Tổ hợp tên lửa Khrizantema gia tăng sức mạnh cho 'Thợ săn đêm' Mi-28NM ra sao?
Quân đội Nga sẽ trang bị tên lửa dẫn đường Khrizantema cho trực thăng chiến đấu 'Thợ săn đêm' Mi-28NM, nhằm gia tăng sức mạnh tấn công trên đất liền và trên không.
Bên lề triển lãm vũ khí quốc tế EDEX 2021, đại diện Cục Thiết kế Kỹ thuật cơ khí cho biết, phiên bản xuất khẩu của trực thăng chiến đấu Mi-28NM “Thợ săn đêm”của Nga sẽ được trang bị tên lửa dẫn đường Khrizantema. Sau khi hoàn thành việc hiện đại hóa, khả năng cơ động và sức mạnh của Mi-28NM đã tăng lên đáng kể.
Các chuyên gia cho biết, việc tích hợp loại đạn mới vào kho vũ khí của Mi-28NM giúp nó có thể bắn trúng không chỉ mục tiêu trên đất liền, mà còn cả các mục tiêu trên không. Hiện các quốc gia Trung Đông, châu Phi và châu Á thể hiện sự quan tâm đáng kể đến dòng trực thăng này.
Những cải tiến mới
Moscow coi trực thăng Mi-28NM là sản phẩm tiềm năng có thể chuyển giao tới các nước Trung Đông, châu Phi và châu Á. Hồi tháng 5, người đứng đầu Bộ Công Thương Liên bang Nga Denis Manturov cho biết, phiên bản xuất khẩu này sẽ tích hợp các giải pháp kỹ thuật đã được thực hiện trong Mi-28NM “Thợ săn đêm”, vốn được hiện đại hóa cho Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga.
Mi-28NM cải tiến khác với trực thăng cơ sở ở đường viền mũi của thân máy bay, với một hệ thống giám sát mới được lắp đặt, trên đó có thiết bị giao tiếp với UAV. Theo đó, máy bay không người lái sẽ thực hiện chức năng chỉ định mục tiêu cho trực thăng hoặc được điều khiển trực tiếp bởi hoa tiêu.
Các ưu điểm của Mi-28NM hiện đại hóa bao gồm việc tăng cường khả năng bảo vệ trước đòn đánh của đối phương, cùng với tăng khả năng cơ động, trang bị điện tử hiện đại, tăng phạm vi phát hiện mục tiêu, gia tăng phạm vi hoạt động của vũ khí dẫn đường và vũ khí không điều khiển.
Kho vũ khí của Mi-28NM bao gồm một số loại đạn mới. Trong số đó có tên lửa dẫn đường chống tăng Khrizantema. Cụ thể là sản phẩm mang mã hiệu 9M123M (Khrizantema), là loại đạn dẫn đường chống tăng mạnh nhất do Nga sản xuất.
Tên lửa này là một phần không thể thiếu trong kho vũ khí của trực thăng “Thợ săn đêm”, vốn được trình diễn trước công chúng tại Diễn đàn kỹ thuật-quân sự quốc tế Army-2018. Theo đó, tầm bắn của 9M123M là khoảng 10 km. Tên lửa có thể được sử dụng trong mọi thời tiết, cả ngày lẫn đêm. Hiện các đặc tính của 9M123M vẫn chưa được công bố rộng rãi.
Các chuyên gia cho rằng, 9M123M là loại đạn được cải tiến để sử dụng cho các phương tiện cánh quay. Công trình được thực hiện trên cơ sở tên lửa siêu thanh 9M123, thuộc kho vũ khí của tổ hợp chống tăng mặt đất Khrizantema-S.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, hệ thống này được thiết kế để tiêu diệt xe tăng, mục tiêu bề mặt có trọng tải thấp, máy bay tầm thấp, các công trình phòng thủ, nhân lực trong các hầm trú ẩn và các khu vực trống trải khác.
Theo tài liệu công bố, đạn 9M123 được chế tạo theo cấu hình khí động học thông thường. Chiều dài của 9M123 là 2,3 m, khối lượng trong thùng vận chuyển và phóng không quá 62 kg, tầm bắn tối thiểu 400 m và tối đa là 5.000 m.
9M123 được trang bị đầu đạn tích lũy song song theo chỉ số 9N146-1, mang lại khả năng xuyên giáp dày tới từ 1000-1100 mm. Tên lửa có thể tăng tốc lên khoảng 650 m/giây và tốc độ của phản lực tích lũy đạt tới 10-11 km/giây. Điều này có thể đảm bảo việc bắn trúng xe tăng và trong một số điều kiện nhất định, có thể xuyên qua nó.
Hệ thống lắp đặt trên mặt đất có khả năng bắn 4 tên lửa mỗi phút. Việc dẫn đường của 9M123 được thực hiện tự động bằng radar hoặc ở chế độ bán tự động bằng tia laze.
“Điều quan trọng là Khrizantema có 2 kênh hướng dẫn. Tia laser cung cấp độ chính xác cao, nhưng vẫn chưa đủ khả năng chống lại mưa, sương mù, mây và các điều kiện thời tiết khác. Đồng thời, không gây nhiễu cho hệ thống dẫn đường bằng radar. Tốc độ siêu thanh cũng mang lại lợi thế gây sốc nghiêm trọng, đặc biệt là khi đánh trúng mục tiêu trên không”, chuyên gia quân sự Alexei Khlopotov nhấn mạnh.
Khrizantema-S đã nhận được đánh giá cao từ Bộ Quốc phòng Nga. Theo đó, tổ hợp này có thể bắn đồng thời vào 2 mục tiêu và chống lại sự can thiệp của đối phương.
Ngoài ra, một trung đội Khrizantema-S, với số lượng 3 xe chiến đấu có khả năng đẩy lùi thành công cuộc tấn công của một đại đội xe tăng (14 chiếc), tiêu diệt ít nhất 60% mục tiêu.
Tăng khả năng chiến đấu
Theo chuyên gia Aleksey Khlopotov, bằng cách tích hợp 9M123M vào kho vũ khí của “Thợ săn đêm” Mi-28NM, quân đội Nga đã đơn giản hóa giải pháp về vấn đề hậu cần và cung cấp đạn dược.
Theo đó, 9M123M sẽ được đặt trên giá treo bên ngoài của Mi-28NM trong cùng thùng phóng với tên lửa Vikhr và Attack. Nếu cần thiết, phiên bản “Thợ săn đêm” cải tiến sẽ có thể nâng tới 12 quả đạn 9M123M (mỗi bên 6 quả).
Tổ hợp Khrizantema được điều chỉnh để tấn công các mục tiêu trên mặt đất và trên không. Do đó, Mi-28NM có thể tấn công trực thăng, máy bay không người lái và máy bay tầm thấp.
Khrizantema rõ ràng đã mang đến cho Mi-28NM một khả năng mới. Trực thăng đã có thể tự chống lại các đối thủ trên không. Bên cạnh đó, việc gia tăng khả năng chiến đấu của phương tiện này đương nhiên khiến nó trở nên hấp dẫn hơn đối với khách hàng nước ngoài và tăng tiềm năng xuất khẩu của nó.
Dmitry Drozdenko, Tổng biên tập Tạp chí “Kho vũ khí của Tổ quốc”, cũng bày tỏ quan điểm tương tự trong một cuộc phỏng vấn với RT. Theo đó, càng nhiều loại vũ khí đa dạng mà máy bay trực thăng có thể sử dụng thì chất lượng chiến đấu của nó càng cao và càng khiến khách hàng hài lòng.
Theo quan điểm của chuyên gia, việc lắp đặt tên lửa Khrizantema sẽ giúp Mi-28NM có thêm lợi thế về tầm bắn và tốc độ tiêu diệt mục tiêu. Sau khi phóng đạn, tổ lái trực thăng có thể thay đổi vị trí (sử dụng nguyên tắc “bắn và quên”) và thực hiện đường bắn mới.
“Việc sử dụng tổ hợp Khrizantema với Mi-28NM đòi hỏi phải lắp đặt thêm thiết bị trên hệ thống treo trực thăng, nhưng điều này không có gì là quan trọng. Điều thực sự quan trọng là “Thợ săn đêm” đang phát triển, biến thành một đơn vị chiến đấu tự cung tự cấp trong các chiến dịch, thành một phương tiện có khả năng tấn công vào cả mục tiêu trên bộ và trên không”, chuyên gia Drozdenko nhấn mạnh.