Tổ hòa giải thôn Châu Sơn - nơi hàn gắn những rạn nứt
Cứ mỗi lần hòa giải thành công một vụ việc, chúng tôi thấy rất vui vì đã giúp tình làng, nghĩa xóm được bền chặt, vợ chồng thuận hòa, con cái yên vui'. Ông Nguyễn Đình Liên, Trưởng thôn Châu Sơn, Tổ trưởng tổ hòa giải đã mở đầu như vậy khi nói về công việc 'ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng' của các thành viên trong tổ hòa giải thôn Châu Sơn, xã Quảng Trường (Quảng Xương).
Các thành viên trong tổ hòa giải thôn Châu Sơn, xã Quảng Trường (Quảng Xương) tìm hiểu các quy định của pháp luật để phục vụ cho công tác hòa giải.
Ông Liên cho biết thêm, tổ hòa giải thôn Châu Sơn được thành lập năm 2018, với 6 thành viên là chi hội trưởng chi hội các đoàn thể như: Phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh, người cao tuổi và trưởng ban công tác MTTQ thôn. Sau 5 năm đi vào hoạt động, tổ đã hòa giải thành công 26/26 vụ việc tranh chấp, mẫu thuẫn nhỏ giữa hàng xóm với nhau, giữa vợ chồng đánh, cãi nhau... Qua các vụ hòa giải thành công, người dân luôn tin tưởng, ủng hộ, nên việc triển khai các văn bản pháp luật liên quan đến đời sống Nhân dân mang lại hiệu quả cao.
Đơn cử như vụ mâu thuẫn giữa ông Nguyễn Văn Đ. và ông Nguyễn Văn Th. là hàng xóm với nhau. Trước kia hai gia đình sống hòa thuận, đoàn kết, nhưng chỉ vì không thống nhất được phần đất để xây dựng tường rào mà xảy ra mâu thuẫn, không hỏi han nhau. Đến khi, nhà ông Nguyễn Văn Th. xây dựng công trình cho xe chở vật liệu đi qua đoạn đường gần nhà ông Đ. làm sụt lún đường, dẫn đến ông Đ. viết đơn gửi thôn, đề nghị thôn giải quyết việc trên. Nhận được thông tin, các thành viên trong tổ hòa giải phân công đến từng gia đình nắm bắt sự việc, kiểm tra hiện trạng đường sụt lún. Sau đó, mời hai gia đình lên hội trường thôn để trình bày hết những bức xúc lâu nay. Từ đó, các hòa giải viên vận dụng các quy định của pháp luật cũng như tình làng nghĩa xóm để phân tích cho hai gia đình hiểu. Qua đó, mỗi gia đình tự nhận thấy cái đúng, cái sai và cùng nhau giải quyết tận gốc vấn đề phát sinh mâu thuẫn. Đến nay, hai gia đình đã bình thường trở lại.
Hay vụ vợ chồng anh Nguyễn Đức B., sinh năm 1965 và chị Vũ Thị Th., sinh năm 1969 cùng đi làm phụ hồ cho các công trình xây dựng ngoài Hà Nội. Trong quá trình đi làm cũng chỉ vì mọi người hay trêu chị Th. nên anh B. ghen, chửi bới, đánh chị Th. Công ty thấy vậy, cho hai vợ chồng nghỉ việc để về giải quyết mâu thuẫn gia đình. Về đến nhà, vợ chồng tiếp tục xảy ra xô xát, chị Th. làm đơn xin ly hôn gửi sang cho trưởng thôn xác nhận. Thấy tình cảm của 2 vợ chồng rạn nứt, ông Liên và các thành viên trong tổ hòa giải đã gặp chị Th. nghe chị giải bày những bức xúc, từ đó phân tích cho chị những cái được và mất của việc vợ chồng bỏ nhau; hôm sau lại gặp gỡ anh B. để nói cho anh hiểu. Thấy việc phân tích có lý, có tình, hai vợ chồng suy nghĩ lại, không ly hôn nữa, cùng nhau đi làm và mới đây họ đã về quê tổ chức đám cưới cho đứa con gái lớn.
Đó là 2 trong rất nhiều vụ việc mà tổ hòa giải thôn Châu Sơn hòa giải thành. Trong quá trình hòa giải các vụ việc những năm gần đây, chúng tôi nhận thấy những vụ mâu thuẫn hàng xóm tranh chấp đất đai, tường rào, hoặc xả thải ra môi trường, sang nhà hàng xóm, trộm vặt... dần ít đi mà chủ yếu là mâu thuẫn trong mỗi gia đình lại gia tăng, nhất là mâu thuẫn giữa vợ chồng do “cơm không lành, canh không ngọt” hoặc vì “cơm áo, gạo tiền”, ghen tuông vô cớ, mẹ chồng nàng dâu... dẫn đến vợ chồng đánh nhau, đòi ly dị.
Những tưởng, những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong thôn sẽ dễ giải quyết nhưng khi bắt tay vào hòa giải từng vụ việc cụ thể lại không hề đơn giản. Bởi, mỗi vụ việc là khác nhau, mâu thuẫn trong gia đình, vợ chồng cũng khác nhau. Vì không phải ai cũng có nhận thức về xã hội, pháp luật tốt, nên khi nhận được vụ việc, các thành viên trong tổ hòa giải, phân công nhau, vụ việc này là của hội nông dân thì hòa giải viên phụ trách mảng nông dân phải chịu trách nhiệm đi nắm bắt tình hình, báo cáo lại tổ và cùng nhau tìm hiểu các quy định của pháp luật, bàn các giải pháp hòa giải để khi phân tích, lý giải vấn đề phát sinh mâu thuẫn, người được hòa giải thấy có lý, có tình, từ đó họ nhận ra đúng, sai để khắc phục, hàn gắn rạn nứt tình làng, nghĩa xóm, tình cảm vợ chồng, gia đình trở nên ấm êm, hạnh phúc.
"Điều mà các thành viên trong tổ hòa giải thôn Châu Sơn phấn khởi nhất đó là chưa có vụ việc nào phải hòa giải sang lần thứ 2, mà chỉ hòa giải lần đầu đã thành công. Vì vậy, rất nhiều năm rồi trong thôn không có đơn, thư, khiếu kiện vượt cấp hoặc mâu thuẫn lớn xảy ra làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn thôn", ông Liên nói.
Trao đổi thêm với chúng tôi về hiệu quả của tổ hòa giải thôn Châu Sơn, Chủ tịch UBND xã Quảng Trường Nguyễn Ngọc Cường cho biết: Những năm qua, tổ hòa giải thôn Châu Sơn làm việc rất bài bản. Các thành viên đều là những người có tâm huyết với công việc của cộng đồng dân cư. Họ không ngại khó, ngại khổ, tất cả vì sự đoàn kết trong thôn, nên khi có vụ việc xảy ra, các thành viên nhanh chóng nắm bắt tình hình, dựa trên tình làng, nghĩa xóm và các quy định của pháp luật để phân tích, lý giải, thuyết phục bà con hàn gắn mâu thuẫn, vợ chồng về lại một nhà với nhau.
Cũng chính từ sự tận tâm của các thành viên trong tổ hòa giải thôn Châu Sơn mà mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong Nhân dân đã được hòa giải kịp thời, góp phần giải quyết tận gốc các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ Nhân dân. Nhiều năm liền, xã chưa phải đứng ra giải quyết vụ hòa giải nào của thôn; qua đó góp phần tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, cũng thông qua những lần hòa giải như vậy, người dân mới nhận thức rõ hơn các quy định của pháp luật, từ đó sống theo hiến pháp và pháp luật. Với những kết quả đạt được, tháng 9/2023, tổ hòa giải thôn Châu Sơn đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở (2013-2023) trên địa bàn tỉnh.