Tổ chức tài chính tăng tốc thoái vốn khỏi than
Số lượng các tổ chức tài chính thoái vốn khỏi than ngày càng nhiều hơn, và dự báo sẽ tiếp tục tăng lên, từ đó củng cố các chính sách hiện có.
Viện Kinh tế năng lượng và phân tích tài chính (IEEFA) trong báo cáo mới nhất cho biết các tổ chức tài chính quan trọng trên toàn cầu đang cam kết thoái vốn khỏi than với tốc độ nhanh hơn, khi biến đổi khí hậu trở thành ưu tiên trên toàn cầu.
Phải mất gần sáu năm để 100 tổ chức đầu tiên áp dụng các chính sách loại trừ than, nhưng kể từ đó, con số này đã tăng gấp đôi chỉ sau hơn ba năm.
Bà Christina Ng, người đứng đầu bộ phận về thị trường nợ khu vực châu Á Thái Bình Dương của IEEFA, cho biết, hiện có hai xu hướng nổi bật đang xác định lại thị trường vốn.
Thứ nhất, ngày càng nhiều tổ chức tài chính cam kết thực hiện các chính sách đầu tư rời xa các dự án nhiên liệu hóa thạch. Thứ hai, nhiều tổ chức trong số đó đang sửa đổi và củng cố các chính sách, trong bối cảnh thị trường gia tăng hiểu biết rằng, rủi ro khí hậu như một nguồn rủi ro có tính hệ thống với hệ thống tài chính toàn cầu.
Các tổ chức đang trở nên khắt khe hơn với các khoản tài trợ, và họ xác định rằng than là một khoản đầu tư rủi ro. Họ xem rủi ro khí hậu là rủi ro tài chính, bà Christina Ng cho biết thêm.
Điều thú vị là người dẫn đầu cuộc đua không phải là những nhà quản lý tài sản lớn nhất, mà là những tổ chức ở tầm trung nhận ra nghĩa vụ của mình với khách hàng.
Theo vị chuyên gia của IEEFA, điều này phản ánh rằng thị trường đang học hỏi nhanh chóng khi các cơ quan quản lý ngày càng quan tâm đến vấn đề “tẩy xanh” – greenwashing.
Cuộc đua giữa các tổ chức tài chính
Các tổ chức tài chính châu Âu đang dẫn đầu trong việc thoái vốn khỏi than, với các chính sách chặt chẽ hơn so với các khu vực khác.
Sự tham gia của các tổ chức tài chính từ châu Á cũng tăng lên nhanh chóng, với số lượng hiện nay là 41 tổ chức có chính sách rút lui chính thức, so với con số chỉ 10 tổ chức trong giai đoạn 2013 - 4/2019.
22 tổ chức tài chính tại các nền kinh tế mới nổi cũng tham gia cuộc chơi, bao gồm Nam Phi, Malaysia, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Philippines. Điều đáng chú ý là đây lại là những thị trường phụ thuộc lớn vào than đá để sản xuất điện.
IEEFA cho biết thêm về phía các ngân hàng, trong vòng hai năm qua, có 47 ngân hàng tăng cường chính sách rời khỏi than, trong khi 16 ngân hàng lần đầu tiên công bố kế hoạch. Đáng chú ý, hơn một nửa những ngân hàng mới tham gia đến từ châu Á, cho thấy cuộc đua dần nóng lên nhanh chóng.
Không chỉ vậy, các công ty bảo hiểm – đóng vai trò quản lý rủi ro, bảo lãnh phát hành cho các dự án than, và là nhà đầu tư tổ chức quan trọng – cũng dần rút khỏi than.
Các chính sách loại bỏ than toàn diện nhất bao gồm hạn chế tất cả dịch vụ và sản phẩm tài chính được ngân hàng cung cấp, chấm dứt quan hệ kinh doanh với các công ty than, thậm chí, hạn chế với bất kỳ dịch vụ tài chính nào cho các công ty có tiếp xúc với than.
Những hạn chế này liên quan đến tài chính doanh nghiệp, bảo lãnh phát hành, và hạn chế đầu tư với các hoạt động liên quan đến than rộng hơn như điện than, hay than cho cơ sở hạ tầng đường sắt và cảng.
Bà Christina Ng đánh giá, số lượng các tổ chức đưa ra cam kết thoái vốn khỏi than sẽ tiếp tục tăng lên, từ đó, củng cố các chính sách hiện có.
Đơn cử, các tổ chức tài chính ở các thị trường mới nổi đang có nhiều chính sách rời bỏ than nhiều hơn do ảnh hưởng từ các tổ chức lớn trên toàn cầu, và rủi ro mắc kẹt tài sản từ nhiên liệu hóa thạch ngày càng tăng cao khi chi phí sản xuất năng lượng sạch đang giảm đáng kể.