo in không dừng lại ở đó mà vẫn tiếp tục tăng chóng mặt, nhất là khi báo phát hành lúc sáng sớm, trẻ con bán báo dạo ôm chồng báo mới ra lò nóng hổi, vừa chạy vừa rao những tựa đề hấp dẫn càng gợi sự tò mò, háo hức cho người đọc và mua báo khắp các nẻo đường, hẻm phố, tạo thành hiện tượng của làng báo lúc bấy giờ.

Thời kỳ này báo bán chạy là niềm vui chung nhưng cũng là nỗi khổ vì cạnh tranh thị trường nên một số chuyên mục hấp dẫn của báo bị "dèm pha" như "Chuyện vụ án", "Tin đó đây"... Mặc dù vậy, Ban Biên tập vẫn cương quyết duy trì và giữ vững mục đích, tôn chỉ của tờ báo ngành. Do nhu cầu độc giả, báo tăng trang, thêm nhiều chuyên mục và ngày càng bán chạy. Với sự phát triển của tờ báo, Ban Biên tập quyết định ra thêm tờ đặc san cuối tuần và với quy mô của tờ báo, tòa soạn mở rộng nên được CATP và bộ cho dời trụ sở về tòa nhà 110 Nguyễn Du, P. Bến Thành, Q1 như hiện nay.

Về trụ sở mới, với sáng kiến của Ban Biên tập lúc bấy giờ, Báo Công an TPHCM mở ra Quỹ Xã hội - Từ thiện giúp dân nghèo, cho những người buôn gánh bán bưng thiếu vốn "mượn" 200.000 đồng/hộ để khởi nghiệp. Nói cho "mượn" chứ thật ra là giúp không cần hoàn lại, số tiền này vào thời điểm đó đã hỗ trợ nhiều người dân thoát nghèo, có phương tiện làm ăn sinh sống, báo tăng thêm uy tín, được lòng dân nên được gọi là "Tờ báo của đại chúng", từ anh đạp xích lô, chị bán cá, bà bán rau, học sinh - sinh viên, giáo chức... đều có trên tay tờ Báo Công an TPHCM vào mỗi sáng sớm phát hành và duy nhất trên thị trường báo chí, Báo Công an TPHCM là tờ báo tự phát hành không qua một công ty nào.

Báo Công an TPHCM cùng Công an tỉnh Khánh Hòa trao xe đạp và quà cho học sinh nghèo hiếu học thuộc đồng bào Raglai ở Khánh Hòa

Báo Công an TPHCM cùng Công an tỉnh Khánh Hòa trao xe đạp và quà cho học sinh nghèo hiếu học thuộc đồng bào Raglai ở Khánh Hòa

Mỗi sáng sớm, lúc 3-4 giờ sáng, trụ sở báo mở rộng cổng chính cho các đại lý báo đi xe máy, ôtô tải nhẹ chạy thẳng vào tòa soạn, phía sau chỗ bộ phận phát hành lấy báo theo số lượng đã đăng ký trên phiếu, đóng tiền trước 1 tuần. Mỗi sáng sớm ngày báo phát hành, nhìn cảnh tượng đông vui, đại lý ra vào tấp nập lấy báo mang ra thị trường, từ Ban Biên tập tới anh chị em phóng viên, trị sự, phát hành đều lấy đó làm nguồn động viên khích lệ, thêm yêu nghề, tận tụy hơn với nhiệm vụ được giao.

Đỉnh điểm của báo là thời kỳ phát hành 720.000 tờ/kỳ. Vẫn theo nhu cầu độc giả, Báo Công an TPHCM tiếp tục tăng trang, thêm kỳ phát hành và đặc san cuối tuần. Báo có uy tín, được độc giả ủng hộ, không chỉ tờ báo mà từng bài viết đi vào lòng dân là niềm hạnh phúc đồng thời cũng là nỗi lo, trăn trở của Ban Biên tập, tòa soạn, trị sự, phát hành... luôn đau đáu tư duy cải tiến từ hình thức, nội dung, chất lượng mỗi tin, bài. Bởi lẽ hiện nay báo không còn độc quyền trong việc khai thác thông tin trong ngành nữa, mà các báo bạn cũng đã xông vào lĩnh vực an ninh trật tự. Vấn đề là Ban Biên tập phải thực sự bản lĩnh, phát huy thế mạnh và truyền thống của Báo Công an TPHCM từ ngày ra dân cho tới hôm nay đã trải qua các thời kỳ đổi mới, củng cố, phát triển. Phóng viên cần phải chịu khó, yêu nghề, trách nhiệm, kỳ công... mới có những chuyên mục hay, loạt bài chất lượng gây được tiếng vang, tạo hiệu ứng xã hội tốt.

Hiện nay mạng xã hội phát triển, báo điện tử đưa tin nhanh, nhưng thế mạnh của báo giấy vẫn còn, đặc biệt thế mạnh lòng dân của Báo Công an TPHCM không chỉ là truyền thống, là uy tín, mà còn là chỗ dựa để củng cố, phát triển theo xu thế hiện đại. Theo tôi, thế mạnh của Báo Công an TPHCM vẫn là các chuyên mục mang tính đặc trưng của ngành và những loạt bài phóng sự, điều tra, chuyện vụ án. Riêng chuyện vụ án không chỉ "sao chép", "tường thuật" mà cần phân tích, khai thác nghiệp vụ, nhất là những biện pháp nghiệp vụ mang tính nhân văn để cảm hóa đối tượng và phá án.

Nếu đã nói Báo Công an TPHCM là "Tờ báo của đại chúng", "Tờ báo của lòng dân" thì không thể tách rời dân, xa dân, mà phải một mực gắn bó với dân. Có những chuyên mục từng là thế mạnh đặc trưng của tờ báo trước đây, góp phần tăng số lượng phát hành, rất hợp lòng dân vì lý do gì đó đã không còn trên báo nữa cần được phục hồi. Có những trang mục hiện tại đã "xuống cấp", cần được đầu tư, gia công "nâng cấp" để tăng tính hấp dẫn. "Tính hấp dẫn" của nhiều bài báo sẽ làm nên "tính hấp dẫn" của tờ báo. Thiết nghĩ báo giấy không nên "mặc cảm tự ti" trước báo điện tử hay mạng xã hội mà tự bước lùi đi vào con đường khó khăn của mình, hãy tìm ra sự độc đáo để làm nên thế mạnh.

Báo Công an TPHCM từ khi ra dân, tòa soạn nơi góc đường Nguyễn Trãi - Nguyễn Cảnh Chân, Q1 tới nay ở tòa nhà 110 Nguyễn Du, P. Bến Thành, Q1 là cả một quá trình tồn tại và phát triển đi vào lòng dân của tờ báo ngành đã tạo nên sự độc đáo riêng biệt. Quá trình đó là một chặng đường đầy gian khó, cam go mà những người đi trước đã vượt qua để có được sự thành công hôm nay. Tòa nhà 110 Nguyễn Du từng chứng kiến bao sự đổi thay, người sau tiếp nối người trước củng cố, cải tiến, giữ vững tờ báo cũng chính là nhờ vào lòng dân. Sự ủng hộ của độc giả tuy qua từng giai đoạn có khác, số lượng có sụt giảm, nhưng nếu biết khai thác, vực dậy thế mạnh từ lòng dân, gắn bó với dân, ắt sẽ khắc phục được nhược điểm để vươn lên, vượt qua chính mình.

Thời gian và không gian cách nhau từ ngày báo ra dân cho tới nay đã gần 38 năm, một con số đáng nhớ và đáng cho chúng ta nhìn lại cả một quá trình phấn đấu để giữ vững "thương hiệu" tờ báo ngành. Đừng nghĩ Báo Công an TPHCM là tờ báo hay chuyên đề mà hãy nghĩ đó là nơi đã trui rèn biết bao thế hệ người làm báo trong ngành hay ngoài ngành, người làm báo này đặc biệt được trui rèn trong môi trường phục vụ dân, luôn gắn bó với dân, nhất là dân nghèo, "thấp cổ bé miệng" để bênh vực họ. Từ đó mỗi phóng viên đều tâm niệm, đau đáu tư duy, không quản công sức, thời gian để có được những bài viết hay, chất lượng, hình ảnh độc đáo lay động xã hội, tạo được độ rung dư luận tức là góp phần tạo dựng được thương hiệu "Tờ báo của lòng dân".

Riêng cá nhân tôi, người viết bài này, tuy đã nghỉ hưu theo chế độ, không chỉ là người cộng tác thường xuyên mà mỗi khi có dịp ghé lại ngôi nhà 110 Nguyễn Du thân thương, tôi không nghĩ đó chỉ là một tòa soạn báo quen thuộc, mà là ngôi nhà thứ hai của mình. Người cũ, đồng nghiệp cũ thưa dần; người mới, đồng nghiệp mới được bổ sung để tiếp nối thành quả mà những người đi trước đã tạo dựng, tôi vẫn cảm nhận được sự xúc động của mình. Đó là nơi mình đã từng một thời gắn bó hơn nửa đời người.

Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6 nói chung và Báo Công an TPHCM nói riêng, qua bài viết này, tôi xin gửi niềm xúc động chân tình tới các đồng chí, đồng nghiệp hiện đang tiếp tục sự nhọc nhằn, cam go, kiên trì trên bước đường củng cố, cải tiến, giữ vững thương hiệu, bản sắc độc đáo của tờ báo ngành: Báo Công an TPHCM "Tờ báo của lòng dân"!

TỪ KẾ TƯỜNG

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/to-bao-cua-long-dan_163788.html