Tổ chức lại giao thông tại hàng loạt nút giao, Hà Nội vẫn ùn tắc
Liên tục điều chỉnh tổ chức lại giao thông tại các nút giao, lắp dải phân cách… nhưng giao thông Hà Nội vẫn chưa thể hạ nhiệt. Ùn tắc vẫn diễn ra, đường mạnh ai người đấy đi, không còn dấu hiệu của phân làn, phân tuyến…
Ùn, tắc vẫn là … "đặc sản”
Chiều 2/4, trở về từ Hải Phòng, chị Hương Giang đã cố chọn khung giờ vắng, song đoạn đường lên cầu Vĩnh Tuy vẫn ùn tắc. Gần nửa tiếng chia cảnh nhích từng bước mới thoát được khu vực này, chị Giang chia sẻ: “Không hiểu Hà Nội tổ chức giao thông thế nào mà hễ trời mưa, gặp nút giao là dễ ùn”.
Không chỉ xảy ra vào buổi chiều, trước đó, từ 9h30' sáng 1/4, giao thông trên đường dẫn lên cầu Vĩnh Tuy cũng rơi vào cảnh tắc kéo dài. Phương tiện ô tô, xe máy phải xếp hàng dài chờ lên cầu trong trời mưa. Đến 11h30', ùn tắc kéo dài trên đường dẫn cầu Vĩnh Tuy được bản đồ Google Maps đo được là dài hơn 1 km.
Nói về tình trạng ùn tắc trên cầu Vĩnh Tuy thời gian gần đây, đại diện Đội CSGT số 4, Phòng CSGT Hà Nội thông tin: do hàng rào công trường thi công dự án cầu Vĩnh Tuy 2 mấy hôm nay mở rộng hơn so với trước nên gây ùn tắc. Những ngày trước trời không mưa nên phương tiện vẫn đi lại bình thường. Tuy nhiên mấy ngày gần đây trời mưa, lượng phương tiện ôtô tăng cao đã xảy ra ùn tắc đối với đường dẫn lên cầu. Với hàng rào thi công, đại diện Đội CSGT số 4 cho biết thêm, sẽ yêu cầu đơn vị thi công dự án có giải pháp phù hợp hơn, tập trung thi công về đêm hoặc sử dụng hàng rào di động, khi ùn tắc phải thu hẹp lại, đảm bảo cho giao thông được thông suốt.
Không riêng gì tuyến cầu Vĩnh Tuy, thời gian gần đây người dân thường xuyên lưu thông trên trục đường Nguyễn Trãi hướng vào Hà Đông cũng ngán ngẩm khi cơ quan chức năng kéo dài thời gian thí điểm phân làn trên đường Nguyễn Trãi, hay đường dành riêng cho buýt BRT.
Trước đó, sau 1 tháng thí điểm phân làn từ Ngã Tư Sở đến hầm chui Thanh Xuân bằng dải phân cách cứng (từ ngày 6/8 đến 6/9/2022), Sở GTVTđánh giá bước đầu có một số kết quả tích cực. Để có kết quả chính xác hơn, Sở này đề xuất thành phố tiếp tục cho thí điểm phân làn đường Nguyễn Trãi đến ngày 31/12/2022. Cùng với đó, đề xuất điều chỉnh thu ngắn các vị trí dải phân cách bằng trụ đảo mũi tên 6-8m cho phù hợp thực tế; bổ sung các biển báo, hiệu lệnh kết hợp chỉ dẫn tại đầu dải phân cách; điều chỉnh tổ chức giao thông tại điểm quay đầu gầm cầu vượt Ngã Tư Sở để giảm bớt xung đột, cải thiện tình trạng ùn ứ.
Thế nhưng, đến nay, thời điểm thí điểm kéo dài trên đã quá hạn hơn 3 tháng, cũng chưa thấy cơ quan chức năng đưa ra đánh giá cuối cùng là có tiếp tục duy trì hay bỏ hẳn dải phân cách. Trong khi đó, người dân lưu thông trên tuyến đường gần như quên mất có viêc phân làn, đoạn nào trống, dễ đi thì đi vào…
Đặc biệt cảnh ùn ứ vẫn diễn ra. Đường dành riêng cho buýt BRT cũng thành làn cho xe môtô mỗi lần dấu hiệu ùn tắc xuất hiện. Tóm lại sau ngần ấy thời gian thử nghiệm sáng kiến phân làn, đường Nguyễn Trãi đoạn ngã tư Sở vào Hà Đông vẫn ùn tắc như cũ.
Vẫn còn hơn 30 điểm ùn tắc
Từ đầu năm 2023 đến nay, Sở GTVT liên tục đưa ra các thông báo điều chỉnh phương án tại nhiều nút giao như Ngã Tư Sở; Hoàng Minh Giám - Trần Duy Hưng; Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh; nút giao Mễ Trì... Gần đây nhất, Sở GTVT tiếp tục có thông báo thí điểm điều chỉnh tổ chức khu vực nút giao Trường Chinh - Tôn Thất Tùng - Lê Trọng Tấn (quận Đống Đa, Thanh Xuân) từ ngày 25/3 - 25/6/2023. Dù đã triển khai nhiều biện pháp, song theo thông tin mới nhất từ ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, cuối năm 2022 toàn thành phố có 37 điểm ùn tắc, chủ yếu tập trung trong khu vực nội thành. Trong số này, có 10 điểm ùn tắc phát sinh mới. Từ đầu năm đến nay đã xử lý được 3 điểm đen ùn tắc gồm các khu vực: Châu Văn Liêm - Lê Quang Đạo; Đại La - Trần Đại Nghĩa; Ngã Tư Vọng.
Bên cạnh nguyên nhân lưu lượng phương tiện lớn, ý thức tham gia giao thông của người dân chưa cao, theo đại diện Sở GTVT, trong 37 "điểm đen" ùn tắc giao thông, có 17 điểm ùn tắc do rào chắn thi công các dự án gây thu hẹp lòng đường; 10 điểm do hạ tầng chưa đồng bộ; 10 điểm do quá tải kết cấu hạ tầng.
Thông tin thêm về "bức tranh" giao thông trên địa bàn Thủ đô, Sở GTVT cho biết, tính đến nay, toàn thành phố có hơn 23 nghìn km đường bộ. Trong đó, Sở GTVT quản lý hơn 2,3 nghìn km, UBND cấp huyện quản lý hơn 21 nghìn km. Tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt khoảng 10,35%. Đối với lĩnh vực giao thông công cộng, TP Hà Nội đang có 154 tuyến buýt tiếp cận 30/30 quận, huyện và thị xã. Một tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã đưa vào khai thác. Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt 18,5%.
Về lượng phương tiện, tính đến tháng 2/2023, Hà Nội có 7,86 triệu phương tiện giao thông, tốc độ gia tăng phương tiện giao thông trung bình của Hà Nội khoảng 4-5%/năm.Trong đó, có hơn 1 triệu ôtô; có 6,6 triệu xe máy và gần 185 nghìn xe máy điện. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố thường xuyên có khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố tham gia giao thông.
Sở đang kiến nghị UBND TP Hà Nội triển khai chính thức sau thời gian thí điểm tại các nút, tuyến đường đang thí điểm điều chỉnh tổ chức giao thông trên. Đồng thời, cũng sẽ rà soát trên toàn bộ các tuyến đường để tổ chức lại phù hợp hơn. Tối ưu hóa việc tổ chức hạ tầng giao thông, Sở GTVT cũng vừa đề xuất UBND TP Hà Nội mua phần mềm mô phỏng hoạt động giao thông, phần mềm đo đếm lưu lượng phương tiện làm công cụ phân tích một cách trực quan, giúp cho công tác tổ chức giao thông hiệu quả hơn.
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho rằng, hiện nay, việc áp dụng phần mềm mô phỏng hệ thống giao thông sẽ cho thấy trực quan các dòng giao thông, hiện trạng cũng như các phương án dự kiến tổ chức giao thông, từ đó có phương án tối ưu trong tổ chức giao thông.