Tổng chủ biên: Rà soát, chỉnh lý nội dung SGK phải tuân thủ chặt chẽ quy định của Bộ
Theo một số Tổng chủ biên SGK, việc chỉnh sửa nội dung là tất yếu nhưng cần thực hiện khoa học, bài bản và có sự phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan.
Trong năm 2025, việc rà soát chương trình và sách giáo khoa được triển khai trong bối cảnh cả nước thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh theo Nghị quyết số 202/2025/QH15 ngày 12/6/2025 của Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Trên cơ sở rà soát, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xác định một số môn học chịu tác động trực tiếp từ việc thay đổi địa giới hành chính gồm: Lịch sử và Địa lí lớp 4, lớp 5, lớp 9; Địa lí lớp 12; Lịch sử và Giáo dục Kinh tế và Pháp luật lớp 10. Các môn này sẽ thực hiện các bước theo quy định để chỉnh sửa chương trình môn học làm căn cứ để thực hiện chỉnh sửa sách giáo khoa, như cập nhật yêu cầu cần đạt, nội dung kiến thức, địa danh, số liệu, bản đồ, biểu đồ và thông tin kinh tế - xã hội,...
Việc chỉnh sửa chương trình môn học được thực hiện trên nguyên tắc hạn chế đến mức thấp nhất việc thay đổi sách giáo khoa, tăng cường hướng dẫn để giáo viên, nhà trường chủ động thực hiện chương trình theo thẩm quyền cho phù hợp với thực tế. [1]
Quá trình chỉnh sửa cần thời gian thẩm định để đảm bảo khoa học, chính xác và thống nhất
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Huỳnh - Tổng chủ biên sách giáo khoa Địa lý 12 (Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) cho biết, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh đã tạo ra sự thay đổi có ảnh hưởng rất lớn đến nội dung giảng dạy trong môn Địa lý.
Theo thầy Huỳnh, môn Địa lý 12 có nội dung chương trình liên quan trực tiếp đến bản đồ, địa danh, số liệu thống kê, thông tin về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của các địa phương cụ thể. Trong chương trình hiện hành, những nội dung này được trình bày một cách chi tiết, cập nhật theo địa giới hành chính tại thời điểm biên soạn sách. Vì vậy, khi có sự điều chỉnh, việc cập nhật, chỉnh sửa là không thể tránh khỏi, nhằm đảm bảo sự chính xác, khoa học, đồng thời phù hợp với thực tiễn quản lý và phát triển đất nước.

Ảnh minh họa: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam
Tuy nhiên, việc điều chỉnh nội dung sách giáo khoa môn Địa lý không thể được thực hiện một cách tùy tiện, mà phải tuân theo một quy trình rất chặt chẽ và nghiêm túc, dựa trên chỉ đạo chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
“Cho đến thời điểm hiện tại, mặc dù việc điều chỉnh địa giới hành chính đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7, song tôi vẫn chưa nhận được chỉ đạo cụ thể nào từ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan đến việc tổ chức chỉnh sửa, biên tập lại nội dung sách giáo khoa để phù hợp với tình hình mới. Lý do là bởi mọi sự điều chỉnh về mặt kiến thức, nội dung sách giáo khoa đều phải dựa trên cơ sở pháp lý, thống nhất và chính thống từ phía cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Cụ thể, trong trường hợp này, đó là các văn bản công bố quy hoạch vùng chính thức, bản đồ hành chính mới cũng như hệ thống số liệu thống kê được cập nhật từ Tổng cục Thống kê hoặc các cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, việc đổi tên tỉnh hay sáp nhập đơn vị hành chính không chỉ ảnh hưởng đến nội dung sách giáo khoa, mà toàn bộ hệ thống thông tin liên quan như biểu đồ dân số, mật độ dân cư, cơ cấu kinh tế, các bản đồ chuyên đề… đều sẽ cần được rà soát, điều chỉnh và cập nhật lại để phản ánh đúng tình hình mới. Tuy nhiên, quá trình này rất phức tạp và mất nhiều thời gian, bởi không chỉ cần dữ liệu chính xác mà còn phải có sự đồng bộ trong cách thể hiện, đảm bảo tính logic giữa các lớp, các khối và giữa các môn học có liên quan. Đơn cử, môn Địa lý lớp 12 cập nhật bản đồ mới nhưng môn Địa lý lớp 9 hoặc lớp 8 chưa kịp chỉnh sửa sẽ dẫn đến sự chênh lệch trong tiếp cận thông tin của học sinh, gây khó khăn cho cả người dạy lẫn người học.
Ngoài ra, việc thể hiện chính xác ranh giới hành chính, thông tin kinh tế - xã hội trên bản đồ là một yêu cầu đặc biệt nghiêm ngặt trong biên soạn sách giáo khoa môn Địa lý. Mọi bản đồ được sử dụng trong sách giáo khoa đều phải căn cứ vào bản đồ hành chính chính thức do cơ quan Nhà nước ban hành. Do đó, người biên soạn không thể sử dụng nguồn bản đồ chưa được xác thực hoặc chưa công bố chính thức, dù đó là thông tin từ các tỉnh, ngành hay địa phương. Chỉ khi có đầy đủ thông tin từ các nguồn chính thống như Tổng cục Thống kê, đội ngũ biên soạn mới có thể bắt đầu xây dựng kế hoạch cập nhật, chỉnh lý nội dung trong sách”, thầy Huỳnh nêu quan điểm.
Cùng bàn về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Giang - Tổng Chủ biên xuyên suốt phần Lịch sử, sách giáo khoa Lịch sử và Địa lí lớp 4 (Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống - Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) cho biết, việc cập nhật sách giáo khoa theo sự thay đổi của thực tiễn là điều tất yếu, nhưng cần được tiến hành một cách khoa học, bài bản và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan.
Trong khi chờ đợi các văn bản hướng dẫn cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sớm có văn bản chỉ đạo, xây dựng lộ trình cập nhật, đồng thời tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo chuyên môn để giáo viên nắm rõ cách xử lý nội dung mới trong quá trình giảng dạy. Điều này sẽ giúp giảm bớt áp lực cho giáo viên, đồng thời giúp học sinh tiếp cận tri thức một cách chính xác, gắn với thực tiễn địa phương và đất nước.
Theo thầy Giang, trong thời điểm hiện tại, mặc dù xã hội đang rất quan tâm đến việc liệu sách giáo khoa có được chỉnh sửa sớm để phù hợp với thực tiễn, nhưng tất cả vẫn đang ở giai đoạn chờ đợi, bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa ban hành chỉ đạo chính thức nào về nội dung này.
Tuy nhiên, với vai trò của người làm công tác chuyên môn, đội ngũ biên soạn không thể chủ động điều chỉnh bất cứ chi tiết nào trong sách nếu chưa có sự cho phép và hướng dẫn từ cơ quan quản lý Nhà nước. Việc xuất bản, sử dụng và điều chỉnh nội dung sách giáo khoa là một vấn đề lớn, có ảnh hưởng sâu rộng đến toàn hệ thống giáo dục, do đó cần được thực hiện một cách nghiêm túc, có căn cứ pháp lý rõ ràng và thống nhất trên toàn quốc.

Sách giáo khoa Lịch sử và Địa lí lớp 4 (Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống - Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam). Ảnh: NXBGDVN
“Theo tôi, việc sửa nội dung sách giáo khoa không đơn giản chỉ là thay đổi một vài cái tên hay cập nhật lại bản đồ, mà liên quan đến rất nhiều yếu tố: số liệu thống kê, biểu đồ, nội dung kinh tế - xã hội... Những thông tin này cũng cần được xử lý, kiểm tra và thẩm định kỹ lưỡng trước khi tích hợp vào sách giáo khoa, nhằm đảm bảo tính chuẩn xác và phù hợp với yêu cầu sư phạm.
Chính vì vậy, mọi kế hoạch liên quan đến việc cập nhật sách đều phải chờ chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc đưa ra bất cứ thay đổi nào khi chưa có văn bản chỉ đạo chính thức không chỉ gây rối cho hệ thống, mà còn tạo ra sự thiếu nhất quán giữa các địa phương, giữa các trường và giữa các giáo viên, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Do đó, trong giai đoạn hiện tại, dù có mong muốn cập nhật để nội dung sách giáo khoa bám sát thực tiễn, thì đội ngũ chuyên môn cũng vẫn phải chờ quyết định và hướng dẫn từ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có chỉ đạo chính thức, chắc chắn sẽ có một lộ trình cụ thể, kèm theo hướng dẫn chuyên môn rõ ràng cho các nhóm tác giả, nhà xuất bản, cũng như đội ngũ giáo viên trong việc triển khai. Lúc đó, mọi việc sẽ được thực hiện bài bản, khoa học, thống nhất trên phạm vi cả nước, tránh tình trạng 'mỗi nơi làm một kiểu', dẫn đến rối loạn thông tin trong sách và trong giảng dạy”, thầy Giang nêu quan điểm.
Hạn chế tối đa việc thay đổi sách giáo khoa để tránh gây xáo trộn lớn trong hoạt động dạy và học
Thầy Huỳnh bày tỏ, theo định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khi có những thay đổi lớn như việc điều chỉnh địa giới hành chính, ngành giáo dục sẽ cố gắng giữ ổn định chương trình và hạn chế tối đa việc thay đổi sách giáo khoa. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có những hướng dẫn cụ thể để các nhà trường, giáo viên chủ động điều chỉnh nội dung giảng dạy phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, thay vì tiến hành thay sách hàng loạt. Cách làm này nhằm giảm thiểu tác động, tránh xáo trộn lớn trong hoạt động dạy và học, đồng thời tiết kiệm chi phí cho học sinh, phụ huynh cũng như hệ thống giáo dục nói chung.
“Tôi cho rằng, trong giai đoạn chờ sách được chỉnh sửa chính thức, việc hướng dẫn giáo viên linh hoạt cập nhật thông tin thực tiễn vào bài giảng là rất cần thiết và có thể phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của người dạy.
Bởi trên thực tế, việc chỉnh sửa nội dung trong sách giáo khoa là một quá trình phức tạp và không thể hoàn thành trong thời gian ngắn. Quá trình điều chỉnh các biểu đồ, số liệu thống kê, hình ảnh minh họa, bản đồ mới… đều cần thời gian thu thập, xử lý, thiết kế lại và qua nhiều bước kiểm tra, thẩm định, phê duyệt để đảm bảo tính khoa học, chuẩn xác và thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Đặc biệt, với những sách thuộc chương trình giáo dục phổ thông mới, bất kỳ điều chỉnh nào cũng phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến cấu trúc tổng thể chương trình, chuẩn đầu ra và định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Mặt khác, một cuốn sách giáo khoa không chỉ đơn thuần là tài liệu dạy học, mà còn là công cụ định hướng nhận thức cho hàng triệu học sinh. Việc cập nhật sai thông tin, thiếu chính xác hoặc thiếu thống nhất trong sách sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học, làm suy giảm niềm tin của xã hội đối với ngành giáo dục. Do đó, trong bất kỳ sự điều chỉnh nào, tôi và đội ngũ biên soạn luôn phải đặt tiêu chí khách quan, chính xác và phù hợp lên hàng đầu. Chỉ khi có đầy đủ cơ sở pháp lý, chỉ đạo cụ thể từ Bộ, cùng với hệ thống dữ liệu thống kê chính thống và bản đồ hành chính được ban hành, thì đội ngũ chủ biên mới có thể bắt tay vào công việc một cách chắc chắn, hiệu quả và đảm bảo chất lượng”, thầy Vinh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm trên, thầy Giang bày tỏ, trong thực tế giảng dạy, giáo viên hoàn toàn có thể linh hoạt bổ sung, cập nhật một số thông tin phù hợp với tình hình địa phương, miễn đảm bảo không làm thay đổi chương trình học hay mục tiêu giáo dục. Tuy nhiên, những điều chỉnh đó chỉ mang tính tình huống, tạm thời, chứ không thể thay thế cho việc cập nhật chính thức trong sách giáo khoa. Việc biên soạn lại hoặc chỉnh lý nội dung sách là một công việc chuyên môn sâu, cần có sự vào cuộc của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà khoa học, chuyên gia đến nhà xuất bản.
“Tóm lại, trong giai đoạn hiện tại, việc điều chỉnh sách giáo khoa chưa thể tiến hành ngay, và cũng không thể đưa ra kế hoạch cụ thể nào nếu chưa có chỉ đạo chính thức từ Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đây là một công việc hệ trọng, cần được thực hiện theo đúng quy trình và trên cơ sở dữ liệu chính thống, nhằm đảm bảo sự chuẩn xác, thống nhất và ổn định cho toàn bộ hệ thống giáo dục”, thầy Giang khẳng định.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://www.moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-bo.aspx?ItemID=10711